TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cho biết, cây xanh là lá phổi bên ngoài cơ thể. Theo đó, nếu phổi cung cấp oxy cho cơ thể con người giúp duy trì sự sống thì cây xanh là nguồn cung cấp oxy chủ yếu cho môi trường sống trên trái đất. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi thường ví cây xanh như lá phổi của trái đất.
Ngoài việc cung cấp oxy thì cây xanh còn có các vai trò quan trọng khác trong hệ sinh thái như: Cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu các khí độc, hạt bụi thoát ra trong quá trình sống và sinh hoạt của con người như khói xe, nhà máy.
Cũng theo TS. Vũ, cây xanh còn có thể giúp giảm nhiệt độ môi trường đáng kể. Dưới bóng râm, nhiệt độ không khí có thể giảm từ 3-5 độ C so với bên ngoài. Bởi ngoài việc ngăn chặn ánh nắng mặt trời, quá trình thoát nước qua các khí khổng trên lá có tác dụng như một máy điều hòa thiên nhiên. Ví như, một cây cao 30m khỏe mạnh có khoảng 200.000 lá có thể lấy 40.000 lít nước từ đất để đưa vào không khí trong một mùa sinh trưởng. Tác dụng làm mát của lượng nước này tương đương với 12 phòng có trang bị máy điều hòa. Hơn nữa, cây còn giúp giữ cấu trúc đất, tránh sói mòn, hạn chế nguy cơ lũ quét,…
Lợi ích của cây xanh có lẽ là nhiều vô kể và chúng càng trở nên quan trọng hơn trong tình hình dân số thế giới gia tăng và cuộc sống của con người phát triển ngày càng theo hướng đô thị hóa. Một nghiên cứu năm 2019 thực hiện ở Madison (bang Wisconsin, Mỹ) về sự tương tác bóng râm của cây xanh (canopy cover) và nhiệt độ trong môi trường, cho thấy nhiệt độ không khí ban ngày giảm đáng kể khi độ che phủ đạt được ≥40%, đặc biệt thấy rõ trong các ngày nóng nhất.
Do tầm quan trọng của cây xanh nên hầu hết ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc,… đều có những chương trình trồng và bảo vệ cây xanh không những ở trong rừng mà còn trong các thành phố như trường học, bệnh viện, khu dân cư, công viên. Để có một môi trường xanh trong lòng thành phố, nhất là các cây cao, nhiều bóng râm, một cách an toàn thì công việc quản lý cây xanh không được xem nhẹ. Cây được chăm sóc và bảo vệ để có thể phát triển khỏe mạnh và giảm thiểu các tai nạn không đáng có. Ngoài việc chăm sóc như tưới cây, chặt cành, tỉa nhánh thì việc đảm bảo diện tích, môi trường phát triển của cây cũng cần được coi trọng để cây có thể sống và phát triển. Ngoài ra, việc chăm sóc đất và bón phân cho cây cũng cần được thực hiện định kỳ để đảm bảo dinh dưỡng cho cây.
Sự việc đáng tiếc xảy ra tuần qua với cái chết của một em học sinh do cây phượng ngã bật gốc trong sân của trường THCS Bạch Đằng đã kéo theo hàng loạt sự việc khác gây lo lắng đó là việc chặt cây hàng loạt để đảm bảo "an toàn trước mắt". Theo TS. Vũ, việc hạ đốn cây không nên thực hiện một cách bừa bãi và tùy tiện mà nên kết hợp với các chuyên gia bên chuyên ngành lâm nghiệp để "chẩn đoán sức khỏe" của cây trước khi ra quyết định. Việc áp dụng chặt chẽ những phương pháp chăm sóc và bảo vệ cây mà các nước trên thế giới đang làm là điều rất cần thiết để cải thiện và bảo vệ sức khỏe cho các cây hiện tại.
TS. Vũ cũng cho biết, ông rất lo ngại khi nhìn những hình các cây trong khuôn viên trường được khoanh lại trong những cái bồn xi măng nhỏ xíu và chung quanh mặt đất đều được tráng xi măng. Hơn nữa, việc chặt đốn các cây lớn mà vẫn còn cứu chữa được là một sự lãng phí không đáng. Bởi để có một cây lớn, tán rộng như cây phượng, cây bàng hiện nay ở các trường học không phải là một chuyện một sớm một chiều và các em học sinh cũng rất cần chúng, nhất là với khí hậu nước ta nắng nhiều và nóng! Nếu việc đốn chặt là điều không thể tránh khỏi do các cây có nguy cơ quá cao và không thể cải thiện thì cần có ngay kế hoạch thay thế chúng ngay sau đó.
"Hiện nay, bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 tấn công chủ yếu lá phổi của con người. Khi lá phổi bị thiệt hại nặng nề thì sẽ rất dễ dẫn đến tử vong. Việc bảo vệ cây cũng vậy, nếu chúng ta không có kế hoạch bảo vệ lá phổi của trái đất thì hậu quả chúng ta sẽ phải gánh chịu là tất yếu", TS. Vũ chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn