Theo Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, thị trường BĐS du lịch Việt Nam đang có sự bùng nổ mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây tăng từ 30 - 40%/năm, lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế. Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực BĐS du lịch, áp lực tăng cao về hạ tầng và dịch vụ du lịch, song hành cùng với sự đổ bộ của hàng loạt các dự án BĐS du lịch lớn, bài toán quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch địa phương đang cần có lời giải.
Đối với nhà đầu tư, sự chưa rõ ràng về pháp lý đối với một lĩnh vực có các sản phẩm không chỉ mới ở Việt Nam mà còn rất đặc thù cũng tiềm ẩn nhiều rùi ro trong kinh doanh; hay vấn đề làm thế nào để quản lý, khai thác vận hành dự án bất động sản du lịch một cách có hiệu quả và phát triển bền vững đều là những băn khoăn lớn. “Đặc biệt là những thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành được các dự án bất động sản du lịch rất đặc thù và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao này; trong khi hệ thống đào tạo nhân lực trong nước cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập” - ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Phiên - Giám đốc cấp cao của Novaland chia sẻ, cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu nhân sự, trong đó lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch nghỉ dưỡng chỉ khoảng 4%. Tình trạng này dẫn đến mất cân đối khá lớn khi lượng khách du lịch đổ về Việt Nam quá lớn trong một thời gian ngắn.
Để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực BĐS du lịch, theo ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học bên ngoài. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp Việt, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường BĐS là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này.
Ngoài ra, về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam, với tư cách là nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp về BĐS, Hiệp hội sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo, tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự các cấp cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề.