Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đại lộ di sản" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lần đầu tiên sẽ diễn ra tại chùa Tam Chúc, Hà Nam và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h tối 12/5 – ngày khai mạc Đại lễ Vesak 2019. Đảm nhiệm vai trò chỉ đạo sản xuất chương trình, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh chia sẻ với phóng viên về ý tưởng và mong muốn khi thực hiện chương trình:
“Nếu người sinh năm 2000 không biết đến di sản thì làm sao nó được lưu truyền”
PV: Ý tưởng thực hiện chương trình "Đại lộ di sản" bắt nguồn từ đâu thưa chị?
Nhà báo Diễm Quỳnh: Khi ra nước ngoài, chúng tôi có cơ hội xem trình diễn nghệ thuật các nước, trong đó có những chương trình họ gói ghém cả nền văn hóa hay cả chiều dài lịch sử. Việt Nam cũng có những chương trình như vậy rất hay nhưng không phải ai cũng có cơ hội vào Nhà hát Lớn hay trung tâm biểu diễn lớn để xem. Điều đó thôi thúc chúng tôi xây dựng dự án nghệ thuật mới 2019 nhấn vào chữ “di sản” sau khi đã trao đổi với nhau rất nhiều lần, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia.
VTV1 đã có các chương trình như: Điểm hẹn văn hóa, Câu chuyện văn hóa, Bản tin văn hóa… thường xuyên nói về các di sản của Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình lớn mà các di sản của Việt Nam được trình diễn một cách công phu, hoành tráng, đồng thời được xếp ngang hàng với quốc tế hầu như chưa có, nếu như không muốn nói là rất khó khăn để thực hiện.
Tôi vẫn nhớ có lần, con gái mình hỏi về hát xoan - một di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Hiện giờ trên internet có tất cả, có thể dùng từ khóa để tìm kiếm nhưng những từ như "hát xoan" được nghe thấy ít quá. Các di sản đó phải được nói nhiều trên truyền thông thì người ta mới biết mà tìm kiếm.
Tôi không muốn di sản Việt Nam chỉ nằm trong những đoàn của Bộ VHTT&DL đi giới thiệu di sản ở nước ngoài, còn trong nước như con gái mình 20 tuổi lại không có cơ hội tiếp cận. Nói “Đại lộ di sản” là sứ mệnh thì lớn lao quá, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một chương trình nên thực hiện.
Nếu người sinh năm 2000 không biết đến di sản thì chúng ta lấy đâu ra niềm tin nó sẽ được lưu truyền. Chúng ta có một cách làm là thật trân trọng nâng niu đưa nó lên một sân khấu để đủ thấy hấp dẫn thì chúng ta đã tiếp thu di sản một cách chủ động.
PV: Chị và ê kíp mong muốn điều gì nhất khi thực hiện chương trình này?
Nhà báo Diễm Quỳnh: Một số bạn trong ê kíp của chúng tôi gọi đây là dự án festival về di sản, tôi nghĩ nếu được như thế thì quá tốt. Bản thân chúng tôi mong muốn rằng, "Đại lộ di sản" là một chương trình được đầu tư thích đáng về chuyên môn và khán giả sẽ được xem những di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Bên cạnh đó, chúng ta được nhìn thấy các nước trên thế giới có gì hay trong kho tàng văn hóa của họ, khi mang đến Việt Nam họ lựa chọn điều gì. Ngôn ngữ cũng như sự khác biệt về văn hóa tạo nên sự thú vị của chương trình nghệ thuật nhưng đồng thời hướng tới một điểm chung là sự nhân văn, cuộc sống hài hòa của các quốc gia trên thế giới.
Khi trao đổi điều này với đạo diễn Việt Tú, biên đạo Trần Ly Ly, đạo diễn âm nhạc Thanh Phương, mọi người đều mong muốn có một cách nào đó bằng nghệ thuật nhìn, nghe, múa, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh tiếp cận nhanh, có chiều sâu, có cảm xúc nhất với những gì chúng ta nghĩ rằng nó đã quá xưa cũ. Ví dụ Nhã nhạc cung đình Huế được chúng tôi lựa chọn đại diện Việt Nam tham gia "Đại lộ di sản" lần này. Khán giả có thể xem Nhã nhạc cung đình Huế trên truyền hình, vô cùng lộng lẫy và tôi tin các nghệ sĩ nhã nhạc Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào khi các tiết mục của mình xếp cùng các tiết mục khác trên thế giới.
PV: Thách thức lớn nhất với chị và ê kíp khi thực hiện chương trình là gì?
Nhà báo Diễm Quỳnh: Sẽ có 7 đoàn nghệ thuật nước ngoài tham dự "Đại lộ di sản" năm nay. Làm một chương trình gói riêng các di sản Việt Nam vào với nhau thôi đã là sự khác biệt rất lớn rồi, việc đưa các di sản thế giới lên cùng một sân khấu càng là thách thức không nhỏ. Để khắc phục sự khác biệt này, chúng tôi chọn cách nhân sự khác biệt đó lên, không chỉ còn là khác biệt giữa các vùng miền trong nước mà còn là khác biệt của các nền văn hóa nước ngoài. Một chương trình có rất nhiều sự khác biệt thì người ta sẽ không đặt vấn đề tại sao nó lại khác nhau nữa.
Thứ hai, việc làm một chương trình nghệ thuật sau đó đưa lên truyền hình thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ ê kíp. Tôi quen làm kịch bản truyền hình, phụ thuộc vào các phóng sự sau đó phỏng vấn giao lưu với nhân vật, nó gần như thói quen trong tư duy của những người làm truyền hình. Với chương trình nghệ thuật đưa tiết mục lên hàng đầu, làm trung tâm thì chúng ta chú ý nhiều hơn tới âm nhạc, dàn dựng, múa, yếu tố hình ảnh, không gian tương thích…
Khi thực hiện chương trình này chúng tôi thành lập ê kíp làm truyền hình và ê kíp sáng tạo nghệ thuật. Mong rằng, lần đầu tiên trình làng "Đại lộ di sản", khán giả sẽ nhìn thấy sự phối hợp đó của chúng tôi: một chương trình thuần túy truyền hình và một chương trình nghệ thuật chỉ biểu diễn sân khấu xem tại chỗ, sẽ được kết hợp với nhau như thế nào.
Không biết lên truyền hình thì còn được bao nhiêu % sự nỗ lực của các anh chị khi thực hiện ở sân khấu, tôi hy vọng chương trình sẽ đẹp, sẽ chân thành như hiện thực để khán giả sẽ được xem, được tận hưởng trọn vẹn.
Cơ hội giới thiệu di sản Việt Nam tới bạn bè thế giới
PV: Có điều gì khó khăn trong việc mời và lựa chọn tiết mục tham dự chương trình khi có 8 nước tham gia “Đại lộ di sản”?
Nhà báo Diễm Quỳnh: Thông qua Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, chúng tôi gửi thư mời đến các nước và cơ quan quản lý văn hóa của nước đó sẽ giúp chọn ra đoàn nghệ thuật tiêu biểu, lập danh sách và chuyển lại để chúng tôi có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Đúng là chúng tôi đã phải cân nhắc và lựa chọn rất kỹ lưỡng, để làm sao các tiết mục khi vào trong một chương trình không có sự khác biệt nhau quá lớn. Việc chọn một vùng văn hóa châu Á với gốc gác đạo Phật cũng là để giảm bớt sự khác biệt đó, nhưng nếu lựa chọn không khéo thì lại có sự giống nhau nên rất khó.
Chưa kể một số quốc gia họ có rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc nhưng chưa làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên mới chỉ là di sản văn hóa quốc gia thôi.
PV: Vì sao ê kíp sản xuất lại quyết định chọn khu du lịch tâm linh Tam Chúc, Hà Nam để thực hiện chương trình mở màn cho “Đại lộ di sản”?
Nhà báo Diễm Quỳnh: "Đại lộ di sản" là một ý tưởng nghệ thuật đã có từ rất sớm và để ra được chương trình rất gian nan. Để có thể thực hiện một chương trình đúng như ý tưởng đề ra, chúng tôi cần một mô hình sân khấu linh hoạt, lúc cần rộng thì rộng, lúc cần hẹp thì có thể thu gọn lại, lúc cần ánh sáng mờ ảo, lúc cần sự huy hoàng…Vì thế bắt buộc phải có một không gian nghệ thuật rộng mở.
Nếu như không phải Tam Chúc mà trong không gian một ngôi chùa nào đó, hoặc trong di sản khác như Hoàng Thành, tôi nghĩ chưa chắc đạo diễn Việt Tú đã có thể thỏa sức sáng tạo như thế. Không gian tổ chức thật sự là một thách thức đối với những người tổ chức và rất may là chúng tôi đã tìm ra Tam Chúc.
PV: Việc tổ chức "Đại lộ di sản" trùng ngày khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak có ý nghĩa như thế nào, thưa chị?
Nhà báo Diễm Quỳnh: Đại lễ Vesak là một hoạt động quốc tế và đây là một cơ hội rất lớn cho "Đại lộ di sản", vì nếu tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long vào một thời điểm vắng vẻ thì rất khó để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Có thể coi đây là cơ hội để giới thiệu di sản Việt Nam tới với bạn bè thế giới.
PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Phần 2 mang đến cho khán giả những di sản văn hóa phi vật của nhân loại từ nhiều nước trên thế giới như điệu múa cổ Odissi của Ấn Độ, múa Awa Odori thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo Nhật Bản, múa Saman của Indonesia, điệu nhảy truyền Cham mang ý nghĩa sự thanh tịnh của tâm hồn từ Bhutan, múa Lục cúng hoa đăng trong Nhã nhạc cung đình Huế… |