Giá vàng tăng hơn 1 triệu đồng/lượng
Hôm nay, 06/01, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh mua vào – bán ra được niêm yết với mức 43,70 – 44,20 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại các địa phương khác cũng ở mức tương đương. So với cuối tuần trước, giá vàng SJC mua vào – bán ra tăng hơn 980 ngàn – 1,050 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường châu Á, giá vàng tăng thêm 20 USD lên mức 1.574 USD/ounce so với ngày chốt phiên giao dịch vào cuối tuần qua. Giá vàng tăng được các chuyên gia bình luận là ở mức cao nhất từ 6 năm qua.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng (tổ chức nghiên cứu ứng dụng quản lý kinh tế Tài chính đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam) nhận định, giá vàng tăng vào thời điểm này là do bất ổn chính trị. TS Hiển phân tích, từ đầu tháng 9/2019 đến nay, mỗi giai đoạn giá vàng tăng đều có liên quan đến vấn đề của Iran và Triều Tiên nhưng chủ yếu là liên quan đến bất ổn chính trị ở Iran.
Đầu tháng 11, giá vàng tăng mạnh cũng do những thông tin có liên quan đến Iran tác động đến giá vàng. Những ngày qua, giá vàng tăng đột biến do Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Iran đang muốn trả thù.
Như vậy, có thể kết luận, giá vàng từ tháng 9/2019 đến nay có những đợt tăng mạnh và vượt lên rất mạnh là do tình hình bất ổn ở Iran và Triều Tiên. Nói về tổng thể kinh tế thế giới, giá vàng không có cơ sở để tăng.
Thực tế thường xảy ra hiện tượng, khi giá vàng rơi xuống mức thấp thì không mua vào để đầu tư hoặc dự trữ nhưng khi giá vàng tăng cao lại có dấu hiệu đổ xô để mua vào. Hiện tượng này thuộc về tâm lý của người dân chứ thường không dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nào.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, người dân nghĩ giá vàng có thể tăng nữa nhưng về mặt vĩ mô chung của tình hình kinh tế thế giới thì giá vàng không có cơ sở để tăng quá cao. Giá vàng tăng dựa trên tác động của bất ổn chính trị mà những bất ổn này chỉ mang tính ngắn hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi tình hình chính trị ở Triều Tiên và Iran ổn định thì giá vàng quay đầu giảm là chuyện bình thường. Giá vàng tăng cao và dài hạn thường chỉ diễn ra khi kinh tế thế giới suy thoái. Đợt tăng giá vàng lần này không nằm trong nguyên nhân trên.
Tiến sĩ Hiển cảnh báo, người dân đổ xô vàng trong giai đoạn này là yếu tố tâm lý nhưng khả năng bị thua lỗ là khá lớn.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán – trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - đồng quan điểm với Tiến sĩ Đinh Thế Hiển trong yếu tố tâm lý lo ngại cuộc chiến giữa Iran với Mỹ có thể xảy ra khiến giá vàng tăng cao. Ông nhận định rằng, có thể nhà đầu cơ sẽ tận dụng những thông tin này để "bơm" ra thị trường nhiều hơn.
Cuộc chiến có xảy ra hay không thì chưa biết nhưng rõ ràng là giá vàng chắc chắn sẽ tăng. Chuyên gia Trần Nguyên Đán đưa ra ví dụ, nhà đầu cơ đang nắm trong tay 10.000 ounce thì ngay lúc này sẽ tung ra thị trường để kiếm lời sau một thời gian trữ hàng và chuyển sang danh mục đầu tư vào lĩnh vực khác.
Đến khi chiến sự không xảy ra như mong muốn, các nhà đầu cơ lại mua vàng vào với giá thấp. Mọi biến động của giá vàng là do tâm lý. Giá vàng tăng – giảm đều do sự thao túng của các nhà đầu cơ lớn dựa trên giá vàng để đẩy giá lên cực điểm.
Ông Trần Nguyên Đán còn nhận định rằng, thông tin chiến sự khiến giá vàng tăng thực chất chỉ là trò chơi của các đầu cơ lớn. Nhà đầu tư vào thị trường vàng trong nước mua vàng trong lúc này sẽ không thể tránh khỏi "cái bẫy" của các nhà đầu tư quốc tế.
Đầu tư vào thị trường vàng cần phải có chiến lược lâu hơn, ít nhất phải từ 6 tháng đến 1 năm. Những người bán vàng ở thời điểm này tức là những người đã mua vàng từ khi giá vàng còn rất thấp và chờ đợ cơ hội giá vàng sẽ tăng cao vào lúc này. Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán đúc kết vấn đề, giá vàng khác với bất động sản là vật ngang giá, có tính thanh khoản trong rổ tiền tệ thế giới nên "xập xình" lên – xuống là bình thường. Sóng tăng – giảm của giá vàng đều có sự tác động của con người chứ không phải sự điều chỉnh của thị trường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn