Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (27/7), Quốc hội tiến hành phiên thảo luận toàn thể về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Phần lớn các đại biểu tán đồng với chủ trương đầu tư với Chương trình quan trọng này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế. Trong khi nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long, đề nghị Chính phủ và Bộ chủ quản giải quyết quyết liệt; chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể, dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai thực hiện để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng cụ thể của Chương trình, từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các Đề án, tiểu đề án.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, gỡ bỏ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp cho không làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ so bì chính sách. Khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân.
Việc xác định các tiêu chí hộ nghèo trong giai đoạn mới phải thực chất hơn các tiêu chí về thu nhập, các tiêu chí đánh giá đo lường đa chiều. Cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo. Bởi khoảng cách giữa các nhóm đối tượng này là không lớn, chỉ cần một tác động nhỏ từ xã hội cũng có thể làm cho họ bị tái nghèo.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề xuất: Tăng cường lồng ghép giới vào các dự án, tiểu dự án giảm nghèo nhằm phát huy vai trò, lợi thế của các nhóm dân cư. Tập trung giải quyết căn cơ, có hiệu quả các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em, để có những quyết sách phù hợp, kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của họ.
Tăng khả năng tiếp cận, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ đói nghèo giữa hai giới để đảm bảo tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho phụ nữ. Tăng cường trách nhiệm của phụ nữ trong việc đưa các chính sách lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng, góp phần quan trọng vào thành quả giảm nghèo bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cùng chung đề xuất, cần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo các cấp. Đảm bảo tính chính xác trong phân loại hộ lập dự án giảm nghèo tư vấn; hướng dẫn xây dựng phương án giảm nghèo cho hộ dân; Tuyên truyền, vận động nhân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo, không để xảy ra tình trạng chạy theo thành tích tô hồng, kết quả giảm nghèo hoặc trục lợi cá nhân...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn