Mỗi chi/đảng bộ giúp 1 bản, mỗi đảng viên giúp 1 hộ nghèo
Theo ông Hà Trung Chiến, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, đến cuối năm 2018, toàn huyện còn gần 1.952 hộ nghèo. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo huyện phối hợp với UBND các xã rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của các hộ trên. Sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy ra quyết định phân công 57 chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách công tác giảm nghèo bền vững đối với 72 bản khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao; phân công 649 đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện đến xã giúp 649 hộ dân tộc thiểu số nghèo thoát nghèo.
Bà Vì Thị Long Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mộc Châu, Bí thư Chi bộ Nông dân-Hội LHPN huyện cho biết, Chi bộ Nông dân- Hội LHPN huyện Mộc Châu mới sát nhập. Chi bộ được giao hỗ trợ giảm nghèo bền vững 2 bản là bản Phách, xã Chiềng Khừa và Phiêng Cành, xã Tân Lập. Bản thân bà Biên cũng được giao giúp đỡ 1 hộ nghèo người dân tộc thiểu số là chị Giàng Thị Sua, bản Phiêng Cành, xã Tân Lập thoát nghèo. Cũng như các đảng viên khác, bà Biên đến tận nhà chị Sua tìm hiểu nguyên nhân vì sao gia đình chị nghèo. Sau khi tìm hiểu, bà Biên biết được nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất nên đã tư vấn cho gia đình chi Sua mượn đất cộng đồng của xã để sản xuất nông nghiệp và liên hệ với chính quyền xã tạo điều kiện giúp đỡ chị Sua. Tiếp đến là tìm nơi hỗ trợ cây, con giống để gia đình chị Sua có thể phát triển chăn nuôi, trồng trọt trên quỹ đất đó…
Ông Hà Trung Chiến cho biết, sau được phân công, 100% cán bộ huyện, xã đã gặp gỡ trao đổi với từng hộ nghèo để có giải pháp giúp đỡ cụ thể. Bản thân ông cũng được giao giúp đỡ 1 hộ nghèo. Tất cả đảng viên được giao giúp đỡ hộ nghèo đều phải thực hiện báo cáo trước chi bộ trong cuộc họp chi bộ hàng tháng; 3 tháng Chi bộ, Đảng bộ phải cáo Ban thường vụ Huyện ủy về những việc đã triển khai để giúp đỡ hộ nghèo. Điều này sẽ giúp người được giao việc có trách nhiệm hơn, khiến công tác giảm nghèo trở thành nếp ăn, nếp nghĩ của từng đảng viên, đồng thời cũng giúp cả chi bộ giám sát việc làm của cá nhân đảng viên tốt hơn.
Thắp sáng ước mơ thoát nghèo
Chiềng Khừa là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mộc Châu. Từ trung tâm huyện đến xã khoảng 30km nhưng chúng tôi phải mất hơn 1 giờ di chuyển bằng xe máy vì đường đèo dốc, bụi mù. Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa, cho biết, Chiềng Khừa là xã biên giới giáp Lào, có 9 bản, với 782 hộ nhưng có đến 324 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Vì thế, công tác xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Cũng như các xã trong huyện, Chiềng Khừa phân công các tổ chức đoàn thể, đảng viên là lãnh đạo xã, đứng đầu các đoàn thể xã giúp đỡ hộ nghèo. Ngoài ra, nhiều bản, cá nhân trong xã còn được các chi bộ, đảng viên là lãnh đạo các cơ quan trong huyện giúp đỡ thoát nghèo.
Theo ông Hà Văn Buôn, Bí thư Chi bộ bản Phách, xã Chiềng Khừa, bản có 147 hộ, năm 2018, bản có 46 hộ nghèo, năm 2019, số hộ nghèo của bản còn 35 hộ. Bản Phách được Chi bộ Nông dân-Hội LHPN huyện hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Hộ gia đình anh Lường Văn Liêm và chị Hoàng Thị Lá, ở bản Phách nghèo do không có vốn để phát triển sản xuất. Căn nhà sàn của anh, một nửa vách bằng ván gỗ, nửa còn lại bằng phên lứa nhưng trống hoác, bởi chỉ bưng được hơn nửa dưới. Còn mái nhà anh chị lợp bằng pro-xi măng đã nứt, vỡ nhiều chỗ. Anh Liêm cũng muốn lợp lại mái, bưng kín vách nhà nhưng không có điều kiện. Bởi thu nhập từ trồng ngô mỗi năm trừ chi phí chỉ lãi khoảng 5-6 triệu đồng, chỉ đủ mua mắm muối và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình, mặc dù anh chị trồng tới 30kg hạt ngô giống/năm.
Vợ chồng anh đang chưa biết làm gì để phát triển kinh tế thì huyện Mộc Châu giao cho ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, giúp đỡ gia đình anh thoát nghèo. Đầu năm 2019, anh Liêm được hỗ trợ 100 cây chanh leo giống. Vợ chồng anh đem trồng chanh trên diện tích hơn 2.000m2. Hiện cây đã ra trái, cuối tháng 10 này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. “Chanh leo sau khi hái lứa đầu tiên, sau đó cứ 4-5 ngày cho thu hoạch/lần, với giá trung bình hiện gần 10.000 đồng/kg, mỗi tháng tôi có thể thu được 6-7 triệu đồng, bằng cả năm trồng ngô”, chị Lá nhẩm tính.
Ngoài giống chanh leo, gia đình chị Lá còn được hỗ trợ 5 triệu đồng mua pro-xi măng để thay mái ngói cũ đã hỏng nhưng khi nào lợp thì sẽ được cấp tiền. “Mình tính rồi, 5 triệu đồng thì gần đủ thôi, chắc phải bù thêm hơn 1 triệu đồng nữa mới lợp kín được mái nhà. Vì thế, ngay sau khi bán lứa chanh leo đầu tiên, mình sẽ mua ngói lợp nhà để không phải chạy mưa trong nhà khi mưa xuống nữa”, chị Lá cho biết.
Theo chị Lá, nếu sản xuất diễn ra thuận lợi, cuối năm nay, gia đình chị sẽ thoát nghèo như đã đăng ký. Gia đình chị Lá là 1 trong 8 hộ nghèo của bản Phách được hỗ trợ sinh kế và phấn đấu thoát nghèo trong năm 2019.
Tháo gỡ kịp thời khó khăn
Được biết, Mộc Châu là huyện tiên phong giao các cấp ủy, chi bộ, đảng viên trực tiếp hỗ trợ người nghèo ở Sơn La và nhiều huyện khác trong cả nước. Việc phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong giúp đỡ người nghèo ở Mộc Châu là một trong những việc làm thiết thực thực hiện Quy định 08, ngày 25/10/2018 về Trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên của Ban Chấp hành TƯ Đảng; đồng thời chỉ đạo quyết liệt, theo dõi sát sao việc làm của các tổ chức, đảng viên để có được kết quả cao nhất.
Trong quá trình thực hiện, tuy đạt được nhiều kết quả nhưng khi triển khai công tác giảm nghèo ở Mộc Châu gặp không ít trở ngại. Ví như không phải xã nào cũng có nhiều diện tích đất cộng đồng hoặc đã sử dụng vào mục đích công ích khác. Về đảng viên là lãnh đạo, quản lý được giao giúp đỡ hộ nghèo, thực tế không phải đảng viên nào cũng có điều kiện kinh tế khá giả…
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Trung Chiến cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy đã lường trước được một số khó khăn khi triển khai nhiệm vụ trên. Vì thế, chúng tôi đã có hướng dẫn để các đơn vị, cá nhân triển khai như nếu ít đất cộng đồng thì cần vận động những người thân trong gia đình, họ hàng, bà con trong xã, trong bản có đất không sử dụng đến thì cho hộ nghèo mượn. Hoặc có thể giới thiệu cho những người nghèo không có đất còn sức lao động đi làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có thể giúp đỡ họ bằng cách hỗ trợ vốn, kết nối để vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trên diện tích hẹp. Bởi chỉ cần vài trăm m2 là có thể chăn nuôi vài chục con gia súc, hàng trăm gia cầm để tăng thu nhập".
Về đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, ông Chiến cho biết, không nhất thiết phải hỗ trợ vật chất, vì thực tế, nhiều đảng viên vẫn còn khó khăn. Nếu đảng viên nào có thể hỗ trợ vật chất thì hỗ trợ, còn không thì động viên, hướng dẫn hộ nghèo cách làm làm kinh tế, thủ tục vay vốn ngân hàng, kết nối để họ được hỗ trợ cây, con giống... để phát triển sản xuất. Sau khi hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, công tác giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn diễn ra thuận lợi.
"Để triển khai đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, huyện Mộc Châu đã tổ chức 6 lớp tập huấn các nội dung giúp đỡ hộ nghèo như trang bị kiến thức về lập hồ sơ vay vốn; địa chỉ mua cây, con giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi… cho 1.524 lượt bí thư, trưởng bản, mặt trận tổ quốc và trưởng các đoàn thể bản, tiểu khu và Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu xã, thị trấn. Nhờ đó, những lãnh đạo, đảng viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong việc giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo". Ông Hà Trung Chiến, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, tỉnh Sơn La. |
(Còn nữa)