Chuyên gia Liên hợp quốc "sốc" trước cáo buộc vi phạm quyền phụ nữ ở dải Gaza

16:16 | 01/03/2024;
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) mới đây cho biết, cơ quan này đã nhận được thông tin rằng, phụ nữ Palestine “được cho là đã bị hành quyết một cách tùy tiện ở Gaza, thường cùng với các thành viên trong gia đình, có cả con cái của họ”.

Tuyên bố được đưa ra bởi bà Reem Alsalem, Báo cáo viên đặc biệt về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bà Francesca Albanese, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở vùng lãnh thổ Palestine. Cùng với họ là các thành viên của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về nạn phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái: Dorothy Estrada Tanck (Chủ tịch), Claudia Flores, Ivana Krstic, Haina Lu và Laura Nyirinkindi. Họ làm việc trên cơ sở tự nguyện và độc lập, không phải là nhân viên của Liên hợp quốc và không nhận tiền công.

Các chuyên gia của LHQ cho biết họ bị sốc trước các báo cáo về việc cố ý nhắm mục tiêu và giết hại phụ nữ, trẻ em Palestine một cách phi pháp. Điều đáng nói là những phụ nữ và trẻ em gái này bị giết hại tại nơi họ ẩn náu hoặc khi đang chạy trốn. Một số người trong số họ được cho là đã cầm những mảnh vải trắng (cách mà họ thể hiện mình không phải mối đe dọa) nhưng vẫn bị giết.

Chuyên gia Liên hợp quốc "sốc" trước cáo buộc vi phạm quyền phụ nữ ở dải Gaza- Ảnh 1.

Francesca Albanese, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở vùng lãnh thổ Palestine

Theo OHCHR, nhiều người đã bị đối xử tồi tệ, không được cung cấp băng vệ sinh, thực phẩm và thuốc men. Họ cũng bị đánh đập dã man. Những phụ nữ Palestine bị giam giữ ở Gaza được cho là đã ít nhất một lần bị nhốt trong lồng dưới trời mưa và lạnh giá, không có thức ăn. "Chúng tôi đặc biệt đau buồn trước những báo cáo cho biết phụ nữ và trẻ em gái Palestine bị giam giữ cũng bị tấn công tình dục, chẳng hạn như bị các nam sĩ quan quân đội Israel lột trần và khám xét. Các chuyên gia cho biết, ít nhất 2 nữ tù nhân người Palestine đã bị cưỡng hiếp trong khi những người khác được cho là bị đe dọa cưỡng hiếp và bạo lực tình dục", OHCHR cho biết.

Các chuyên gia của LHQ cho biết, nhiều phụ nữ và trẻ em Palestine, bao gồm cả các bé gái, đã mất tích. Có báo cáo đáng lo ngại về việc ít nhất một bé gái sơ sinh bị quân đội Israel ép chuyển sang Israel và những đứa trẻ khác bị tách khỏi cha mẹ mà chưa xác định được tung tích. Nhóm chuyên gia của LHQ cũng yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập, khách quan, nhanh chóng, kỹ lưỡng và hiệu quả đối với các cáo buộc và yêu cầu Israel hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào. "Những hành vi bị cáo buộc này có thể cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và Luật nhân đạo quốc tế, đồng thời cấu thành tội phạm nghiêm trọng theo luật hình sự quốc tế và có thể bị truy tố theo Quy chế Rome", theo OHCHR.

Chuyên gia Liên hợp quốc "sốc" trước cáo buộc vi phạm quyền phụ nữ ở dải Gaza- Ảnh 2.

Reem Alsalem, Báo cáo viên đặc biệt về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Quy chế Rome là hiệp ước tháng 7/1998 thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), chuyên điều tra và xét xử các cá nhân bị buộc tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tuần qua cho biết, cuộc tấn công của Israel ở thành phố Rafah thuộc Gaza sẽ "làm tăng theo cấp số nhân những gì vốn đã là một cơn ác mộng nhân đạo". ICJ cũng đang điều tra các cáo buộc rằng quân đội Israel đang thực hiện tội ác diệt chủng người Palestine ở Gaza, do Nam Phi khởi kiện vào tháng trước.

Theo số liệu của cơ quan y tế địa phương, xung đột tại dải Gaza đã khiến 29.092 người Palestine thiệt mạng và 69.028 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Khoảng 70.000 người khác đã bị thương. Hầu hết người dân ở vùng lãnh thổ đã bị mất nhà cửa và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm.

Còn theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có hơn 12.000 trẻ em đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Gaza. Khoảng 500.000 trẻ em đã cần được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở Gaza trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Đến nay, ước tính con số này đã tăng gấp đôi, lên hơn 1 triệu trẻ em. UNICEF ước tính rằng, ít nhất 17.000 trẻ ở dải Gaza không có người đi cùng hoặc bị tách khỏi người thân kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ngày 7/10/2023. Khoảng 40% người dân ở Gaza đã bị mất thẻ căn cước và các giấy tờ tùy thân khác, khiến việc xác định danh tính những đứa trẻ không có người đi cùng và để chúng đoàn tụ với gia đình trở nên khó khăn hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn