Bão số 4 (tên quốc tế là Noru) với cường độ cực mạnh đã đi qua, với sự chuẩn bị kỹ càng của chính quyền và người dân, chúng ta đã không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi quay trở lại cuộc sống thường ngày, người dân rất dễ gặp những dịch bệnh sau mưa lũ. Bởi, trong và sau mưa bão, lũ lụt, nước lũ sẽ mang theo nhiều vi sinh vật, bụi, rác và chất thải tràn vào khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Phó Cục trưởng, Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết sau bão lũ, môi trường rất dễ bị ô nhiễm do xác súc vật chết, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải, đặc biệt nước từ các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, xăng dầu, nước thải từ các khu công nghiệp. Những dòng nước bẩn này có thể mang mầm bệnh, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ từ những khu vực canh tác và phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Từ những nguyên nhân trên, người dân rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.…Người ở những vùng lũ còn có thể bị nước ăn tay chân hoặc gặp chấn thương khi dọn dẹp tàn dư của bão lũ.
"Các nhóm bệnh cần lưu ý là bệnh da liễu, bệnh tiêu hóa như nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay, ngón chân, mẩn ngứa, viêm da; tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn; viêm gan virus A, E; đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn… Ngoài ra, người dân cũng rất dễ mắc các căn bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết nếu không có cách phòng ngừa", PGS Phu cho biết.
Để đảm bảo sức khỏe sau mưa bão, PGS Phu cho biết, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống. Cụ thể:
- Vệ sinh, thau rửa, khử trùng nước giếng, dụng cụ chứa nước, dùng những hóa chất để khử trùng nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Các địa phương phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
- Chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch. Ngoài ra, khi phát hiện các triệu chứng nhiễm bệnh, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có sự hướng dẫn xử lý kịp thời.
Đối với người dân vùng mưa lũ, bão lụt thì vấn đề nước sạch, nước sinh hoạt luôn là nỗi lo của họ, bởi bệnh tật chủ yếu do nguyên nhân thiếu nước sạch.
"Nếu trời mưa, người dân có thể hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu ăn. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng", PGS Phu nói.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh sau mưa bão, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra các khuyến cáo cho người dân bao gồm:
- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi đẻ trứng.
- Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.
- Thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn