Chướng bụng sau mổ ruột thừa có khá nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chướng bụng sau mổ ruột thừa thường không phải do một nguyên nhân đơn lẻ gây nên mà là do các yếu tố nguyên nhân phối hợp với nhau. Nên chú ý điều chỉnh và tái khám để tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh.
Những nguyên nhân chính khiến người bệnh bị chướng bụng sau mổ ruột thừa:
- Hơi trong ổ bụng: Ngày nay, phương pháp mổ ruột thừa chủ yếu được áp dụng là phương pháp phẫu thuật nội soi. Để dễ dàng quan sát và thao tác trong quá trình mổ, bác sĩ có thể sẽ bơm hơi vào trong ổ bụng. Nếu bác sĩ đóng ổ bụng khi bên trong vẫn còn quá nhiều hơi sẽ dễ khiến cho người bệnh cảm thấy bị chướng bụng sau mổ ruột thừa.
- Chức năng ruột bị ảnh hưởng do gây mê, gây tê: Sự hoạt động của ống tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình gây mê, gây tê. Vì vậy nhu động và các cử động cơ bản của ống tiêu hóa đều bị ức chế. Sự suy giảm nhu động khiến các chất trong lòng ruột bị ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh hơi. Hậu quả là người bệnh bị chướng bụng sau mổ ruột thừa.
- Do bồi phụ dịch quá mức: Bồi phụ dịch quá mức trong quá trình mổ có thể gây ra ứ đọng dịch ở thành ruột. Sự ứ đọng này khiến thành ruột dày lên và nó cản trở sự hoạt động bình thường của ruột, dễ gây đầy hơi.
- Hạn chế vận động sau mổ: Người bệnh sau mổ ruột thừa thường hạn chế vận động vì nhiều lý do như đau, lo lắng ảnh hưởng vết mổ,... Tuy nhiên, chính bởi vậy lại khiến cho nhu động ruột chậm được cải thiện hơn, máu lưu thông cũng kém hơn,... Từ đó khiến cho tình trạng chướng bụng ở bệnh nhân trở nên kéo dài.
2. Chướng bụng sau mổ ruột thừa nguy hiểm không?
Khi chướng bụng sau mổ ruột thừa xảy ra, nó thường khiến người bệnh cảm thấy lo lắng rằng biểu hiện này liệu có nguy hiểm hay không?
Nếu người bệnh chỉ bị chướng bụng nhẹ, thỉnh thoảng có đau bụng đôi chút, có thể trung tiện được, không kèm theo các biểu hiện bất thường khác,... thì không cần quá lo lắng. Bởi trong trong trường hợp này, chướng bụng sau mổ ruột thừa chỉ là một sự phản ứng bình thường của cơ thể với các tổn thương sau cuộc mổ cũng như là tác dụng phụ của các phương pháp điều trị đã được sử dụng. Nó sẽ nhanh chóng thuyên giảm và biến mất hoàn toàn cùng với sự hồi phục của người bệnh.
Tuy nhiên, nếu người bệnh bị chướng bụng có kèm theo sốt cao, thành bụng co cứng như gỗ, thấy ruột nổi hẳn lên thành bụng, đi cầu phân đen hoặc có máu,... có thể đây là các dấu hiệu gợi ý đến các biến chứng nguy hiểm sau mổ như viêm phúc mạc, tắc ruột sau mổ,... Khi này, người bệnh cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời nếu có bất thường đang xảy ra.
Mặc dù các trường hợp chướng bụng sau mổ ruột thừa thông thường không có kèm biến chứng đều có thể tự thuyên giảm và khỏi hẳn. Tuy nhiên, người bệnh có thể thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn nhờ một số biện pháp như:
- Bắt đầu vận động nhẹ nhàng sau mổ sớm nếu có thể, tăng dần về mức độ. Nếu vận động khiến người bệnh cảm thấy đau đớn thì có thể sử dụng thuốc giảm đau.
- Chế độ dinh dưỡng của người bệnh nên đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng phải dễ tiêu hóa. Ưu tiên bổ sung thêm chất xơ, nước và nấu kỹ trước khi dùng để tránh trường hợp táo bón xảy ra.
- Khi cần thiết, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc sổ nhằm tống các chất ứ đọng trong lòng ruột ra ngoài, giảm tình trạng chướng bụng.
- Hơn hết, bệnh nhân cần phải theo dõi kỹ tình trạng chướng bụng sau mổ ruột thừa của bản thân để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường khác nếu có.
Có thể thấy rằng, dù tình trạng chướng bụng sau mổ ruột thừa trong đa số trường hợp là nhẹ và có thể được giảm đi đáng kể nếu áp dụng đúng cách các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, người bệnh cũng không được chủ quan đối với tình trạng này bởi nó cũng có thể là dấu hiệu dự báo cho những biến chứng nghiêm trọng khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn