Chuyên gia lý giải về viêm cơ tim và vì sao ngày càng có nhiều bệnh lạ

09:00 | 31/10/2019;
Thông tin Hà Nội vừa có 2 ca bệnh tử vong do bị viêm cơ tim khiến dư luận lo lắng. PNVN đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Thưa GS, y học đã phát hiện loại virus nào gây bệnh viêm cơ tim chưa?

GS.TS. Nguyễn Văn Kính: Không có loại virus nào chỉ gây viêm cơ tim. Viêm cơ tim do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có virus. Trong số các virus thì nhiều loại virus có thể dẫn đến biến chứng viêm cơ tim, song với tỉ lệ rất thấp. Biểu hiện viêm cơ tim thường gặp sau hội chứng sốc nhiễm độc khuẩn hoặc nhiễm trùng huyết có suy đa phủ tạng. Tuy nhiên, do nhiều người chủ quan nên khi mắc bệnh, đến BV khám chữa bệnh muộn, khi bệnh đã có biến chứng nên rất khó chữa.

Các virus gây viêm cơ tim có lây truyền từ người này sang người khác hay không? Làm sao để ngăn chặn nguy cơ nhiễm loại virus nguy hiểm này?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Như tôi đã nói ở trên, viêm cơ tim là một biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau do nhiễm trùng, do nhiễm độc, do bệnh lý tim mạch, do miễn dịch, do ung thư... Vì vậy, những bệnh có nguy cơ gây viêm cơ tim rất nhiều, trong đó có một số bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là lây qua đường hô hấp như bệnh bạch hầu, bệnh cúm... hoặc lây qua đường tiêu hoá như bệnh thương hàn, các vi khuẩn gram âm.

 

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ

Những biểu hiện của bệnh này có nhầm lẫn với các bệnh khác không? Làm thế nào để phân biệt được và khi nào cần phải đi viện?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Để xác định có viêm cơ tim hay không thì cần phải làm điện tâm đồ, xác định các căn nguyên dựa vào các xét nghiệm. Trên lâm sàng, thầy thuốc phần nhiều chỉ nghe thấy tim mờ và nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, khi sốt nhịp tim cũng nhanh, cứ sốt 1 độ thì nhịp tim tăng lên trên 10 nhịp. Vì vậy, muốn phân biệt được cần phải đến cơ sở y tế có phương tiện xét nghiệm để khẳng định căn nguyên.

Trên thực tế, một số trường hợp mắc viêm cơ tim có thể diễn biến rất nhanh và nặng do suy tim cấp và rối loạn nhịp trầm trọng. Những trường hợp này ngay cả khi đang nằm trong viện cũng có thể diễn biến xấu và tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, cần phải nói rằng những trường hợp trên thường hiếm gặp. 

Khi bị nhiễm virus có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tim nhanh... thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện sớm. Bệnh viêm cơ tim không có biện pháp điều trị đặc hiệu mà điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây ra viêm cơ tim.  Tuy nhiên, hiện nay với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc chẩn đoán các trường hợp bị viêm cơ tim trở nên dễ dàng hơn và việc điều trị cũng có hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ tuần hoàn và các biện pháp hồi sức cấp cứu hiệu quả. 

 Hà Nội đang bước vào giai đoạn chuyển mùa. Liệu có gia tăng bệnh viêm cơ tim trong giai đoạn này không?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Thông thường, vào mùa thu đông, chúng ta dễ mắc các bệnh lây qua đường hô hấp hoặc lây qua đường ăn uống, như cúm, tay chân miệng, Adeno virus... Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, cần tiêm phòng với những bệnh có vaccine. Luôn bảo vệ đường hô hấp của mình bằng cách giữ ấm đường hô hấp. Khi có biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

 

Ảnh minh họa

 

Người dân sống tại khu vực có người tử vong do viêm cơ tim có cần đeo khẩu trang để phòng bệnh không?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Trước hết, cần xác định trường hợp ở khu vực đó tử vong có chính xác là do viêm cơ tim hay không và nếu có thì nguyên nhân là gì. Vì giả sử bệnh nhân có bị viêm cơ tử vong do một nguyên nhân nào đó được xác định như virus thì đây cũng chỉ là biến chứng hy hữu. Như đã nói ở trên, không có dịch viêm cơ tim. Do vậy, người dân cần phòng các bệnh lây nhiễm nói chung như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng… theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Vì sao ngày nay nhiều "bệnh lạ"? Phải chăng sự thay đổi của môi trường sống, sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu nhiều khiến virus, vi khuẩn ngày càng biến đổi mạnh hơn, tấn công, gây bệnh cho con người?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Đúng vậy. Việc ngày càng có nhiều bệnh lạ, virus lạ mà phần lớn liên quan đến biến đổi môi trường. Vì vậy, người dân cần chung tay bảo vệ môi trường sống, thực hiện các hành vi an toàn cho sức khoẻ. Mỗi nhà, cộng đồng dân cư, toàn thế giới đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.

Xin cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Kính! 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn