Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần đẩy lùi cây thuốc phiện ở Vân Hồ

18:06 | 28/11/2023;
Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, thời gian qua, chính quyền xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La) đã tích cực tuyên truyền đến người dân về phòng, chống cây chứa chất ma túy nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy lùi cây thuốc phiện.

Xa rồi "bóng ma" cây thuốc phiện

Xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) có diện tích 76,52km2 nằm trải dọc theo tuyến Quốc lộ 6 - trục giao thông huyết mạnh kết nối tỉnh Sơn La với các tỉnh Tây Bắc và thành phố Hà Nội. Tính đến năm 2020, toàn xã có 2.298 hộ, với 10.241 nhân khẩu, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Dao, Thái, Mông, Mường...

Từ nhiều năm qua, xã Vân Hồ luôn là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện Vân Hồ. Đầu năm 2021, xã Vân Hồ về đích nông thôn mới và trở thành xã nông thôn mới thứ 3 của huyện Vân Hồ. Thống kê cùng năm, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 6%.

Hiện nay toàn bộ các đường trục chính và nội bản trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại cho người dân. Đời sống của người dân ngày càng phát triển.

Đó là những thành tựu nổi bật mà chính quyền xã Vân Hồ đã đạt được vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, Vân Hồ trước kia là một vựa cây thuốc phiện lớn của tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Nhớ lại xã Vân Hồ thời điểm những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, ông Vàng A Sứ (Phó Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ) bảo rằng đâu đâu cũng thấy cái màu tím thẫm hoa thuốc phiện.

Thời ấy, cây thuốc phiện được phép trồng, mua bán, trao đổi và rất có giá nên hầu như ở Vân Hồ, nhà nào cũng trồng. Và nhà nào cũng sắm cho mình một bàn đèn để hút thuốc phiện. Thời ấy, ở Vân Hồ cũng như nhiều xã, bản khác của huyện, người ta hút thuốc phiện, mời nhau hút thuốc phiện như người ta mời nhau điếu thuốc bây giờ.

Họ hút thuốc phiện như ăn cơm. Trong nhà có đám cưới, đám hỏi, ma chay, khách đến thăm… là họ lấy thuốc ra mời nhau hút, bày tỏ sự quý mến khách. Chính vì thế mà cây thuốc phiện ăn sâu, bén rễ vào đời sống của người dân ở xã Vân Hồ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần đẩy lùi cây thuốc phiện ở Vân Hồ- Ảnh 1.

Từ "thủ phủ" hoa anh túc, xã Vân Hồ giờ là "thủ phủ" chè nức tiếng

Còn ông Mùi Văn Hoạt (nguyên Chủ tịch UBND xã Vân Hồ), dù thời gian đã lâu nhưng ông vẫn còn nhớ như in những câu chuyện của nhiều năm trước. Ông Hoạt bảo rằng, trước đây, hầu hết ở những khu vực này đều là nương thuốc phiện. Từ năm 1990 trở về trước, hầu như nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Mông. Trong số 14 bản thì có tới 9 bản Mông trồng thuốc phiện.

"Theo thống kê vào thời điểm đó, trên địa bàn xã Vân Hồ có hơn 300ha trồng thuốc phiện, rất nhiều người nghiện. An ninh trật tự luôn trong tình trạng bất ổn, nạn trộm cắp gia súc, gia cầm… hoành hành", ông Hoạt nhớ lại.

Theo những già bản kể lại, cây thuốc phiện trồng dễ hơn cả cây ngô, cây lúa. Đất chỉ cần làm sạch cỏ, bỏ hạt xuống là cây lên tốt um, đến mùa cứ thế thu hoạch. Sau Tết, bà con cùng nhau kéo lên nương cả tháng trời để thu hoạch thuốc phiện.

"Thời điểm tôi làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã, tôi còn nhớ rất rõ, có những đối tượng trộm đến 7 con trâu, bò. Tại xã Vân Hồ còn rất nhiều đối tượng nghiện nên sinh ra trộm cắp nhiều đến nỗi không thể đếm xuể, chuyện trộm lợn, gà, vịt… xảy ra thường xuyên, người dân trong vùng rất bức xúc. Cái đói, cái nghèo bao trùm lên khắp bản trên, bản dưới, nhiều người vướng vào vòng lao lý, tù tội, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con cái bơ vơ không nơi nương tựa…", ông Hoạt nhớ lại.

Với nỗ lực xóa bỏ cây thuốc phiện, UBND huyện Vân Hồ cũng đã quán triệt các phòng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về phòng chống và kiểm soát ma túy, nhất là Luật phòng chống ma túy năm 2021 có hiệu lực từ 1/1/2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với 100% cơ quan, đơn vị, trường học; xã, bản, tiểu khu nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.

Hàng năm, UBND huyện Vân Hồ cũng ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động phòng, chống ma túy; Kế hoạch tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày "Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy" và "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy – 26/6". 

Thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo UBND 14 xã trên địa bàn huyện đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền vận động nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện, tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác, phát giác tội phạm ma túy.

Đổi thay nhờ cây chè

Những năm sau đó, Nhà nước nghiêm cấm trồng cây thuốc phiện, lực lượng công an và chính quyền sở tại mở nhiều đợt ra quân tổng lực tìm và diệt cây thuốc phiện đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm với các cá nhân có hành vi vi phạm nên cây thuốc phiện hầu như đã không còn xuất hiện ở Vân Hồ.

Những quả đồi trước kia ngập tràn cây thuốc phiện thì hiện tại đã được thay bằng màu xanh của nào chè, nào mận, đào… Đây là những loại cây đang mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.

Giờ đây, những câu chuyện đó không còn nữa, nạn nghiện ma túy, trộm cắp đã trở thành quá khứ. Người dân sống đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, biết phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trồng chè, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Mùi Thị Thiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ - cho biết, năm 1993, sau khi thực hiện Nghị quyết 06/NQ/CP về chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cùng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng chè, trồng cây ăn quả thay thế cho cây thuốc phiện. Từ đó, tình trạng trồng cây thuốc phiện ở Vân Hồ được dứt bỏ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần đẩy lùi cây thuốc phiện ở Vân Hồ- Ảnh 2.

Người dân xã Vân Hồ trong mùa thu hoạch chè

Đến nay, tổng điện tích gieo, trồng toàn xã đạt 1.512,95 ha (trong đó lúa mùa 153,8 ha; lúa nương 87,3 ha; ngô 776,3 ha; rau trồng tập trung 46 ha...). Tổng diện tích cây ăn quả hiện có trên địa bàn xã là 726,53 ha, cho sản lượng quả ước tính đạt 14.332 tấn.

Cây chè được đưa về trồng trên địa bàn xã Vân Hồ từ năm 1997. Mới đầu được Công ty chè của Nông trường chè Mộc Châu "đỡ đầu" hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Chỉ sau một thời gian ngắn, trồng chè đã trở thành phong trào được bà con xã Vân Hồ tích cực hưởng ứng, diện tích ngày càng được nâng lên. Tính đến nay, trên địa bàn xã có trên 200ha chè, với các giống chè shan tuyết, bát tiên... Trong đó, diện tích cho sản phẩm là 147 ha sản lượng ước đạt 2.904 tấn.

Trải qua nhiều thăng trầm, người dân trồng chè ở Vân Hồ đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thu hái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: Sử dụng phân bón, kỹ thuật cắt tỉa, đầu tư máy hái chè… Trồng chè, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng triệu đồng/năm, đời sống kinh tế ngày một nâng lên, góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới xã Vân Hồ đổi thay từng ngày.

Bà Hà Thị Đào, Chủ tịch Hội LHPN xã Vân Hồ cho biết, để giúp người dân không tái trồng cây thuốc phiện, thời gian qua, Hội LHPN xã Vân Hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Theo bà Đào, cây chè không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc ở xã Vân Hồ. Cũng nhờ những vựa chè xanh mướt mà cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Vân Hồ đang dần đổi thay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn