Chương trình mở, quyền của nhà trường, giáo viên và học sinh liệu có mở?

17:41 | 09/01/2019;
Đây là băn khoăn được nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triể khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Hội nghị diễn ra ngày 9/1 ở Hà Nội, do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tổng chủ biên chương trình mới đã gợi mở các định hướng thực hiện chương trình mới khá mở và linh hoạt cho nhà trường, thầy cô và học sinh.

Tăng quyền hạn cho nhà trường

Tại Hội nghị, nhiều đại diện Sở GD&ĐT cho rằng, việc tổ chức chương trình mở và linh hoạt, trong đó mỗi địa phương và nhà trường tự quyết định nhiều nội dung quan trọng như nội dung chương trình giáo dục địa phương hay lên thời khóa biểu, sắp xếp giáo viên…

Điều này được GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới - đưa ra nhiều thông tin mang tính gợi mở. Theo ông, cần làm rõ những quyền hạn của địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh trong chương trình giáo dục mới này.

 

gs_nguyen_minh_thuyet.jpg
Tổng chủ biên chương trình GDPT mới - GS Nguyễn Minh Thuyết 

Theo đó, địa phương sẽ có quyền tự xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương - một phần chương trình học bắt buộc theo khung chương trình mới phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực của từng địa phương và đặc thù của vùng miền.

“Nội dung căn bản của chương trình môn học này liên quan đến các vấn đề thời sự, văn hóa, chính trị… Ví dụ TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh thì có thể lựa chọn yếu tố con người để đáp ứng được yêu cầu của thành phố thông minh. Địa phương nào có thế mạnh về nông nghiệp thì đầu tư hơn cho giáo dục các kỹ năng về nông nghiệp… rất linh hoạt” - GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý.

Cũng theo ông Thuyết, chương trình môn học này được tích hợp ở cấp tiểu học vào hoạt động trải nghiệm nhưng từ lớp 6 trở lên, số lượng tiết học cho chương trình học này khá đáng  kể nên việc chủ trì biên soạn, tổ chức thẩm định tài liệu và báo cáo Bộ GD&ĐT phê duyệt sẽ do UBND các tỉnh chủ động triển khai.

Đối với quyền hạn của nhà trường, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy. Ông nhấn mạnh, đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam không quy định số tiết mỗi môn hàng tuần, chỉ đưa ra số tiết, số môn trong năm học. Nhà trường sẽ hoàn toàn tự quyết và cân đối số lượng tiết học của mỗi môn trong mỗi tuần học.

Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ chủ động trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, trên cơ sở gợi ý của chương trình, đồng thời tự quyết các hoạt động vui chơi, văn hóa thể thao trong buổi học 2 của ngày.

“Với môn ngoại ngữ cấp tiểu học, trường có quyền quyết định việc sẽ dạy ngoại ngữ từ lớp 1, lớp 2 hay không. Nếu tỉnh nào phát triển, cha mẹ có nhu cầu và nhà trường đáp ứng được thì quyết được việc dạy hay không. Ở cấp THCS, trường cũng sẽ quyết định việc dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh hay không căn cứ vào nhu cầu của địa phương, học sinh và điều kiện của nhà trường” , GS Thuyết cho biết.

Tuyệt đối không tận dụng thời gian trống để dạy thêm, học thêm

Đối với giáo viên và học sinh, GS Thuyết cho rằng việc lựa chọn nội dung dạy và học cũng khá linh hoạt. Theo đó, giáo viên dạy theo chương trình, đảm bảo yêu cầu cần đạt ở mỗi môn học chứ không phải bám theo chữ, ý trong SGK. Còn học sinh được lựa chọn nội dung học tập: Môn Công nghệ ở cấp THCS được chọn học nông nghiệp hay công nghiệp; cấp THPT được chọn chuyên đề học tập.

 

dsc_9581.jpg
Giáo viên và học sinh cũng được mở rộng quyền lựa chọn dạy và học linh hoạt hơn. Ảnh minh họa 

Liên quan đến băn khoăn về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng không quá 7 tiết/ngày khiến thời gian buổi học chiều bị dôi dư đáng kể, học sinh được tan học sớm, GS Thuyết cho rằng trường hoàn toàn chủ động tổ chức vui chơi văn hóa, nghệ thuật cho học sinh. Thời gian này không bắt buộc, trường có điều kiện thì tổ chức, phụ huynh có nguyện vọng thì đăng ký cho con.

Về điều này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các trường cần bám sát yêu cầu giảm tải cho học sinh. “Với những môn cần giãn ra, có thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, vui chơi thì đề nghị trường quan tâm đến sân chơi bãi tập, các hoạt động giải trí, thậm chí trong khuôn viên hẹp của lớp học. Tuyệt đối không để thời gian trống để tổ chức học thêm không cần thiết”, Bộ trưởng Nhạ yêu cầu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn