Nhiều trường hợp tai biến
Thời gian gần đây, các cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận nhiều ca tai biến do tiêm chất làm đầy (Filler) để nâng ngực, mũi, xóa nhăn. Mới đây nhất, cuối tháng 9/2022 vừa qua, một phụ nữ 38 tuổi đã phải vào Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng ngực trái hoại tử sắp vỡ, ngực phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da, cứng ngắc. Bệnh nhân cho biết, trước đó đã tiêm Fiiller nâng ngực tại một spa với giá 20 triệu đồng.
Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận nữ sinh 16 tuổi (trú tại Bắc Kạn) bị mù mắt phải do tiêm filler nâng mũi ở spa của người quen. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đến viện thăm khám trong tình trạng nhìn mờ, đau mắt dữ dội. Qua khai thác tiền sử được biết, sau khi tiêm filler nâng mũi ở spa bệnh nhân thấy xuất tình trạng đau đầu, nhức mắt. Bệnh nhân được nhân viên spa khuyên uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên, sau khi uống, bệnh nhân thấy các triệu chứng giảm nên chủ quan không đi khám.
Sau hơn 1 ngày, khi tình trạng đau trở nên dữ dội hơn, nhìn mờ, bệnh nhân mới đến BV Da liễu TƯ thăm khám khám. Tuy nhiên, do đến khám trễ, mắt phải bệnh nhân không thể phục hồi thị lực.
Một trường hợp khác là bệnh nhân 20 tuổi bị lệch cằm, hoại tử do tiêm filler quá nhiều. Sau khi bác sĩ can thiệp, nạo vét các vùng tổn thương, bệnh nhân phải chấp nhận vết sẹo ngang cằm. Bên cạnh đó, do vùng tiêm có hiện tượng xơ hóa, thiếu dinh dưỡng nên bệnh nhân khó có cơ hội làm đẹp vùng cằm lần nữa.
Theo các chuyên gia, tiêm filler là một trong những phương pháp làm đẹp được nhiều người ưa chuộng vì nghĩ đơn giản mà hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, đây là phương pháp cũng có nhiều tai biến xảy ra khi thực hiện. Nguyên nhân là bởi nhiều người thực hiện tiêm Filler tại các spa nên quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu.
Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú (BV Da liễu TP.Hồ Chí Minh) cho biết, tiêm filler là một trong những kỹ thuật khó. Nếu thực hiện sai kỹ thuật, có thể gây những biến chứng nặng như hoại tử da. Sau khi điều trị xong, một số trường hợp vẫn còn những sẹo xấu rất khó phục hồi lại như ban đầu. Thậm chí chúng có thể gây những biến chứng nặng nề hơn như đột quỵ hay mù mắt do sử dụng kỹ thuật sai cách. "Sai lầm thường hay gặp nhất khi tiêm filler là mọi người nghĩ kỹ thuật này thực hiện quá đơn giản", bác sĩ Tú chia sẻ.
Đối tượng nào nên tiêm Filler?
Các chuyên gia cho biết, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Và tiêm chất làm đầy là một trong những phương pháp làm đẹp hiện nay. Hoạt chất tiêm filler ngày nay người ta sử dụng là loại hoạt chất có thành phần axit hyaluronic. Đây là axit tự nhiên, khi vào cơ thể tự tiêu đi theo thời gian.
Tuy nhiên, tiêm filler giống như con dao hai lưỡi. Nếu dùng đúng sẽ hiệu quả còn không để lại nguy cơ rất nguy hiểm. Tiêm filler đòi hỏi người tiêm phải là bác sĩ và phải có giấy chứng nhận đã thực hành lớp giải phẫu học và tiêm chất làm đầy thì mới được tiến hành thủ thuật.
Để đảm bảo an toàn, tránh biến chứng, trước khi tiêm filler, bác sĩ phải thăm khám xem bệnh nhân có phù hợp để tiêm chất làm đầy không.
Theo đó, khi thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân đó có thực sự cần tiêm filler không? Khiếm khuyết đó trên phần mặt của bệnh nhân có thể khắc phục, cải thiện được bằng tiêm chất làm đầy không?
Thứ hai là bệnh nhân đó có chống những chỉ định không (đang bị viêm da, dị ứng với bất cứ thành phần nào của chất tiêm, rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai và cho con bú, có cơ địa sẹo lồi hoặc sẹo phì đại).
Trường hợp đủ điều kiện để tiêm filler, chị em nên thực hiện kỹ thuật này tại cơ sở y tế uy tín, nơi có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản mới có thể hạn chế tai biến xảy ra.
Làm thế nào hạn chế nguy cơ biến chứng?
TS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (BV viện Bạch Mai), chị em trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào trên cơ thể, cần tìm hiểu kỹ thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, có cần thiết với mình hay không.
Ngoài ra, chị em cần tìm hiểu can thiệp đó có lợi ích cũng như có thể có những biến chứng gì. Quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế). Chị em nên tránh chạy theo quảng cáo mà không tìm hiểu ngọn nguồn để tránh tiền mất tật mang.
Bác sĩ Dung nhấn mạnh, các cơ sở được cấp phép không thể là các SPA, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu,… mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là Phòng khám chuyên khoa, có tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.
Đối với những bệnh nhân mới tiêm filler mà có những biểu hiện biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lí cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp biểu hiện các biến chứng muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục,… liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc chất liệu làm đầy không đảm bảo, không được cấp phép, lan tỏa trong mô mềm vùng tiêm. Việc điều trị các biến chứng muộn này thường mất nhiều thời gian và để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.
Với những bệnh nhân đã tiêm các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhưng may mắn chưa xuất hiện các biến chứng thì cũng nên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá tính chất của tổ chức tiêm vào mô, mức độ thâm nhiễm của các chất này đối với các tổ chức xung quanh. Từ đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc có nên lấy bỏ chất làm đầy này hay không, tiên lượng có lấy bỏ được hết hay không và đánh giá xem cần làm gì để tái tạo lại các mô tổ chức bị viêm, thâm nhiễm. "Để đẹp một cách an toàn, trước khi quyết định các chị em nên cân nhắc và tìm hiểu thật cẩn trọng", TS. Phạm Thị Việt Dung đưa ra lời khuyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn