Chuỗi cung ứng thực phẩm sạch từ nông trại đến bếp ăn gia đình

18:00 | 20/11/2024;
Thời gian qua, nhiều mô hình về an toàn thực phẩm đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Qua đó từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp sạch, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Lấy an toàn thực phẩm làm tiêu chí

Trước những nỗi lo về thực phẩm mất an toàn, chị Sa Thị Thơ, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Rau an toàn Khu Thiện 2, xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, đã tập hợp 8 hộ gia đình mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ trên tổng diện tích trên 1,2ha rau, củ, quả.

Các loại rau an toàn chủ yếu được canh tác như dưa lê, dưa chuột, cà chua, mướp, một số rau màu khác. Ước tính mỗi năm sản lượng rau từ các nông trại đến với các bếp ăn gia đình từ khoảng 20-30 tấn.

Chuỗi cung ứng thực phẩm sạch từ nông trại đến bếp ăn gia đình- Ảnh 1.

Tổ rau an toàn của chị Sa Thị Thơ ước tính mỗi năm sản lượng rau từ các nông trại đến với các bếp ăn gia đình từ khoảng 20-30 tấn

Theo chị Thơ, để đảm bảo đạt chất lượng rau an toàn, tổ hợp tác đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; bố trí hệ thống tưới hiện đại nhằm cung cấp đủ nước sạch để sản xuất. Thành viên khi tham gia vào tổ hợp tác đều được trải qua các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, xử lý các mầm bệnh có trong đất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho rau. Chọn giống, chăm sóc, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau. Cách xử lý và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thích hợp… cho đến lúc thu hoạch.

Mô hình này đòi hỏi các khâu phải kỹ, từ làm đất phải thật sạch đến việc nói không với phân, thuốc hóa học. Ngoài ra, chị Thơ và các thành viên còn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc: Đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh. Chính vì vậy, sản phẩm rau của tổ luôn đảm bảo, không có lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các chất hóa học khác tồn dư trong rau, củ, quả. Điều này không những bảo vệ sức khỏe trực tiếp cho tổ viên trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ môi trường mà còn chính là điểm mạnh giúp cho sản phẩm rau an toàn Khu Thiện 2 có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá ổn định.

Cũng là một người tâm huyết với thực phẩm an toàn, chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Bà Ba Hội (tỉnh Quảng Nam) chọn thực phẩm chế biến sẵn để đưa đến bàn ăn gia đình. Chị cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến phản hồi cả tích cực và tiêu cực của người tiêu dùng để từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Chuỗi cung ứng thực phẩm sạch từ nông trại đến bếp ăn gia đình- Ảnh 2.

Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Bà Ba Hội (tỉnh Quảng Nam) và sản phẩm của mình

Mô hình chế biến thủy sản của Bà Ba Hội hiện có 3 sản phẩm chính là cá nục rim, cá bống rim, mì quảng ếch. Theo chị Thủy, cá nục rim là một món ăn ngon được chế biến từ cá nục tươi, được hợp tác xã thu mua tại cảng cá Tam Quang- một trong những cảng cá lớn ở miền Trung, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sau khi thu mua, cá được sơ chế tại xưởng ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, đông lạnh rồi vận chuyển về cơ sở chế biến ở thành phố Tam Kỳ tiếp tục công đoạn tẩm gia vị, rim cá, đóng gói hoàn chỉnh, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, cá nục rim Bà Ba Hội đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn của cả nước. Đây là sản phẩm tiện lợi, đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể sử dụng ngay - đáp ứng nhu cầu tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe của đông đảo người tiêu dùng.

Đối với các nông trại chăn nuôi, việc đảm bảo an toàn thực phẩm từ nông trại đến bếp ăn gia đình cũng đang ngày càng trở thành một xu hướng lành mạnh và tất yếu. Chị Trần Thị Bích May (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã tạo ra thực phẩm thịt gác bếp từ chăn nuôi bò vàng A Lưới, một loại bò được nuôi thuần tự nhiên và được bảo hộ thương hiệu. Sản phẩm đã được chuẩn hóa từ quy trình chăn nuôi đến lúc đóng gói, bảo quản, cho tới khi đến được bàn ăn của người tiêu dùng.

Vì một hệ thống cung ứng thực phẩm lành mạnh

Không chỉ riêng các cá nhân, doanh nghiệp đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu mà các đoàn thể, ban, ngành cũng luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành, lựa chọn thực phẩm an toàn cho người kinh doanh, người tiêu dùng.

Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã chuyển sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tích cực thúc đẩy các vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm.

Chuỗi cung ứng thực phẩm sạch từ nông trại đến bếp ăn gia đình- Ảnh 3.

PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế)

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường làm người tiêu dùng bất an, thì các mô hình nông nghiệp sạch, an toàn, khép kín từ nông trại đến bếp ăn gia đình đang là xu hướng được ủng hộ.

Bên cạnh các ưu thế về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình hiện đại, chuẩn hóa khép kín, mô hình này còn giúp giải quyết các vấn đề bất cập của sản phẩm nông nghiệp hiện nay cũng như các vấn đề dinh dưỡng liên quan đến sức khỏe con người.

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững. Mục đích của chế độ ăn uống lành mạnh là đạt được sự tăng trưởng và phát triển tối ưu của tất cả các cá nhân, hỗ trợ chức năng và sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội ở tất cả các giai đoạn cuộc sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai; góp phần ngăn chặn tất cả các dạng suy dinh dưỡng và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học và sức khỏe toàn cầu.

PGS.TS.Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn