Chuyên gia: Luật Thủ đô sẽ là cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị

21:17 | 05/06/2024;
Cơ sở pháp lý hoàn thiện sẽ thúc đẩy quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, là nền móng hướng đến mục tiêu phát triển Hà Nội hiện đại, văn minh, tươi đẹp. Luật Thủ đô nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà quản lý, các chuyên gia và người dân.

Luật được quan tâm bởi sẽ là hiện tại và tương lai của người dân Hà Nội

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có nhiều điểm mới, đưa ra những cơ chế để Hà Nội có thể phát triển. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra mục tiêu Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nghị quyết số 30-NQ/TƯ đặt ra nhiệm vụ và mục tiêu hướng tới là “phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước".

Trong dự thảo Luật Thủ đô được lấy ý kiến, các nội dung tại các Điều 19, 20 liên quan đến quy hoạch phát triển Thủ đô, Điều 21 - Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, Điều 22 - Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Các vấn đề, nội dung về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, quản lý phát triển đất đai, nhà ở, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng... đều nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân Thủ đô. 

Chuyên gia: Luật Thủ đô sẽ là cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị- Ảnh 1.

Luật Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của người dân, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đời sống, dân sinh, đất đai, nhà ở. Ảnh minh họa

Trong ngày 28/5/2024 vừa qua, khi Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô, một nhóm các cán bộ hưu trí tại khu tập thể Nam Đồng (Q.Đống Đa, Hà Nội) đã quyết định nghỉ sớm buổi tập thể dục  thường lệ, để theo dõi phiên họp được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Cô Phạm Kim Yến - cán bộ từng công tác trong ngành Y tế - chia sẻ: "Luật Thủ đô là những vấn đề liên quan thiết thực, sát sườn đến đời sống của người dân, là những vấn đề thấy ngay trước mắt và tương lai lâu dài. Chúng ta ai cũng mong ước về một Hà Nội văn minh, hiện đại, người dân có môi trường sống tốt, trong lành, bớt ô nhiễm. Hiện tại thì các con các cháu thi vào lớp 10 áp lực lớn quá, đấy là vấn đề về giáo dục, về quy hoạch. Vấn đề cải tạo tập thể cũng cũng rất được quan tâm. Chúng tôi cũng thảo luận rôm ra về luật, về các vấn đề của Thủ đô trong cuộc họp tổ hưu trí". 

Cơ sở pháp lý hoàn thiện sẽ thúc đẩy quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị

Một trong những điểm mấu chốt, được kỳ vọng là Luật Thủ đô sẽ là một "cú hích" trong quá trình thúc đẩy việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, trong đó có cải tạo nhà tập thể cũ. Việc cải tạo nhà tập thể cũ đã được UBND TP Hà Nội xúc tiến đẩy mạnh thực hiện từ đầu năm nay. Một trong những khó khăn đã được chỉ ra cho việc chậm cải tạo là vẫn còn thiếu những cơ sở pháp lý cho quá trình quy hoạch cải tạo.

Về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội - cho biết ý kiến: "Về các vấn đề quy hoạch tại Hà Nội, trong đó có các quy hoạch cải tạo các khu tập thể cũ, chúng ta lại đang làm ngược quy trình. Hiện tại, các quy hoạch tại Hà Nội vẫn tuân theo quyết định 1259/QĐ-Ttg được ban hành vào năm 2011. Quyết định này đã có từ lâu, hiện tại của Thủ đô đã thay đổi nhiều và chúng ta cần những quyết định mới.

Theo đúng quy định, các quy hoạch chi tiết phải tuân thủ theo quy hoạch chung, trong khi quy hoạch chung của chúng ta thì vẫn đang xem xét điều chỉnh, chưa có được quy hoạch chung tổng thể mới chính thức được phê duyệt, là cơ sở pháp lý để tuân thủ theo. Chính bởi vậy, về phía các nhà chuyên môn, chúng ta phải đợi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Nội, rồi trên cơ sở đó xây dựng các quy hoạch chi tiết và cụ thể, cho nhiều hạng mục chỉnh trang đô thị, trong đó có xây dựng, cải tạo nhà tập thể cũ".

Chuyên gia: Luật Thủ đô sẽ là cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị- Ảnh 2.

Cần có cơ sở pháp lý đề từ đó hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy cải tạo đô thị. Ảnh minh họa

Ý kiến về "ngược quy trình" của cựu kiến trúc sư trưởng thành phố Đào Ngọc Nghiêm được một nhà quản lý cấp quận tán đồng. Vị cán bộ (xin giấu tên) này chia sẻ quan điểm: "Đúng là chúng ta đang làm hơi ngược quy trình. Để thúc đẩy việc cải tạo tập thể, chúng ta lại làm trước các quy hoạch cụ thể cho từng khu vực nhỏ, quy hoạch được xây dựng trên nền các nhà tập thể cũ đang cần xúc tiến cải tạo. Chúng ta cần có quy hoạch chung tổng thể trước, rồi mới tiến hành quy hoạch ở các khu vực cụ thể. Hiện tại, vấn đề đặt ra là quy mô dân số trên thực tế ở từng khu vực hiện đều vượt quá chỉ tiêu quy hoạch. Quy hoạch là phải đi trước, có tầm nhìn dài hạn, khi chưa có những cơ sở pháp lý hoàn thiện, đề từ đó có quy hoạch tổng thể chung mà lại đưa ra những quy hoạch ở các khu vực nhỏ là rất chắp vá, lãng phí công sức".

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Thành cho biết: "Với việc thực hiện cải tạo tập thể cũ, việc lập quy hoạch cải tạo chi tiết lẫn cả thương lượng giải phóng mặt bằng bằng trước đây đều do chủ đầu tư thực hiện. Hiện nay, việc lập quy hoạch đã được chuyển sang cho cơ quan quản lý, cấp quận là đơn vị lo về việc lập quy hoạch này. Việc đồ án quy hoạch chi tiết và thông tin phương án cải tạo, chỉnh trang đô thị phải được công bố công khai tại khu vực dự án cải tạo, chỉnh trang và trên các phương tiện thông tin đại chúng thì trên thực tế chúng ta đã thực hiện rồi. 

Trong việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tạo ra những cơ chế riêng, cơ chế đột phá cho phát triển Hà Nội. Tôi ủng hộ những quy định như việc người dân có thể tự đề xuất việc cải tạo,  đề án cải tạo sẽ được phê duyệt nếu có từ 75% số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tương đương với diện tích khu vực cải tạo, chỉnh trang từ 75% trở lên đồng thuận. Trong thực hiện các đề án cải tạo xây dựng, luôn khó có thể đạt được sự đồng thuận 100% nhưng với con số đa số người dân ủng hộ thì đề án được phê duyệt là phù hợp với thực tế. Sau khi được phê duyệt, chính quyền, nhà đầu tư và người dân sẽ cùng có những phương án vận động, thương lượng, thỏa thuận để xúc tiến thực hiện, đó là điều hợp lý với thực tế cuộc sống".

Các chuyên gia, nhà quản lý, người dân có những góc nhìn, các tiếp cận khác nhau nhưng đều chung quan điểm rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn