Chuyện đời éo le của "người không mang họ"

10:59 | 16/08/2024;
Sinh năm 1992, đi qua bao sóng gió cuộc đời rồi vậy mà đến đầu tháng 8/2024, Nguyễn Thanh Tý, ngụ tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, mới có giấy khai sinh. Lần đầu tiên, “người không mang họ” được có tên!
"Tái sinh"

Nguyễn Thanh Tý sinh năm 1992, trong 1 gia cảnh đặc biệt. Mẹ của Tý có tinh thần không ổn định, bà thuê nhà trọ sống, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau: bán bánh tráng, lượm ve chai. Và "nghề" nào của bà cũng phải lang thang ngoài đường, nơi ở thường xuyên thay đổi. Tý còn có 2 đứa em nữa, 1 gái, 1 trai. 

Cả 3 anh em của Tý đều không biết cha là ai, không đứa trẻ nào có giấy khai sinh và cũng không được tới trường. Tý, cũng như 2 đứa em, ngày nhỏ thì đi lang thang phụ mẹ; khi lớn hơn chút thì bán vé số, đánh giày. Cứ sống như vậy, như cây như cỏ trên các con đường của thành phố Đà Nẵng.

Giờ kể lại câu chuyện, Tý nói: "Em đâu biết chữ viết là gì. Sau này lớn lên, bạn bè rủ đi cướp điện thoại, túng quá thì làm liều, thì nổi máu tham thôi. Lúc bị bắt, em cũng không có tên. Lúc nhỏ, người ta cứ kêu thằng Tý thì khi bị bắt em cũng tự khai tên em là Tý. Em không có họ như người ta. Em không có mẩu giấy nào lận lưng về một con người như người ta. Các anh công an cũng chỉ ghi em là Tý. Và em điểm chỉ..".

Bị bắt năm 2018 về tội cướp giật, Tý bị tuyên án 2 năm tù. Cũng năm này, mẹ của Tý mất, nhưng cũng chẳng có ai đứng ra để làm giấy chứng tử. Ra tù năm 2020, Tý quen 1 cô gái, hai người ở với nhau, Tý gọi là vợ trước. Họ có 1 người con chung. 

Từ lúc yêu tới khi chia tay đều rất "nhẹ nhàng" vì Tý không có bất cứ giấy tờ gì liên quan để đăng ký kết hôn. Và không có đăng ký kết hôn thì cũng chẳng cần thủ tục ly hôn. Sau đó, Tý quen người vợ hiện tại. 

Cô tên Dương Thị Thúy Trinh, sinh năm 1993. Khi đến với nhau, con riêng của Tý mới hơn 1 tuổi, được Trinh đón về chăm sóc như con đẻ cùng với một cháu là con riêng của Trinh. Cặp đôi sinh thêm 1 bé trai, hiện đã 5 tuổi. Vậy là "em có 3 đứa con chị à", Tý kể.

Khi Tý thuê căn nhà 16m2 để cả gia đình vừa ở vừa bán hàng tạp hóa tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, thì địa chỉ này nằm trong địa bàn của anh Khoa, cảnh sát khu vực. 

Là người quản lý địa bàn Khu dân cư Phước Lý, anh Khoa trăn trở khi thấy Tý không có giấy tờ tùy thân và nhiều cái "không" khác. Trước đó, Tý đã rất cố gắng liên hệ với các phường, nơi mà anh ở trọ, chính quyền địa phương và cán bộ Tư pháp đều rất hỗ trợ nhưng các quy định pháp luật không cụ thể cho trường hợp đặc biệt này, nên không thể hỗ trợ được gì.

Trong nỗ lực của mình, Tý được anh Khoa, cảnh sát khu vực, đưa đến gặp luật sư Trần Khánh Vân, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, coi có cách nào hỗ trợ Tý làm được giấy khai sinh. 

Nhìn người đàn ông đã 30 tuổi rồi mà trong hoàn cảnh "người không mang họ", nước mắt chảy dài xin được giúp đỡ, luật sư Vân thấy xót xa quá. Nghe Tý nói "anh không giúp được em, chắc em sống mãi kiếp không tên này", luật sư Vân đã gật đầu nhận lời hỗ trợ.

Khó khăn và thành công

"Bắt tay vào để làm giấy khai sinh cho Tý mới hiểu được hết cái khó của sự việc. Tôi đi xin, đi kiếm trích lục rất nhiều giấy tờ nhưng thời gian đầu thực sự là chưa tìm được lối ra. Tìm được cho Tý giấy chứng sinh, nhưng các thông tin trên đó lại không khớp với thực tế. 

Vợ chồng Tý dù vất vả mà yêu thương nhau, cùng chăm sóc 3 con, làm việc kiếm sống lương thiện nhưng lại không có giấy tờ tùy thân nên cuộc sống khó khăn, không trọn vẹn. Vì vậy, tôi đã cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình. Rất may, tôi và Tý đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ những người có trách nhiệm nên công việc suôn sẻ, hoàn tất. Tôi dành thời gian đi sao lục giấy tờ, kết nối các mối quan hệ, sau đó các cơ quan nhà nước đã cùng chung tay để cấp giấy khai sinh cho Tý. Sau khi làm được giấy tờ cho Tý, tôi sẽ hướng dẫn và hỗ trợ tiếp để các chị em của Tý cũng có đủ giấy tờ tùy thân, đủ điều kiện đi làm, mưu sinh, đảm bảo cuộc sống như người khác”.

Luật sư Trần Khánh Vân (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng)

Chuyện đời éo le của "người không mang họ"- Ảnh 1.

Luật sư Trần Khánh Vân

Rất may, khi một anh ở Công an thành phố biết chuyện, anh ấy đã tham mưu lãnh đạo Công an Thành phố trao đổi nghiệp vụ với Sở Tư pháp để có "hướng dẫn cho trường hợp đặc biệt" và anh đã nhờ bên Sở Tư pháp, từ đó Sở Tư pháp đã trao đổi xuống phường. 

Kể ra chỉ có vài dòng như thế nhưng là cả 1 quá trình không đơn giản chút nào", luật sư Trần Khánh Vân kể lại câu chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.

Theo luật sư Trần Khánh Vân, trước đó, cha vợ của Tý đã bảo lãnh về Quảng Nam để làm các giấy tờ tại đây nhưng cũng không được. Vợ của Tý, Dương Thị Thúy Trinh, là người rất tận tâm, tận tình, không ngại khó, kiên trì làm các giấy tờ cho chồng. 

"Có lẽ giấy khai sinh của Tý là tờ giấy khai sinh đặc biệt nhất mà chúng tôi được thấy. Trên giấy khai sinh ghi người đi làm giấy khai sinh cho Tý là vợ, giấy khai sinh của Tý không có tên cha, cũng không có quê quán, không có mã số định danh. Điều thú vị là tên Tý được giữ nguyên. Chỉ là giờ Tý đã có đầy đủ họ tên chính thức của mình: Nguyễn Thanh Tý", luật sư Vân cho biết.

"Có đủ giấy tờ rồi, em mừng lắm. Em cũng vừa có mã định danh cá nhân rồi, em đang chờ để đi làm căn cước công dân", Tý hồ hởi khoe với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam khi cầm tờ giấy khai sinh còn thơm mùi mực. Tý giờ chí thú làm ăn. Anh nói, ngày nhỏ cứ sống lang thang ngoài đường nên không "đề kháng" được với cái xấu. 

"Ngày trước, em cạn nghĩ quá nhưng giờ em đã trưởng thành rồi, em đã "có tên có tuổi" rồi mà", Tý tâm sự. 

Tý nói, anh cố gắng sống tốt để không phụ lòng giúp đỡ của quá nhiều người như các anh chị bên Công an Thành phố, Tư pháp, trên phường, anh Vân luật sư, anh Khoa cảnh sát khu vực, gia đình bên vợ và vợ. Và quan trọng nhất, Tý còn cả gia đình, vợ con để lo lắng và chăm sóc.

Hàng ngày, Tý đi chào hàng bánh kẹo, đồ chơi cho các tiệm tạp hóa ở quanh thành phố Đà Nẵng. Còn Trinh ở nhà bán hàng tạp hóa. Cuộc sống của 2 vợ chồng còn bộn bề khó khăn. Tiền nhà trọ hiện Tý vẫn còn thiếu 4 tháng nhưng chủ nhà trọ thương tình cho nợ và còn bảo lãnh cho nhập thường trú. Xung quanh Tý còn nhiều người tốt luôn hỗ trợ để Tý cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Hiện giờ, vào mỗi buổi sáng, Tý bắt đầu công việc từ lúc 8h. Tý chạy vòng quanh các cửa hàng tạp hóa để chào hàng và giao bánh kẹo, đồ chơi. Trưa về ăn và nghỉ ngơi chút ít, tới 14h, anh lại tiếp tục đi làm tới khi thành phố lên đèn thì trở về nhà. 

Tý chỉ mong có sức khỏe, đi làm công việc có thu nhập tốt hơn để có đủ tài chính nuôi 3 con nhỏ. "Giờ em tập trung buôn bán, vì bỏ công làm lời nên em sẽ cố gắng dành thời gian cho công việc này nhiều hơn", Tý chia sẻ.

Khi được gợi ý có thể làm thêm công việc giao hàng cho các cửa hàng online hoặc chạy xe công nghệ mỗi khi rảnh rỗi, Tý nói cũng rất muốn làm thêm nhưng vì việc đang làm đã kín thời gian. 

Thêm nữa, Tý còn cùng vợ chăm 3 con nhỏ. Tý mong muốn có căn cước công dân sẽ đăng ký kết hôn và làm thủ tục nhận cha cho con của mình, để các cháu được mang họ của anh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn