Chuyển đổi số trong trường đại học: Còn gặp nhiều khó khăn

09:24 | 22/01/2022;
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam buộc phải chuyển đổi theo xu hướng số hóa, nhằm đảm bảo chất lượng và dịch vụ giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số trong các trường còn gặp nhiều khó khăn.

Thay đổi trải nghiệm cho người học

Theo TS Phan Thanh Đức (Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Học viện Ngân hàng), các trường ĐH đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ dựa trên việc tổ chức các hoạt động giảng dạy - học tập theo mô hình lấy giảng viên làm trung tâm và dựa trên các chương trình đào tạo định sẵn. Đồng thời, người học tuân theo một hành trình học tập đã được xây dựng sẵn (số kỳ học, số tiết học, số môn học...).

Ngược lại, để chuyển đổi số trong trường ĐH, cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm cung cấp các lựa chọn đa dạng và hướng tới thay đổi các trải nghiệm cho người học trong môi trường số. "Bản chất là xác định lại "hợp đồng" với người học, chuyển từ những lời quảng cáo hứa cung cấp các khóa học chất lượng cao và các dịch vụ tốt, sang việc cung cấp một kế hoạch cụ thể - một hành trình học tập phù hợp với mục tiêu cá nhân của từng người học", TS Phan Thanh Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số trong các trường ĐH ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số trong trường đại học" do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh (Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, ĐH Thủy Lợi) cho hay, khó khăn ở chỗ hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ internet còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ. Học liệu số còn phát triển tự phát, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập. Thiếu hành lang pháp lý cho thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số. Chưa có quy định chuyên ngành cho giáo dục (chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tyến); quy định điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng. Khó khăn lớn nhất, theo PGS.TS Đặng Hoài Bắc (Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), đó là nguồn nhân lực.

3 điểm mấu chốt

PGS.TS Đặng Hoài Bắc cho biết, chuyển đổi số đào tạo ĐH có thể coi là hình thức cung cấp các dịch vụ giảng dạy và đào tạo trên môi trường số và thông qua các nền tảng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tăng cường thực tại ảo... nhằm đáp ứng các tiêu chí; cá nhân hóa quá trình đào tạo, đào tạo mọi lúc mọi nơi, đào tạo đồng thời quy mô lớn, phục vụ đa dạng nhu cầu đào tạo (đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo suốt đời...), tối ưu hóa thời gian đào tạo...

"3 điểm mấu chốt trong chuyển đổi số đào tạo ĐH là chuyển đổi số công tác quản trị đại học; chuyển đổi số phương pháp giảng dạy; môi trường, những dịch vụ tiện ích thông minh mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người học. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tập trung vào đổi mới phương pháp về quản trị ĐH để các phương pháp, quy trình quản lý đào tạo được thông suốt mang lại lợi ích cho giảng viên và người học. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức đào tạo, chuyển đổi số để có các bài giảng trực quan, sinh động, gắn liền với thực tế. Chúng tôi muốn học viên được trải nghiệm môi trường, các tiện ích tốt nhất về công nghệ", PGS.TS Đặng Hoài Bắc chia sẻ.

Nhấn mạnh về việc chuyển đổi số tập trung, chú trọng nhất vào người học, PGS.TS Đặng Hoài Bắc cho biết: Trải nghiệm của người học là yếu tố quan trọng nhất của công cuộc chuyển đổi số, vì nó hình thành nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai. Người học là chủ thể, đánh giá được chất lượng đào tạo của trường ĐH và trong quá trình học sẽ tiếp thu được 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, hành vi thái độ đối với xã hội, đối với nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Các trường ĐH cần chú trọng ứng dụng chuyển đổi số để hình thành người học có năng lực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Nếu các trường triển khai ĐH số thì có thể mời được các giảng viên tốt nhất của Việt Nam, cho học online cả quá trình, đặc biệt, quá trình đào tạo có thể rút ngắn thay vì học 4-5 năm thì chỉ học 2 năm. Đây là lợi thế cho các trường ĐH mới gia nhập ĐH số.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn