Đây là chương trình nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp và Hội LHPN Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, doanh nghiệp là đơn vị hỗ trợ dự án, ủy thác cho Hội LHPN quản lý số tiền 1 tỉ đồng để hỗ trợ phụ nữ khó khăn ở nhiều địa phương là địa bàn phổ biến của tình trạng mua bán thuốc lá lậu, được vay vốn nhằm tạo điều kiện cho chị em tham gia sản xuất, kinh doanh hợp pháp, an toàn, từ đó cải thiện thu nhập cho gia đình.
Thời gian thực hiện chương trình là 3 năm (2018-2021), mỗi năm sẽ thực hiện tại 2 tỉnh theo hình thức luận phiên, năm nay thực hiện điểm tại Đồng Tháp và An Giang.
Dự kiến trong 3 năm, chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay cho khoảng 500 phụ nữ với mức vay từ 5-10 triệu đồng/hộ. Ngoài việc hỗ trợ vốn, chương trình còn cung cấp kiến thức, kỹ năng về quản lý sử dụng vốn, kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe và tổ chức cuộc sống gia đình, góp phần cùng địa phương thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đại diện doanh nghiệp hỗ trợ dự án, kể từ năm 2004, doanh nghiệp đã bắt đầu dành một khoản ngân sách để ưu tiên cho vay vốn không lãi suất dành cho phụ nữ ở các vùng nông thôn Việt Nam. Thông qua hoạt động này, chị em phụ nữ sẽ có điều kiện để trở nên tự tin hơn khi xác lập được vị thế xứng đáng trong gia đình cũng như có vị trí ngoài xã hội, từ đó nâng cao vai trò, vị trí và khả năng của mình ở tất các các lĩnh vực trong xã hội và khẳng định bình đẳng giới. Việc hợp tác với Hội LHPN Việt Nam là một bước ngoặt có ý nghĩa nâng tầm hoạt động này của doanh nghiệp.
Tại buổi lễ, Hội LHPN Việt Nam cũng công bố các tiêu chí để xét vay vốn. Theo đó, chương trình sẽ áp dụng theo quy định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 - ở khu vực nông thôn chuẩn nghèo là 700.000 đồng/người/tháng. Đối với hộ gia đình có phụ nữ chỉ làm nội trợ, Hội LHPN địa phương sẽ cùng họ thảo luận tìm ra mô hình kinh tế phù hợp để họ có công việc lao động ổn định, an toàn tạo dựng từ nguồn vốn vay, cùng gia đình yên tâm khi chuyển đổi nghề mới, từ bỏ các công việc không an toàn - cụ thể như buôn bán và vận chuyển thuốc lá lậu.