Đó là hồi ức của y tá Trần Thị Hoa (đội điều trị 25, Binh trạm Bắc, Quân đoàn 3 Tây Nguyên). Những dòng hồi ức đó khiến người xem triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn không khỏi xúc động và "gai người" trước những khó khăn, gian khổ mà các nữ chiến sĩ Trường Sơn đã phải trải qua.
Đến với triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh khâm phục sự kiên cường, hy sinh của các nữ anh hùng, người xem còn xúc động với những sẻ chia rất chân thật, rất đời thường của các nữ chiến sĩ.
Đối diện với đạn bom, với cái chết các chị không sợ nhưng lại có những nỗi sợ rất giản đơn: sợ vắt, sợ ma, sợ xấu, sợ rụng tóc… Chị Nguyễn Thị Oanh (C22, E529, F472, Bộ đôi Công binh Đoàn 559) chia sẻ: “Theo quy định, chị em khi làm nhiệm vụ phải búi tóc để đảm bảo an toàn. Chúng tôi thường dùng cặp ba lá cặp 1/3 tóc giữa và 2 cặp ba lá búi 2 bên thành trái đào. Nhiều khi chị em vừa gội đầu xong có máy bay ném bom cũng phải búi lên đi làm nhiệm vụ. Thêm nữa ở chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra”.
Tiếc mái tóc dài tuổi 17, nữ thanh niên xung phong Trần Thị Xuân còn gửi thư cho mẹ khi ra chiến trường nói rằng: “Mẹ ơi, chiến trường ác liệt quá, điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con không thể giữ được mái tóc như mẹ đã dặn. Con gửi mẹ giữ hộ con mái tóc này, khi nào hết chiến tranh con sẽ về và xin lại, mẹ cất hộ con nhé”.
Bác sĩ viện 108 Trần Thị Thục Oanh cho biết: “Tôi sợ vắt hơn cả bom đạn. Vắt thì cứ tự chui dưới lá khô lên bám vào cắn no rồi tự lăn đi. Có lần bị vắt xanh trên lá nhảy vào nách cắn, khi thấy ngứa thì đã cắn no căng rồi, thật khủng khiếp. Nếu bị vắt cắn phải dùng lửa đốt đít nó mới nhả ra, nếu dứt đi ngay sẽ đứt đầu để lại gây đau ngứa hàng tháng trời”.
Chị Trần Thị Chung kể về chuyện phát khóc khi gặp trăn: “Nhận nhiệm vụ nuôi quân ở Binh trạm 44, hàng ngày chúng tôi chia nhau vào rừng hái nấm, tìm rau, kiếm măng để nấu ăn và chăn nuôi. Một lần vào rừng hái rau thấy một con trăn khổng lồ nằm phơi mình trên cây gỗ mục giữa lối đi tôi sợ đến phát khóc. Nhưng vì nhiệm vụ, gạt nỗi sợ hãi tôi vòng tránh xa con trăn, hái căng 2 bao tải rau tàu bay, rau dớn, măng tre, le, nứa… Lúc dừng lại thấy vô số vắt ăn no rơi xuống và hàng chục con khác đang bám chặt trên người hút máu”.
Đâu chỉ có vậy, sốt rét, ghẻ lở, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi đến tháng mà điều kiện thì không đáp ứng. Hẳn nhiều người đến xem trưng bày Kiêu hãnh Trường Sơn đã không ngăn được nỗi nghẹn ngào khi đứng trước tấm pano in những lời tâm sự của chị Trần Thị Hoa, y tá điều trị Đội 25, Binh trạm Bắc, Quân đoàn 3 Tây Nguyên: “Ở chiến trường con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suối thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay và quấn lại cho vào ba lô, đợi ngày hôm sau hành quân qua suối thì giặt”.
Chị Lê Thị Phương Thảo (hiện là Chủ tịch Hội nữ Chiến sĩ Trường Sơn) kể: “Ở Trường Sơn, mùa khô nước không đủ dùng, nhưng vào mùa mưa, quần áo không thể khô, luôn bị ẩm ướt khiến chị em bị ghẻ lở, hắc lào quanh năm. Nguồn nước bị nhiễm chất độc Mỹ rải xuống làm chúng tôi mắc bệnh phụ khoa, rồi bị sốt rét khiến cho da xanh tái và mái tóc rụng gần hết”.
Cùng với đó là những nỗi sợ rất “nữ nhi thường tình” khác như sợ xấu, sợ ma khi hành quân trong bóng đêm… Những nỗi sợ rất con gái đó không làm hình ảnh của nữ chiến sĩ Trường Sơn yếu đuối mà ngược lại, càng khiến họ trở nên kiên cường, bởi thực tế khi đối mặt với quân thù họ không hề run sợ. Những câu chuyện đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính, dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của người con gái nơi chiến trường khiến những người hôm nay cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau của chiến tranh…
Triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019) và 10 năm thành lập Hội nữ Chiến sĩ Trường Sơn (2009-2019) sẽ tiếp tục trưng bày đến ngày 15/7/2019 tại số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.