Đồng hành cùng chị em chuyển đổi số
"Hội LHPN Việt Nam không đứng ngoài chương trình chuyển đổi số của Quốc gia bởi có trên 50% số hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Thương mại điện tử đã trở thành một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam - một quốc gia với 70% dân số sử dụng internet… Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Những tác động của đại dịch Covid-19 được xem là chất xúc tác cho chị em ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số. Đây chính là đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế".
Trích phát biểu của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo tại diễn đàn "Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức của phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh", tháng 10/2021
Bánh chưng đen, tương ớt Khánh Yên Thượng là những sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ vùng cao của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đây đều là những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao, khẳng định tính hiệu quả trong việc tìm hướng đi nâng cao giá trị nông sản địa phương và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ trong xã.
Chị Hoàng Thị Năm (dân tộc Tày, sinh năm 1974), Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất tương ớt xã Khánh Yên Thượng, cho biết: Trước đây, nguồn thu nhập của chị cũng như nhiều chị em khác tại xã chủ yếu là từ trồng lúa, ngô và chăn nuôi. Từ khi được Hội tập huấn và tham gia mô hình sản xuất tương ớt, thu nhập tăng gấp 5 lần so với trước. Kinh tế gia đình ổn định hơn, có điều kiện để các con được ăn học đầy đủ.
Chị Vi Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Bàn, cho biết: Để gia tăng giá trị sản phẩm của hội viên làm ra, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn chị em đăng ký và tuân thủ các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tem truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, các chị còn được tham gia tập huấn, thực hành bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Tiếp cận công nghệ số từ những khóa học cơ bản này, sản phẩm OCOP của phụ nữ khởi nghiệp tại huyện Văn Bàn đã vươn đến nhiều vùng miền khác.
Từ "ngày hội livestream" đến "phiên chợ trên mây"
Là tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam, trong nhiệm kỳ qua, Hiệp Hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) đã đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ; tích cực hỗ trợ doanh nhân nữ chuyển đổi số, linh hoạt chuyển đổi mô hình, cách thức kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh, VAWE và các Hội nữ doanh nhân địa phương đã chuyển hướng tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Nhiều hội nghị, diễn đàn nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số, đổi mới quản trị doanh nghiệp, ứng biến với khó khăn thách thức... đã được tổ chức. Bên cạnh đó là các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại… Tính đến cuối năm 2021, VAWE có 29 tổ chức tại 27 tỉnh/thành (kể cả cấp Trung ương) với tổng số hội viên là 8.855.
Tại Hoà Bình, Hội LHPN huyện Lạc Sơn cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn, cho biết, các cấp Hội trong huyện đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối đầu ra cho sản phẩm do chị em làm ra. Đặc biệt, để thích ứng với xu hướng mua sắm trực tuyến, một số mặt hàng đã được bán qua sàn điện tử của Viettel Post, Postmart... Từ những hỗ trợ này, các sản phẩm đặc sản vùng cao như gà đồi Hương Nhượng, gà ri Lạc Sơn Chí Thiện, mây tre đan, cây dược liệu, thịt chua, hạt dổi, ớt rừng Phú Lương, thịt lợn bản địa... đã khẳng định được thương hiệu.
Tại Hà Nội, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều hoạt động đã được Hội LHPN thành phố phối hợp với các đơn vị triển khai hỗ trợ các chủ thể OCOP, nữ doanh nhân Thủ đô. Đơn cử là "Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội", "Phiên chợ trên mây"... Chị Trịnh Kim Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MD Queens, chia sẻ: Qua những chương trình này, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại, giao thương bị hạn chế, các dịch vụ của bưu điện tỉnh Yên Bái đều bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút. Trước thực tế đó, tôi và tập thể đã tìm cách, đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trong kinh doanh, phù hợp với thị trường và khách hàng. Chúng tôi đã thích nghi với hoàn cảnh bằng cách thực hiện các livestream trên mạng xã hội, đổi mới kinh doanh từ tổ chức dịch vụ cho nhóm khách hàng lớn sang các nhóm nhỏ. Lực lượng bán lẻ đã tỏa đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng khách hàng để phục vụ người tiêu dùng. Vì vậy, dù dịch bệnh nhưng hoạt động kinh doanh, sản xuất vẫn luôn được duy trì, đảm bảo đời sống của người lao động, trong đó có khoảng 79% là lao động nữ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được sự động viên, đồng hành của các nữ doanh nhân trong tỉnh và các vùng miền khác trong việc kết nối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại địa phương, hỗ trợ bà con đưa các sản phẩm, đặc biệt là đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Từ đó, nhiều sản phẩm tiêu biểu của Yên Bái như chè Suối Giàng, trà táo mèo, tinh dầu quế, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ… đã được tiêu thụ, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp bà con thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc bưu điện tỉnh Yên Bái
Những ngày Bắc Giang trở thành một trong những "điểm nóng" của đợt dịch lần thứ 4 đã cho thấy tinh thần sẻ chia sâu sắc của các nữ doanh nhân trong tỉnh cũng như Hội nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi rất xúc động khi nhận được sự động viên, hỗ trợ không chỉ về tinh thần mà cả về vật chất của ban lãnh đạo Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, của các Hội nữ doanh nhân trên toàn quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, tất cả hội viên trong Hiệp hội đã cùng vào cuộc, chung tay phòng, chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hòa Loan
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn