Tuổi thơ của Youngmi cực kỳ khó khăn. Cô y tá 25 tuổi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Daegu, nổi tiếng là một trong những thành phố nặng truyền thống nhất Hàn Quốc. Mẹ Youngmi đã rời nhà khi Youngmi còn nhỏ để thoát khỏi sự ngược đãi thể xác của chồng, để lại cô và chị gái ở lại với anh và bà nội. Khi cô lên 5, chị gái mới 8 tuổi đã bắt đầu rụng tóc vì căng thẳng.
Khi lớn lên, Youngmi đối mặt với cảm giác chán nản, không biết tương lai mình sẽ ra sao và một bức tranh tài chính không ổn định. Trong một xã hội còn nhiều mặt gia trưởng như Hàn Quốc - nơi phụ nữ thường phải vâng lời cha mình và tuân thủ các tiêu chuẩn sắc đẹp cứng nhắc - cô cảm thấy mình như một nạn nhân vĩnh viễn, bị ám ảnh bởi những sai trái mà cha cô đã gây ra cho cô và bị áp lực phải duy trì ngoại hình của mình để làm vui lòng đàn ông.
Bất chấp ngân sách eo hẹp khi còn là sinh viên y tá, cô vẫn mua quần áo mới mỗi mùa, chi rất nhiều tiền cho quần áo. Cô trang điểm như thể đó là một tôn giáo khắt khe phải theo. "Tôi không thể ra ngoài mà không trang điểm. Tôi cảm thấy xấu hổ về khuôn mặt của mình. Tôi có áp lực muốn trông xinh đẹp và muốn trở nên đáng mơ ước, cả về mặt thể chất lẫn hấp dẫn tình dục".
Khi lướt Twitter vào năm 2018, Youngmi đã xem được đoạn phim về các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố Seoul. Youngmi rất cảm động trước sự đoàn kết mà cô nhìn thấy, nhưng có một điều khiến cô cảm thấy bối rối: Nhiều phụ nữ tham gia cuộc biểu tình đã cạo đầu ngay trước ống kính.
Khi bắt đầu theo dõi nhiều tài khoản Twitter ủng hộ nữ quyền hơn, Youngmi hiểu rằng đây là hành động công khai bác bỏ những kỳ vọng thẩm mỹ khuôn mẫu áp đặt lên phụ nữ Hàn Quốc, vốn đã đưa đất nước này trở thành quốc gia dẫn đầu về các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô bắt đầu nhận ra rằng đàn ông, khác với họ, không chịu những áp lực tương tự. "Bạn biết đấy, đàn ông không cần làm điều đó - đàn ông không cảm thấy áp lực phải mua quần áo theo mùa hay trang điểm" - cô nói.
Chẳng bao lâu, Youngmi cũng cạo đầu và ngừng trang điểm, tham gia phong trào "không mặc áo lót" đang diễn ra trong giới phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc. Phong trào này lần đầu tiên trở nên phổ biến vào năm 2018 khi phụ nữ Hàn Quốc công khai rời bỏ các tiêu chuẩn sắc đẹp do xã hội áp đặt bằng cách cắt tóc ngắn và để mặt mộc.
Youngmi không đơn độc - vào năm 2019, một cuộc khảo sát cho thấy 24% phụ nữ ở độ tuổi 20 cho biết đã cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm làm đẹp trong năm trước đó, trong đó nhiều người nói rằng họ không còn cảm thấy cần phải nỗ lực theo đuổi tiêu chuẩn sắc đẹp nữa.
Cuối cùng, Youngmi tìm đến được "4B", một phong trào nhỏ hơn nhưng đang phát triển trong nữ giới Hàn Quốc. 4B là viết tắt của 4 từ tiếng Hàn đều bắt đầu bằng bi-, hoặc "không": Từ không đầu tiên, Bihon, là từ chối hôn nhân khác giới; Bichulsan là từ chối sinh con; Biyeonae là từ chối hẹn hò; và Bisekseu là từ chối quan hệ tình dục khác giới. Đó vừa là một lập trường ý thức hệ vừa là một lối sống, và nhiều phụ nữ đã mở rộng sự tẩy chay đối với gần như tất cả đàn ông trong cuộc đời họ, bao gồm cả việc giữ khoảng cách với bạn bè nam giới.
Thông qua các nhóm trò chuyện mở trên KakaoTalk, Youngmi kết nối với các nhà hoạt động vì nữ quyền khác ở Daegu, nơi cô sống cùng mẹ khi đang theo học trường y tá, sớm gặp nhau ngoài đời. ("Thật dễ dàng để nhận ra nhau khi để tóc ngắn", cô nói). Cô không còn gặp những người bạn thời trung học và cấp hai mà những cuộc trò chuyện vẫn xoay quanh việc trang điểm, quần áo và con trai.
Đối với Youngmi và nhiều người khác ủng hộ 4B, hay "thực hành Bihon", nó là con đường duy nhất mà phụ nữ Hàn Quốc ngày nay có thể sống tự chủ. Theo quan điểm của họ, đàn ông Hàn Quốc về cơ bản là hết thuốc chữa, và văn hóa Hàn Quốc nói chung là mang tính gia trưởng một cách vô vọng - lại còn phân biệt giới.
Một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ bạo lực do nửa kia gây ra là 41,5%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 30%. Mặc dù những người ủng hộ 4B có thể hy vọng thay đổi xã hội - thông qua các cuộc biểu tình và hoạt động trực tuyến cũng như bằng cách làm gương cho một lối sống thay thế cho những phụ nữ khác - nhưng họ không cố gắng thay đổi những người đàn ông mà họ coi là kẻ áp bức họ.
Còn quá sớm để nói liệu phong trào này có thể tồn tại và phát triển lâu dài hay không. Nhưng những ý tưởng và hành động của nó đã ảnh hưởng đến diễn ngôn trực tuyến, nền chính trị và trên hết là cuộc sống của từng phụ nữ.
"Thực hành Bihon có nghĩa là bạn đang loại bỏ những rủi ro đến từ hôn nhân hoặc hẹn hò khác giới", Yeowon, một nhân viên văn phòng 26 tuổi, nói với The Cut tại một quán cà phê trên sân thượng ở thành phố ven biển phía nam Busan. Cô trò chuyện trong lúc uống cà phê và ăn bánh ngọt, bên cạnh vài người bạn gái, tất cả đều mặc quần đen rộng, áo len đen và cắt tóc ngắn thể thao. Những rủi ro mà Yeowon ám chỉ có vẻ quen thuộc là đánh đổi sự nghiệp để nuôi con và làm việc nhà, cũng như mối đe dọa bạo lực thể xác. Ở Hàn Quốc, Yeowon cho biết, hôn nhân là một mối đe dọa hiện sinh.
Đã có lúc Minji, một người theo đuổi 4B ở Daegu, từng muốn kết hôn: "Bởi vì bạn biết đấy, mọi người đều muốn kết hôn". Tuy nhiên, đến thời điểm này khi cô biết rằng bạo lực gia đình, như cô nói, là điều quá phổ biến, thì "Tôi không muốn kết hôn nữa".
Cô gái 27 tuổi kể mình từng thích một vài chàng trai, nhưng họ đều muốn cô "đối xử với họ như một vị vua". Cô không gặp vấn đề gì khi tẩy chay những người đàn ông cùng thế hệ với mình, những người chỉ tốt hơn người cha ích kỷ và bạo hành của cô một chút.
Ngay cả những phụ nữ trẻ không phải là thành viên của phong trào cũng cho rằng họ không thể tưởng tượng được việc hẹn hò hay kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc. Sooyeon, một giáo viên ở độ tuổi ngoài 30, nói rằng việc nói chuyện với các bạn nam của cô khiến cô luôn cảm thấy có lẽ cô sẽ không bao giờ tìm được một người đàn ông Hàn Quốc phù hợp…
"Ngay cả ở thế hệ của tôi, một số anh chàng cũng mong đợi một vai trò thực sự truyền thống từ vợ họ", cô nói. Như để chứng minh quan điểm của Sooyeon, một cuộc khảo sát gần đây của một công ty mai mối cho thấy phụ nữ ngại kết hôn vì vấn đề phân chia công việc nhà, trong khi đàn ông lại do dự vì "nữ quyền".
Không rõ phong trào 4B lan rộng hay phổ biến đến mức nào do tính chất cả online và offline linh hoạt cũng như sự phát triển của nó qua nhiều năm, bắt đầu vào khoảng năm 2015 hoặc 2016 khi họ bắt đầu tẩy chay đàn ông mạnh mẽ hơn. Một bài báo ước tính có 50.000 người theo phong trào này; một số người khác cho rằng con số theo đuổi phong trào là dưới 5.000. Câu chuyện nguồn gốc của nó cũng phức tạp tương tự.
Sau nhiều năm khủng hoảng tài chính, khiến thanh niên phải đối mặt với chi phí nhà ở ngày càng tăng và sự cạnh tranh khốc liệt để giành được suất học đại học và việc làm, mối quan hệ giữa nữ giới và nam giới ở Hàn đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu rạn nứt.
Bắt đầu từ năm 2013, tỷ lệ nhập học đại học của nữ giới Hàn Quốc đã vượt nam giới; ngày nay, gần 3/4 phụ nữ theo học ở bậc giáo dục đại học, so với chưa đến 2/3 nam giới. Trước đây, phụ nữ được cho là sẽ rời khỏi lực lượng lao động sau khi kết hôn hoặc làm cha mẹ. Giờ đây, nam thanh niên coi các bạn nữ đồng trang lứa là đối thủ cạnh tranh cho những công việc ngày càng khan hiếm.
Một số học giả Hàn cho rằng Hàn Quốc phần lớn là đồng nhất về sắc tộc và chủng tộc, khiến giới tính trở thành ranh giới mặc định và trung tâm của xã hội. Trên các diễn đàn trực tuyến và trên mạng xã hội, những người đàn ông bất mãn bắt đầu dán nhãn cho phụ nữ có trình độ đại học là kimchinyeo, hay "kimchee". Học giả về nữ quyền Euisol Jeong trong luận án tiến sĩ về "chủ nghĩa nữ quyền" đã giải thích từ này là: "khuôn mẫu rằng phụ nữ Hàn Quốc là ích kỷ, viển vông và bị ám ảnh bởi bản thân trong khi lợi dụng nửa kia".
Có những hậu quả nhất định khi từ bỏ quan hệ đối tác lâu dài với nam giới. Hàn Quốc có khoảng cách về lương theo giới lớn nhất trong các nước phát triển, khi phụ nữ kiếm được ít hơn nam giới 31% và vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử rộng rãi trên thị trường lao động, điều này được phong trào thừa nhận.
Một dòng tweet được lan truyền rộng rãi vào năm 2018 đã khuyến khích phụ nữ 4B tiết kiệm số tiền mà lẽ ra họ phải chi cho "gánh nặng thời trang" để duy trì cuộc sống tự lập thay vì trở thành "một bà già không xu dính túi với tủ quần áo đầy ắp".
Jeong cho biết: "Những phụ nữ cam kết với 4B cần làm việc chăm chỉ vì họ biết rằng họ sẽ không có người đàn ông hay người chồng trụ cột trong gia đình", nói thêm rằng một số người phải làm 2-3 công việc cùng lúc. Youngmi và bạn gái sống cùng nhau khoảng một giờ đi tàu điện ngầm bên ngoài trung tâm thành phố Seoul, nơi giá thuê nhà phải chăng hơn.
Yeowon thì cho biết căn hộ studio nhỏ của cô, lựa chọn tốt nhất mà cô có thể mua được lúc này, nằm trong một khu phố không an toàn gần chợ, nơi những người đàn ông say rượu thường tụ tập sau khi các quán bar địa phương đóng cửa.
Đối với một phong trào sinh ra từ sự giận dữ, điều gì sẽ xảy ra khi cơn thịnh nộ của họ dịu đi hoặc khi những mối quan tâm khác được ưu tiên? Yeowon cho biết một số bạn bè của cô là "những người theo chủ nghĩa nữ quyền có chọn lọc", không trang điểm khi gặp cô, nhưng cuối cùng lại không sẵn sàng từ bỏ những lợi thế đi kèm với sức hấp dẫn truyền thống.
Cô nói: "Họ không thể từ bỏ quyền sử dụng nữ tính với tư cách là phụ nữ. Có những nhà hoạt động vì nữ quyền nói: Ồ, tôi là người theo chủ nghĩa nữ quyền, tôi ghét đàn ông, nhưng bạn biết đấy, tôi cũng muốn trở thành một người được yêu mến". Cô và bạn bè của mình kể rằng nhiều phụ nữ từng là bihon cho biết họ "đã nhìn thấy ánh sáng và quay trở lại với tình dục khác giới".
Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, rõ ràng là thông điệp của 4B, bất kể nó được thực hiện như thế nào, đều đã mang đến nơi ẩn náu theo cách nào đó cho phụ nữ Hàn Quốc. Taekyung, 24 tuổi, đang lấy bằng thạc sĩ về văn học Đức tại Đại học Ewha cho biết cô đã cố gắng tránh mặt đàn ông từ khi còn học trung học, sau khi bị quấy rối tình dục.
Theo quan điểm của cô, điều quan trọng nhất là có một không gian vắng mặt đàn ông và phụ nữ có thể dựa vào nhau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn