Chuối là một loại hoa quả rất phổ biến, quả chuối không những có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon mà giá thành vô cùng rẻ. Tuy nhiên quả chuối ở những giai đoạn chín khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Biết ăn chuối đúng cách mới có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.
1. Chuối xanh
Chuối xanh chứa rất nhiều tinh bột kháng, nó được coi là một thành phần trong chất xơ. Cấu trúc của tinh bột kháng không dễ hấp thụ và khó bị phá hủy bởi các enzyme tiêu hóa trong cơ thể, vì vậy nó có thể thúc đẩy nhu động ruột và giúp đại tiện trơn tru, tương tự như con đường chuyển hóa của chất xơ nói chung.
Nhiệt lượng của tinh bột kháng chỉ bằng 70% so với tinh bột thông thường. Vì không dễ tiêu hóa nên nó có thể làm tăng cảm giác no, đã được nghiên cứu lâm sàng chứng minh có thể giúp làm giảm cân. Tinh bột kháng tốc độ tiêu hóa chậm, cần phải mất 2 tiếng mới có thể tiêu hóa hết, do vậy cũng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Chuối xanh chứa hàm lượng đường không cao, khi ăn sống có vị hơi chát, ăn không ngon nên không được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên trong chuối xanh chứa 70-80% tinh bột kháng, chỉ số đường huyết thấp, có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu.
Kháng tinh bột cũng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng thông qua các cơ chế khác nhau như bảo vệ khỏi tác hại do biến đổi DNA, thay đổi biểu hiện gen và tăng tự chết (apoptosis) của các tế bào ung thư.
Lưu ý tinh bột kháng không dễ tiêu hóa. Nếu bạn mắc các bệnh về đường tiêu hóa hoặc đầy hơi, ăn chuối xanh rất dễ gây khó chịu.
2. Chuối chín vàng
Các thành phần dinh dưỡng của chuối vàng và chuối xanh là như nhau, nhưng có sự khác biệt về hàm lượng tinh bột kháng. Chuối vàng rất giàu vitamin B2, B6 và vitamin C. Trong chuối vàng cũng chứa rất nhiều kali và magiê, ngoài ra còn chứa tryptophan giúp cơ thể tổng hợp serotonin, khiến tâm trạng con người luôn vui vẻ, ngủ ngon, chống trầm cảm và lo lắng.
Tuy nhiên khi chuối chuyển sang màu vàng thì cũng sẽ chuyển đổi tất cả tinh bột kháng ban đầu trong chuối xanh, chỉ để lại khoảng 5% tinh bột kháng, hệ thống tiêu hóa sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng nhanh hơn. Chuối vàng có hàm lượng fructose và glucose cao, và chỉ số đường của chúng gấp đôi so với chuối xanh. Ngoài ra, chuối chín vàng phát triển nhiều hơn các chất chống oxy hóa, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.
3. Chuối chín trứng cuốc
Tsurumi Takashi - bác sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Nhật Bản đã giải thích nhiều lợi ích của “quả chuối đen” trong cuốn sách “Liệu pháp sức khỏe chuối đen”. Ông chỉ ra rằng quả chuối chín có đốm đen mới là "đạt đỉnh dinh dưỡng" thực sự, tác dụng chống oxy hóa được tăng cường đáng kể, các enzym được tăng lên và các chất dinh dưỡng dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Đó là lý do người Nhật thường thích ăn chuối có đốm đen.
Những quả chuối này già hơn và ngọt hơn. Những đốm nâu không chỉ cho thấy quả chuối đã già, mà chúng còn báo hiệu có bao nhiêu tinh bột đã được chuyển thành đường. Hãy tưởng tượng tất cả những đốm nâu này như những nốt “tàn nhang” đường nho nhỏ. Số lượng các đốm nâu càng nhiều trên một quả chuối thì lượng đường càng nhiều.
Chuối chín có đốm nâu có chứa nguyên tố làm hoại tử khối u (TNF-α) gây chết tế bào ung thư và có thể đối phó với các tế bào ung thư trong cơ thể. Các chất dinh dưỡng trong chuối có đốm nâu cũng có thể tăng cường các tế bào bạch cầu. So với chuối chưa chín, chuối chín có đốm nâu có thể tăng cường các tế bào bạch cầu nhiều hơn 8 lần.
Chuối có đốm nâu có chứa rất nhiều polyphenol, có thể trì hoãn sự lão hóa của cơ thể. Ngoài ra loại chuối này cũng có thể cân bằng natri trong cơ thể, hạ huyết áp và ổn định huyết áp. Tuy nhiên, một khi chuối bị chín, hàm lượng vitamin C trong chuối sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn