Chuyên gia hướng dẫn sử dụng thuốc xịt họng đúng cách

07:42 | 15/12/2019;
Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc xịt họng khác nhau. Dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng loại thuốc xịt họng nào cho người bệnh với liều lượng và thời gian cần thiết.

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào (BV Đại học Y Hà Nội), thời tiết giao mùa khiến những người mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản… rất khó chịu. Nguyên nhân chủ yếu do liên cầu tan huyết bê ta nhóm A gây nên. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường chủ quan không đi khám mà tự ý mua các loại thuốc dạng xịt vì tiện lợi, dễ sử dụng, trong số đó có không ít người đã lạm dụng và dùng thuốc sai cách.

PGS. Phạm Thị Bích Đào cho biết, nhiều người khi đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng đã chia sẻ về việc thường xuyên sử dụng thuốc xịt họng vì tiện lợi, có thể dùng mọi lúc mọi nơi và thấy hiệu quả nhanh. Do đó, những lần sau nếu thấy hơi đau họng, lập tức lấy thuốc ra xịt liên tục, nhiều lần, và cứ thế dẫn đến lạm dụng thuốc, hiệu quả giảm đi rõ rệt, thậm chí còn thấy khó chịu với các triệu chứng tăng nặng. Một số khác sử dụng thuốc xịt họng… còn dở trong lần được kê đơn trị viêm họng trước đây với mong muốn có hơi thở thơm tho, dùng nhiều lần trong ngày không theo chỉ định, gây ra hậu quả bị kích thích tại chỗ vùng hầu họng. Tình trạng không những không cải thiện mà còn gây cảm giác ngứa rát họng, miệng khô, ăn uống khó khăn, mất cảm giác.

Chuyên gia hướng dẫn sử dụng thuốc xịt họng đúng cách - Ảnh 1.

Có nhiều loại thuốc xịt họng, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ

PGS.Đào cho biết, hiện có nhiều loại thuốc xịt họng khác nhau. Sau khi thăm khám, bác sĩ dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng sẽ quyết định sử dụng loại thuốc xịt họng nào cho người bệnh với liều lượng và thời gian cần thiết. Bởi có thuốc xịt họng chứa kháng sinh đa peptit (như benzakonium, fulsagin, hexaspray, neomycin) dùng trong các trường hợp bị viêm nhiễm vùng hầu họng do vi khuẩn như viêm họng, viêm amiđan, viêm VA, viêm thanh quản; thuốc chứa corticoid (như betamethasol, fluticasol (seretide, flixotide) có tính chất dự phòng các cơn co thắt phế quản nhưng do dạng bào chế đặc biệt cũng như hàm lượng thuốc thấp nên việc sử dụng lâu dài cũng không gây ra những tác dụng toàn thân; Thuốc chứa các hoạt chất giãn phế quản (như salbutamol, terbutalin, bambec, berodual). Các thuốc thuộc nhóm này thường được chỉ định cắt cơn co thắt phế quản cũng như cho việc vận chuyển chất nhầy được dễ dàng cho các bệnh nhân hen phế quản cấp hoặc mạn tính.

Theo PGS. Phạm Thị Bích Đào, liều lượng và số lần dùng thuốc ở người lớn và trẻ em khác nhau nên người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân chỉ nên điều trị không quá 10 ngày; nếu trên thời hạn này, cần xem xét lại việc điều trị.

Để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất, cần thực hiện đúng thao tác:

Trước khi sử dụng lần đầu, nhấn 5 lần lên nút ấn để khởi động bơm định liều.

Bình xịt phải được giữ thẳng đứng giữa ngón cái và ngón trỏ, ống tra ở phía trên.

Khi sử dụng, đặt ống tra miệng (màu trắng) trong miệng và ngậm môi lại, sau đó nhấn mạnh và lâu lên nút ấn đồng thời hít sâu. Thực hiện cũng cùng một thao tác khi dùng để xịt vào mũi sau khi đã gắn ống tra tương ứng.

Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe tổng thể, đặc biệt là phụ nữ có thai và cho con bú để cân nhắc cách dùng hiệu quả nhất. Ngoài ra, nếu dùng dài hạn thuốc có khả năng gây mất cân bằng hệ tạp khuẩn bình thường với nguy cơ khuếch tán vi khuẩn. Đặc biệt, thuốc có thể gây phản ứng tại chỗ tạm thời kiểu kích thích vùng miệng - hầu họng thì cần gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn biện pháp khắc phục.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn