Chuyên gia cảnh báo: Ăn vải vào thời điểm này cực nguy hiểm, bà bầu càng cần tránh

18:50 | 16/06/2022;
Vải là loại trái cây quen thuộc và chỉ có theo mùa nên được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên khi ăn cần lưu ý điều này để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đừng vì vải ngon nên ăn nhiều

Hàng năm vào khoảng tháng 6, tháng 7 là bắt đầu đến mùa vải chín. Loại quả này được rất nhiều người ưa chuộng vì chỉ có theo mùa, chứ không xuất hiện quanh năm như những loại trái cây khác. Tuy nhiên, xung quanh quả vải có nhiều lời đồn thổi như ăn vải chưa chín dễ gây tử vong, ăn vải gây viêm não Nhật Bản, phụ nữ mang thai ăn vải dễ sảy thai… khiến nhiều người hoang mang. Vậy thực hư thế nào? 

Dưới góc nhìn khoa học, các chuyên gia cho rằng thông tin trên là chưa chính xác. Thế nhưng, cũng không nên lạm dụng ăn vải quá nhiều và không phải thời điểm nào cũng có thể ăn.

Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình) cho biết, trong đông y, quả vải có tính đại nhiệt, có tác dụng ích tâm, ôn tỳ, tư thận, bổ huyết, dưỡng can, trừ phiền khát, làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong quả vải chứa tới 82% là nước và 16,5% carbohydrate. Bên cạnh đó, vải còn là loại trái cây rất giàu chất xơ, vitamin C, B, E và các khoáng chất như kẽm, sắt, magie, canxi…

Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, không ăn vải quá nhiều, nhất là khi đang đói. (Ảnh minh họa)

“Do quả vải có vị ngọt nên nhiều người, trong đó có trẻ nhỏ thường ăn nhiều. Điều này không nên. Ăn nhiều vải sẽ gây ra một số hệ lụy như làm gan sinh hỏa, lưỡi họng đau rát, nghiêm trọng hơn còn dẫn đến buồn nôn; trẻ nhỏ ăn nhiều sẽ bị nhiệt, tốt nhất chỉ nên ăn 4-5 quả/lần và ngày không ăn quá 10 quả”, lương y Bùi Hồng Minh hướng dẫn.

Ăn vải lúc đói không làm tăng đường huyết hay giúp giảm mệt mỏi

Trong thực tế, nhiều người nghĩ rằng quả vải ngọt, có nhiều đường nên ăn khi đói mệt sẽ làm tăng đường huyết trong cơ thể, giảm được mệt mỏi. Ths.BS Doãn Thị Tường Vi - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện 198, Bộ Công an) cho rằng, đây là quan điểm sai lầm.

Theo bác sĩ Vi, khi bụng đói, ăn vải sẽ bổ sung lượng đường quá cao làm kích thích niêm mạc dạ dày gây đau, viêm, nhiệt hoặc bị say, kèm các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, cồn cào, buồn nôn. Bác sĩ Vi khuyến cáo, tốt nhất chỉ dùng vải sau các bữa ăn để phòng tránh nóng trong cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Trong trường hợp ăn quá nhiều vải dẫn đến tình trạng say vải, nên uống một cốc nước đường để giúp cải thiện tình hình.

Còn đối với thông tin ăn vải gây viêm não Nhật Bản, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế từng khẳng định, đây chỉ là tin đồn suy đoán, không chính xác và không có căn cứ khoa học. Thông tin suy diễn này bắt nguồn từ sự trùng lặp thời điểm mùa vải và mùa bệnh viêm não Nhật Bản. Mùa vải thường diễn ra vào tháng 6-7 trùng hợp vào tháng cao điểm nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, chứ không có chuyện ăn vải gây viêm não Nhật Bản.

Tuyệt đối không ăn vải khi còn xanh. (Ảnh minh họa)

Phụ nữ mang thai liệu có phải kiêng ăn vải?

Ths.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, vải có thành phần chủ yếu là nước, đường và không phải chị em nào khi mang bầu cũng phải kiêng vải hoàn toàn.

Đối với một số phụ nữ mang thai có chỉ số đường huyết ở nhóm cao thì khuyến cáo hạn chế hoặc không ăn vải, cũng như một số loại quả có nhiều đường khác. Bác sĩ Thành khuyên, bà bầu không mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có thể ăn vải nhưng cần ăn lượng vừa phải, khoa học.

Theo đó, đối với người bình thường, chỉ nên sử dụng không quá 10 quả/ngày. Đối với phụ nữ có thai, trẻ em nên ăn không quá 7-8 quả/ngày. Chỉ ăn quả vải đã chín, không ăn vải xanh vì có thể gây một số vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. 

Một số nghiên cứu ở nước ngoài đã chỉ ra rằng, việc ăn quả vải xanh sẽ gây hạ đường huyết, vì trong quả vải xanh có chất hypoglycin A và methylencyclopropyl (MCPG), hàm lượng chất này trong vải xanh cao hơn gấp 2-3 lần so với vải chín.

Còn tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào về hàm lượng chất hypoglycin A và methylencyclopropyl trong cả quả vải xanh và chín. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không ăn quả vải khi còn xanh và không ăn quá nhiều quả vải chín để tránh tác hại đối với sức khỏe.

Ngoài ra, khi ăn vải không nhai, cắn vào hạt vải. Quá trình ăn vải nên dùng tay hoặc dụng cụ tách vỏ, không cắn trực tiếp lên quả vải, nhất là vải mới hái xuống vì có thể gặp nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, nhất là rệp, bọ hoặc cũng có thể nhiễm hóa chất còn tồn dư. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn