Chuyên gia đưa ra các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

13:44 | 07/12/2020;
Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Vậy, nhóm MSM cần làm gì để có thể phòng tránh lây nhiễm HIV?

Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất tại Việt Nam

Theo các báo cáo gần đây cho thấy, trong 20 năm liên tiếp, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng. Đây được cảnh báo là một trong những mối lo ngại lớn tại Việt Nam những năm gần đây. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Còn theo một nghiên cứu thuần tập trong nhóm MSM tại Hà Nội của trường Đại học Y Hà Nội mới đây cho thấy, 11% trong 1.893 người tham gia nghiên cứu khảo sát đầu vào là người có HIV, 21% nhiễm giang mai, 23% nhiễm chlamydia và 13% nhiễm lậu. Trong số mẫu máu của 75 người nhiễm HIV, 27 (36%) mẫu được khẳng định là mới nhiễm HIV, và hầu hết các ca mới nhiễm là ở nhóm trẻ ≤24 tuổi.

Chuyên gia đưa ra các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới - Ảnh 1.

Tỉ lệ sử dụng biện pháp bảo vệ thường xuyên khi quan hệ tình dục đồng giới giảm mạnh. (Ảnh: Sfaf)

Đồng thời, cũng theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ dương tính HIV trong cộng đồng MSM khoảng 3% nhưng đến nay, con số này lên tới mức khoảng 12-15%. Điều đáng nói là tỷ lệ nhiễm mới cao.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Cơ quan điều phối về HIV/AIDS của Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, ước tính số lượng MSM do có khoảng 178.000 người. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015, 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh thành phố nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3%), TP Hồ Chí Minh 13,8%, Bà Rịa Vũng Tàu 16%, Khánh Hòa 14,6%, Hải Phòng 5,3%.

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cần làm gì để dự phòng lây nhiễm HIV?

Vậy, nhóm MSM cần làm gì để dự phòng lây nhiễm HIV, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục HIV/AIDS – Bộ Y tế.

Chuyên gia đưa ra các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới - Ảnh 3.

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục HIV/AIDS – Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, nguy cơ gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam tại nước ta hiện nay như thế nào?

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Hình thái dịch của Việt Nam từ chỗ qua tiêm chích ma túy đã chuyển sang 76% là lây nhiễm qua quan hệ tình dục và trong đó nổi lên là nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam. Tại sao nhóm này lại bị như thế?

Thứ nhất, nhóm MSM quan hệ tình dục không an toàn, và bản thân họ co nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với quan hệ tình dục truyền thống. 

Thứ hai, bản thân nhóm MSM vẫn có sự mậc cảm bởi sự kỳ thị.

Thứ ba, nhiều người trong nhóm này sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp khiến họ mất kiểm soát và họ lại có quan hệ tình dục không an toàn.

Đây là vấn đề mới trong vài năm gần đây, tỷ lệ nhiễm trong nhóm này tăng rất nhanh.

PV: Vậy chúng ta cần làm gì trước nguy cơ này thưa ông?

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Quả thực, những giải pháp trong nhóm MSM là điều chúng ta phải triển khai và đẩy mạnh trong thời gian tới. Để dự phòng HIV thì chúng ta phải biết cách phòng tránh. Nếu hiểu đúng và có hành vi an toàn thì sẽ không nhiễm HIV.

Trước hết là việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nhưng với nhóm MSM khi sử dụng ma túy sẽ bị mất kiểm soát và không sử dụng bao cao su.

Thứ hai, biện pháp uống thuốc PrEP dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả. Có hai liệu trình là uống liên tục trong 21 ngày và liệu trình uống khẩn cấp trước lúc quan hệ tình dục 1 ngày uống 2 viên và ngay sau khi quan hệ tình dục uống 1 viên. Tỷ lệ bảo vệ khi dùng PrEP có thể lên tới trên 90%.

Chuyên gia đưa ra các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới - Ảnh 4.

PrEP thường được chỉ định chủ yếu cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người chuyển giới. (Ảnh: Internet)

PV:  PrEP đang là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mới, vậy Việt Nam đang làm gì để mở rộng dự phòng lây nhiễm HIV mới như dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP và kết quả hiện nay ra sao), thưa ông?

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó đến năm 2025 có 30% và năm 2030 có 40% số MSM được tiếp cận điều trị PrEP tương ứng với khoảng 72.000 người cần được điều trị PrEP trong 5 năm tới. Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, việc triển khai điều trị PrEP là hiệu quả, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hình thái dịch đang dần chuyển sang lây truyền qua đường tình dục, trên nhóm tỷ lệ nhiễm HIV mới cao trong nhóm Nam (tập trung nhóm MSM).

Thời gian tới Bộ Y tế sẽ mở rộng nhanh chương trình như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn hiện nay để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Với quan điểm thay đổi cách tiếp cận truyền thống, Bộ Y tế sẽ linh hoạt tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc kết hợp, đa dạng hoá nhiều mô hình trong cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để đảm bảo phù hợp với khách hàng.

Chúng tôi sẽ chú trọng các giải pháp tiếp cận đối với nhóm người trẻ tuổi có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV hiện nay, đặc biệt là các MSM trẻ tuổi.

Đồng thời thúc đẩy các chính sách đảm bảo bền vững khi chương trình kết thúc tài trợ cụ thể: Phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp dược, sinh phẩm để thúc đẩy sự sẵn có của thuốc PrEP và sinh phẩm xét nghiệm tại các địa phương với chi phí và giá thành hợp lý. 

PV: Các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đang được triển khai cho nhóm MSM như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai đồng bộ nhiều nhóm hoạt động bao gồm truyền thông, hoạt động can thiệp bao gồm:

1. Truyền thông thay đổi hành vi, bao gồm: truyền thông trực tiếp qua nhóm lớn nhóm nhỏ, sự kiện, truyền thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) và các ứng dụng hẹn hò của nhóm MSM (Blued, Grind...) về nội dung HIV/AIDS gồm (PrEP, Xét nghiệm HIV, BCS...); truyền thông đại chúng phổ biến kiến thức và truyền thông tạo cầu tạo điều kiện cho nhóm MSM tiếp cận thuận lợi các dịch vụ HIV/AIDS. Kết hợp truyền thông dịch vụ HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm MSM.  

2. Tư vấn xét nghiệm HIV: Tư vấn và xét nghiệm HIV tại cộng đồng và cơ sở y tế: Tự xét nghiệm, xét nghiệm tại cộng đồng thông qua các nhóm đồng đẳng và xét nghiệm tư vấn tại cơ sở y tế. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV kết hợp các bệnh lây truyền qua đường tình dục STIs.

3. Kết hợp truyền thông và cung cấp các vật dụng can thiệp: Bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm MSM thông qua hệ thống đồng đẳng viên, nhóm cộng đồng và cơ sở y tế. 

4. Cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV kết hợp và sau phơi nhiễm PEP: Cung cấp dịch vụ PrEP tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Khuyến khích các phòng khám tư nhân do cộng đồng MSM làm chủ tham gia cung cấp dịch vụ PrEP và phát triển các phòng khám thân thiện với MSM. 

PV: Trân trọng cảm ông./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn