Lao động việc làm nông nghiệp chiếm tới gần 30% thị trường việc làm. Trong đó, lao động nữ đang là lực lượng lao động chủ lực, có những đóng góp tích cực cho phát triển của lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), lao động nữ đang chiếm 47,4% toàn ngành; riêng ở các hợp tác xã, tỷ lệ này lên đến 80%.
Trong làn sóng chuyển số toàn nền kinh tế Việt Nam, với vai trò là "trụ", "điểm sáng" với những đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam, ngành nông nghiệp đang ngày càng thúc đẩy nhanh chóng việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất.
Tại diễn đàn "Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam", ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng cho ngành nông nghiệp hiện nay, đóng góp rất lớn vào quá trình sản xuất, đặc biệt là trước bối cảnh của biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Song, vẫn còn nhiều thách thức phía trước cho sự phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp nói chung và chiến lược chuyển đổi số nông nghiệp nói riêng.
Các chuyên gia đều cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng: tình trạng ngập lụt, thiên tai, hạn hán, hay thậm chí làm giảm diện tích đất trồng trọt, gây khó khăn trong quá trình sản xuất và đời sống của người dân.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp hiện nay đang phát thải khí nhà kính lớn thứ hai Việt Nam, đóng góp khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của cả nước, phần nào gây tác động tiêu cực tới khí hậu. Do vậy, việc áp dụng công nghệ trong việc cải tiến hoạt động sản xuất, tối ưu hóa và hướng tới phát triển bền vững trong nông nghiệp là điều cấp thiết.
Chia sẻ về những cách áp dụng công nghệ số vào nông nghiệp, bà Trần Thị Lan Hương, thành viên Ngân hàng Thế giới, cho biết, công nghệ có thể hỗ trợ rất lớn vào sản xuất kinh doanh trước tác động của biến đổi khí hậu, thông qua việc sử dụng vệ tinh để biết được đặc tính của khu vực trồng trọt; nắm được các loại chỉ số, phân tích và dự báo thời tiết để có phương thức sản xuất, canh tác phù hợp.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các dòng sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường đang này càng được đẩy mạnh hiện nay, buộc những người làm nông và doanh nghiệp nông nghiệp cần phải áp dụng công nghệ vào khâu sản xuất để thay đổi, cải tiến và tối ưu hoá, hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Đồng thời, điều này còn góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch hơn, giảm thiểu các chất thải, từ đó, hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng mạnh hơn.
Như vậy, có thể nói, chuyển đối số là một trong những nhiệm vụ đóng vai trò quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Song, áp dụng công nghệ sao cho hiệu quả khi công nghệ hiện đại sẽ phát sinh thêm một thách thức về an ninh mạng; các chuyên gia tại diễn đàn đã cùng thảo luận, đưa ra quan điểm nhằm định hướng chiến lược phát triển cũng như xây dựng, củng cố khung pháp lý cho nền kinh tế nông nghiệp số tương lai.
Biến đổi khí hậu là sự nóng lên của trái đất, như: nhiệt độ mùa hè tăng cao với những đợt nắng nóng gay gắt; bão, gió, lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày càng khốc liệt; hạn hán xảy ra ở nhiều nơi…
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt... mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn