Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương - Cố vấn chuyên môn mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, hiện nay tại Việt Nam có các phương pháp phát hiện ung thư sớm đó là khám lâm sàng; Chụp nhũ ảnh hoặc chụp nhũ ảnh 3D định kỳ hàng năm hoặc mỗi 2 năm/1 lần; Siêu âm vú hàng năm kết hợp với chụp nhũ ảnh trên những bệnh nhân trẻ, có mô vú đặc type C, D; Cộng hưởng từ vú (MRI) hàng năm ở nhóm phụ nữ có nguy cơ cao như: Tiền sử gia đình có mẹ, bà ngoại, các dì, chị em ruột bị ung thư vú; mang gene đột biến; điều trị xạ trị vùng ngực; đã bị ung thư buồng trứng…
“Hiện nay kỹ thuật phát hiện ung thư vú hiện đại nhất ở Việt Nam chưa được phổ biến là Cộng hưởng từ (MRI) vú. Kỹ thuật này có độ nhạy rất cao, thường được dùng cho nhóm phụ nữ có nguy cơ cao. Tại bệnh viện Bạch Mai cũng đang triển khai kỹ thuật cộng hưởng này”, TS Thu Hương cho biết.
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới và hiệp hội điện quang bắc Mỹ (ACR) thì những phụ nữ có nguy cơ trung bình, trên 40 tuổi nên đi chụp X-quang vú hàng năm hoặc mỗi 2 năm/1 lần để sàng lọc ung thư vú. Vì nhóm phụ nữ dưới 40 tuổi, nguy cơ ung thư vú thấp và phụ nữ càng trẻ mô vú càng đặc làm giảm độ nhạy và độ đặc hiệu của phim chụp X-quang vú.
Trên thực tế, nhiều người lo ngại rằng chụp X-quang gây hại cho sức khỏe, tuy nhiên, TS Thu Hương khẳng định, chụp X-quang vú với liều tia thấp, nếu chụp đúng chỉ định thì không gây hại cho sức khỏe.
Phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Chất lượng điều trị hiện nay do đó hiện được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
Với phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên được tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 30. Trong đó gồm những người có đột biến BRCA, bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú 20% đến 25%, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi, hội chứng Li‐Fraumeni, hội chứng Cowden- Bannayan Riley-Ruvalcaba.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Trong các bệnh ung thư ở nữ, ung thư vú chiếm 35%. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca. Ở nước ta, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 165.000 ca mới mắc và 115.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 15.000 ca mới mắc và trên 6.000 trường hợp tử vong.
Nếu ung thư vú được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ điều trị thành công và sống sau 5 năm lên đến 96%, trong khi đó ở giai đoạn 1 là 92%, giai đoạn 2 là 85% và giai đoạn 3 còn 67%. Nguy hiểm hơn, nếu bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn 4 thì có nguy cơ tử vong cao hơn hẳn và tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ là 20%. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn