Chuyện bất ngờ về ảo thuật gia nhận bằng Tiến sĩ

08:49 | 16/09/2019;
Trong danh sách 9 Nghiên cứu sinh vừa được Đại học Ngân hàng TP.HCM trao bằng Tiến sĩ có một gương mặt rất đặc biệt: Ngô Đức Duy – người vẫn được khán giả yêu ảo thuật biết đến với nghệ danh Ali Baba và được Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế IMS trao giải thưởng Merlin Award cao quý.

Đứa trẻ mồ côi cha vượt qua đói nghèo trở thành Tiến sĩ

“Thật khó để tả hết cảm giác hạnh phúc của tôi lúc này. Với tôi, học vị Tiến sĩ không chỉ là bằng cấp mà còn là tất cả sự cố gắng, nỗ lực và ước mơ của tôi suốt 40 năm qua, từ khi tôi còn là một đứa trẻ nghèo mồ côi cha và phải lao động cực khổ vì miếng ăn”, tân Tiến sĩ Ngô Đức Duy xúc động chia sẻ khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Nghiên cứu sinh.

ng-c-duy-nhn-bng-tin-s-gia.JPG
Tiến sĩ Ngô Đức Duy (giữa) trong lễ nhận bằng 
 

Ngô Đức Duy sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai. Mới 6 tuổi, anh đã có cây cuốc, cây cào và bao tải riêng để vác mì, vác bắp từ rẫy về nhà. Trong những ngày còng lưng cuốc đất, cậu bé Duy 6 tuổi từng ước ao có một ngọn gió hay đám mây đi qua để mát mẻ hơn giữa cái nắng oi bức. “Bố và em gái tôi không chịu nổi cái cơ cực, thiếu ăn, thuốc chữa bệnh đã lần lượt qua đời lúc tôi 7 tuổi. Anh trai tôi bị bệnh và rụng hết tóc, tưởng cũng đi theo bố và em, nhưng rồi đã may mắn vượt qua. Mẹ tôi quyết chí bắt chúng tôi phải chấp nhận cực khổ, học thật giỏi, và học tất cả các kỹ năng như guitar, võ thuật, hội họa, may vá, hớt tóc, nấu ăn... để bù lại việc ko có cha dạy dỗ, định hướng và nhất là phải thay đổi cuộc đời”, anh Duy chia sẻ.

Những năm tháng vùi đầu vào học hành của hai anh em ở vùng quê nghèo đã được đền đáp xứng đáng. Người anh trai Ngô Tường Hy là học sinh giỏi nhất huyện, sau này trở thành kỹ sư hóa thực phẩm nổi tiếng. Còn Ngô Đức Duy, sau khi học xong phổ thông anh thi vào ĐH Ngân hàng TP.HCM và tốt nghiệp vào năm 1995. Đến năm 2000, anh lấy bằng Thạc sĩ tại ĐH Kinh tế và đến năm 2011 thì đạt đầu vào Nghiên cứu sinh ĐH Ngân hàng TP.HCM khóa 16. Song song với việc học, anh có được những thành công trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Cũng từ nỗ lực học tập vươn lên mà cuộc sống của anh tốt hơn, có đủ khả năng tài chính để quay lại phục vụ chính miền quê của mình.

ng-c-duy-nhn-bng-tin-s-2.JPG
Ngô Đức Duy hạnh phúc với tấm bằng Tiến sĩ đánh dấu sự nỗ lực của 40 năm cuộc đời 
 

Đi xa để trở về với quê hương

Đề tài mà Ngô Đức Duy theo đuổi trong suốt quá trình học Nghiên cứu sinh là “Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân với phát triển kinh tế nông thôn”. Đối với anh, luận án Tiến sĩ này vừa là một đề tài nghiên cứu khoa học, vừa là một công trình chứa đựng rất nhiều tâm huyết, tình cảm của anh đối với quê hương. “Tôi sinh ra ở nông thôn nên sau khi đi xa lại trở về với vùng nông thôn để cùng bà con phát triển kinh tế”, anh nói.

Sau nhiều năm làm giám đốc chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn ở TP.HCM, năm 2008 anh cùng 4 chuyên gia tài chính sáng lập Quỹ tín dụng nhân dân Long Thành và 2 năm sau thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thái. Hai Quỹ tín dụng này hoạt động trên địa bàn 12 xã của huyện Long Thành, hỗ trợ vốn cho hơn 10.000 gia đình, giúp kinh tế vùng tăng trưởng, các hộ thoát nghèo bền vững, giảm thiểu tình hình đi vay nặng lãi trong dân, góp phần an ninh xã hội.

0-ng-c-duy-v-gia-nh-trong-ngy-nhn-bng-tin-s.jpg
Tiến sĩ Ngô Đức Duy cùng mẹ và người thân trong lễ nhận bằng tốt nghiệp Nghiên cứu sinh 
 

Trong hơn 10 năm hoạt động tín dụng tại quê hương mình, Ngô Đức Duy có rất nhiều kỷ niệm với người dân nơi đây. Anh nhớ mãi trường hợp chị Phạm Hồng Sen ở xã Phước Thái, khi người chồng là trụ cột gia đình bị tai nạn qua đời, chị rơi vào túng quẫn, định cho con nghỉ học. Chị đến Quỹ tín dụng Phước Thái mà đầy nước mắt vì các ngân hàng từ chối cho vay vốn trước đó. Trước hoàn cảnh của chị Sen, anh đã khuyến khích chị cho các con học tiếp và đầu tư tiền dài hạn cho bọn trẻ học hành.

Đến nay các con của chị Sen đã ra trường, một người đang làm hải quan, một người làm giám đốc công ty cơ khí tự động tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và giờ đây họ là khách hàng tiền gửi của Quỹ tín dụng. “Tôi tâm huyết với vùng nông thôn và xem kiến thức khoa học là quan trọng để thay đổi một con người hay sự việc”, anh chia sẻ.

Khát khao tìm lối đi riêng trong ảo thuật

Một vị Tiến sĩ giỏi giang, một giám đốc Quỹ tín dụng năng động – đó là một Ngô Đức Duy mà người dân Long Thành và nhiều người trong giới ngân hàng tài chính đã biết. Nhưng Ngô Đức Duy còn một diện mạo khác, được rất nhiều người hâm mộ và yêu quý – đó là khi anh xuất hiện trong vai trò là một ảo thuật gia, với nghệ danh Ali Baba.

1-nhan-cup.jpg
Ngài Chủ tịch IMS Tony Hasini trao giải Merlin Award cho Ngô Đức Duy - Ali Baba  

Ngô Đức Duy chia sẻ, ảo thuật là một sự cân bằng tuyệt diệu cho công việc tài chính ngân hàng của anh. Anh mê và tìm học ảo thuật từ khi mới là một cậu học trò 15 tuổi. Thần tượng David Copperfield, anh nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi rất nhiều từ ảo thuật gia danh tiếng này. Cũng từ David Copperfield mà anh mê các trò lớn trên sân khấu ảo thuật và chuyên tâm vào biểu diễn các trò Big Magic như khoan người, đổi người trong băng keo, đâm người qua thùng lớn…

Theo Ngô Đức Duy, ảo thuật là một bộ môn thông minh, đòi hỏi yếu tố khoa học ở nhiều lĩnh vực như toán học, vật lý, cơ học, hóa học… và điều đó sẽ rất hữu ích trong công việc ngân hàng, tài chính. “Hai lĩnh vực tôi song song theo đuổi không có sự liên quan với nhau, nhưng điểm riêng của chúng lại có thể hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn như một bên kinh doanh căng thẳng thì có bên kia tạo được yếu tố sảng khoái, bất ngờ bù đắp. Hay sự tỉnh táo, sáng suốt của lĩnh vực ngân hàng sẽ bổ trợ cho việc đóng đạo cụ ảo thuật với đòi hỏi chính xác, chi tiết”, anh nói.

Với ảo thuật, Ngô Đức Duy luôn tìm tòi, nghiên cứu để sáng tạo ra được những điều khác biệt. Nghệ danh Ali Baba cũng phần nào nói lên được khát khao tìm lối đi riêng của anh. “Tôi muốn như Ali Baba chứ không phải 40 tên cướp, có một phong thái riêng, nổi trội hơn. Mặt khác, câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!” trong câu chuyện cổ tích này cũng rất phù hợp với ảo thuật: Mở ra thì có, đóng lại thì mất”, anh lý giải.

Là một doanh nhân, nhưng với Ngô Đức Duy, ảo thuật cũng là một công việc nghiêm túc chứ không chỉ đơn thuần để giải trí. Anh đi diễn khá nhiều, tại nhiều sân khấu lớn ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. “Nhận cát xê biểu diễn nhiều khi còn “đã” hơn là ký được một hợp đồng tín dụng lớn”, anh cho biết. Năm 2012, anh giành được HCB Liên hoan Ảo thuật TPHCM. Năm 2018, anh gây ấn tượng mạnh tại sân chơi Ảo thuật siêu phàm trên kênh VTV3 – cuộc thi ảo thuật trên sóng truyền hình Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay. Anh đã khiến khán giả phải choáng ngợp khi mang lên sân khấu đạo cụ đồ sộ nhất của chương trình Ảo thuật siêu phàm: Một chiếc máy khoan người khổng lồ. Đây cũng là một trong những đạo cụ lớn hàng đầu trên sân khấu ảo thuật Việt từ xưa đến nay và chính nó đã góp phần không nhỏ đưa anh vào vòng Bán kết của cuộc thi.

ali-baba-vi-o-c-khng-l-trn-sn-khu-o-thut-siu-phm-2018.JPG
Ali Baba với phần trình diễn ấn tượng trên sân khấu "Ảo thuật siêu phàm 2018"
 

Tháng 6/2018, nghệ sĩ Ali Baba đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm CLB Ảo thuật TPHCM. Đến tháng 12/2018, anh được phân công làm Phó Chủ nhiệm CLB Ảo thuật Bình Dương. Với vai trò này, anh càng tích cực cùng các đồng nghiệp tìm ra những con đường mới mẻ, sáng tạo cho ảo thuật Việt Nam.

Đầu năm 2019, Ali Baba được Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế IMS trao giải thưởng Merlin Award – giải thưởng cao quý nhất của IMS, được ví như Oscar trong điện ảnh hay Grammy trong âm nhạc – ghi nhận những thành tựu, cống hiến của nghệ sĩ với ảo thuật. Ảo thuật gia huyền thoại David Copperfield cũng từng được nhận giải này. Đích thân ngài Chủ tịch IMS Tony Hasini đã trao Cúp cho Ali Baba.

Ali Baba cũng tiết lộ, anh vừa nhận được mời ngồi ghế giám khảo cho một sân chơi lớn liên quan đến ảo thuật trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.

Clip Ali Baba biểu diễn với đạo cụ khổng lồ trong đêm thi chủ đề “Châu Phi huyền bí” của chương trình “Ảo thuật siêu phàm 2018” trên sóng VTV3:

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn