Chuyện của bố mà ngỡ như trẻ thơ

10:21 | 09/07/2018;
Thỉnh thoảng trở về nhà, tôi thường bị lôi cuốn vào “thập cẩm” câu chuyện của bố với những người bạn già, mà tưởng như đang nghe chuyện của những đứa trẻ.
Trong tủ lạnh của bố thỉnh thoảng có những thực phẩm mà không phải do tôi chuẩn bị, lại còn được sơ chế rất kỹ, khi thì là cua đã giã rồi lọc sẵn, tôm đã cắt bỏ râu. Thì ra là một thím hàng xóm “tranh thủ lúc các con đi vắng đã để dành cho bố tôi”. Nhưng bố dặn: “Đừng có nói cho ai biết, rồi phiền, họ lại nghĩ linh tinh, mà đừng để bác Bình biết, bác ấy lại tỵ là sao thím ấy không cho bác ấy”.
 
Rồi bố thở dài: “Thím ấy già rồi hay nói những lời khó nghe”. Thật mâu thuẫn, thím ấy quan tâm tới bố, thế lại nói gì khó nghe làm bố giận ư. Hóa ra lời khó nghe của thím ấy là: “Thím ấy cứ bảo người ta đồn em và bác về ở với nhau đấy, bác chịu không. Già rồi mà cứ nói lời không đứng đắn, chả ngượng gì cả”.
 
Tôi đành động viên: “Thì giờ thím ấy cũng một mình, hai nhà lại sát đất, nên người ta đồn cũng bình thường, mà thím ấy nghĩ thế cũng đâu có gì, hai ông bà về làm bạn già với nhau, con cái cũng yên tâm hơn”. Rồi còn cô bán chè làng bên, thỉnh thoảng lại sang giúi vài lạng chè để bố mua.
Ảnh minh họa

 

Ngày xưa cụ chẳng bao giờ mua, mà giờ siêng mua vì “phải có chè ngon để các cô bác ấy tới còn pha”. Thế là cô bán chè và thím lại thỉnh thoảng “nói mát” nhau còn bố tôi thì hài hước: “Già rồi mà cũng còn nhiều cô thương đấy”...
 
Khi người ta già, cũng lại thích tụ tập như thời niên thiếu. Thím và mấy người bạn cùng tuổi, cả cụ ông, cụ bà thỉnh thoảng lại cùng tụ tập làm vài món ăn và cũng “kể xấu” người vắng mặt, rồi bàn chuyện hội người cao tuổi, cũng rầm rộ đề cử, ứng cử chủ tịch hội, cũng hăng hái say mê như bầu lớp trưởng khi đi học.
 
Thế là đôi khi chỉ vì việc “vác tù và hàng tổng” mà các cô, các bác có những giận hờn xích mích nhau. Đã thế, tai ai cũng có phần nghễnh ngãng, trí nhớ giảm nên cuộc chuyện dài thì đôi khi quên luôn lúc trước mình nói ý gì, thế là nhiều khi tranh luận, giận dỗi nảy lửa.
 
Ngày trẻ, trót giận nhau lâu thì còn có thời gian mai sau để gặp lại, để hòa hợp, chứ đến bên dốc cuộc đời rồi, nếu giận giữ lâu thì có khi chẳng kịp nói lời làm hòa, một trong hai đã ra đi mãi mãi. Nhiều lần trở về, thấy thiếu ai đó trước đây hay tới nhà, tôi rất ngại đặt câu hỏi, vì câu trả lời của bố sẽ là: “Bác ấy đi viện rồi, lần này có khi không qua”, hoặc: “Mới mất tuần trước rồi”.
 
Người đi, không biết tâm tư thế nào nhưng người còn lại, lần lượt tiễn người quen đi rồi cứ như đếm được từng ngày của mình nên tâm trạng kỳ lạ lắm, hoang hoải, lo lắng nên sẵn sàng. Dường như lúc đó, ý thức được rõ chuyện hữu hạn của thời gian nên tôi thấy các cụ khỏe lúc nào là tranh thủ tụ tập với nhau lúc ấy.
 
Nhưng điều tôi thấy thú vị nhất là các cô các bác cùng nhau xem và bàn luận đủ các phim bộ trên truyền hình, mà toàn phim tình cảm. Nhiều lần trở về, bố cứ hỏi: “Con có xem không?”.
 
Thật lạ, sau rất nhiều năm cuộc đời, tình yêu tuổi trẻ đã bị nhấn chìm để thay vào cho những lo toan rất thực của đời sống gia đình, con cái, thì đến lúc đã ở bên kia dốc cuộc đời, điều người ta nhớ và nhắc lại nhiều nhất lại là những câu chuyện tình cảm và chuyện ngày xưa, cứ kể đi kể lại, không biết rằng người nghe cũng đã thuộc làu, thậm chí còn thuộc hơn (vì chưa bị quên).
 
Nhưng lúc đó lại cũng có rất nhiều thứ ngăn cản suy nghĩ tự nhiên của họ, đó là thành kiến từ người xung quanh, từ con cháu, là quan niệm già rồi nghĩ chuyện tình cảm chỉ là vô bổ. Cũng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn nghe người già kể chuyện xưa.
 
Cũng không ít lần tôi nghe được những lời càm từ anh chị, từ mọi người: “Mấy cụ già không còn làm gì thì ở nhà chơi với con cháu, cứ tụ tập tranh luận chuyện hội hết ngày, rồi toàn kể chuyện yêu đương, mất thời gian và lại mất cả tôn nghiêm”.
 
Nhưng một lúc nào đó khi nhìn thấy cha mẹ mình dưới nắng chiều sắp tắt, cảm giác quỹ sinh mệnh sắp hết, có lẽ chúng ta mới bớt phán xét, bớt gò ép họ hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn