Chuyên gia mách cha mẹ 3 cách để bị từ chối mà con vẫn vui

07:20 | 01/11/2018;
Dặn lòng, không bao giờ đáp ứng những đòi hỏi vô lý của con gái 10 tuổi, thế nhưng, chỉ cần con năn nỉ, ỉ ôi vài câu, chị Hoàng Minh An (Mỹ Đình, Hà Nội) lại không “cầm lòng” được. Chị không biết rằng, không biết từ chối cũng chính là đang hại con.
nuong-chieu.jpg
Chỉ cần con năn nỉ, ỉ ôi là nhiều bố mẹ lại đáp ứng đòi hỏi của con - Ảnh minh họa

 

Không biết bao nhiêu lần chị Minh An nói với con: Đây là lần cuối cùng mẹ mua cho con thứ này, lần sau con không được đòi mẹ nữa. Thế nhưng, chỉ cần con “dài giọng” nũng nịu, nịnh nọt, năn nỉ, chị lại rút ví mua cho con.

“Bắt thóp” được mẹ, nên con gái chị Minh An luôn có “kế” để mẹ đáp ứng những đòi hỏi của mình. Bé thường xuyên đòi mẹ mua quà đến lớp chia cho các bạn, mua đồ chơi đắt tiền, mua giày, mua váy “sành điệu”…

"Tôi cũng biết, không từ chối con thì sau này dễ bị con “điều khiển”, hơn nữa, sự đòi hỏi của con sẽ không có giới hạn khi hầu hết mọi yêu cầu của con đều được đáp ứng, sau này con dễ đua đòi", chị Minh An chia sẻ.

tu-choi-2.jpg
Cha mẹ cần biết từ chối con nếu không muốn hại con - Ảnh minh họa

Theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ phải biết cách từ chối con vì nếu không sẽ “biến” con thành đứa trẻ yếu đuối, sống đòi hỏi cao, thiếu bản lĩnh, thiếu tự lập, dễ phá phách, gây gổ… Cha mẹ có thể từ chối con hiệu quả theo 3 cách sau:

Học cách từ chối con dần dần: Từ chối ngay từ việc đòi bế bồng cho đến đòi mua đồ, đòi đưa đón, đòi làm giúp,... Các mẹ luôn sợ con thiệt, luôn sợ con bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu các mẹ cứ liên tục đáp ứng mọi yêu cầu của con thì chính các mẹ đã làm con yếu đuối đi, sống đòi hỏi cao, phụ thuộc vào hoàn cảnh.


Người bản lĩnh là người phải luôn vượt qua mọi điều kiện để sống tốt và làm việc tốt. Nếu con các mẹ mà yếu đuối đến độ không có điều hòa thì không ngủ được, bố mẹ không đưa đi học thì nghỉ ở nhà, không có Ipad thì không học được bài... thì các con sẽ sống sao sau khi ra đời?


Nói không xa, chỉ vài năm nữa, các con sẽ đi du học, các con ở tỉnh lên Hà Nội học hoặc đi làm. Đến lúc đó, các con đòi điều kiện tốt mới sống được thì các mẹ tính sao? Nếu con ở xa, thấy thèm mua đồ, sống kiểu "ăn miếng trả tiền" hoặc làm gái bao, trai bao để có tiền, các bố mẹ có sợ không?


Hoặc giả như chúng không làm nếu điều kiện không tốt. Chúng đòi phải có xe máy, ô tô mới đi làm, phải có tiền rủng rỉnh để đãi bạn bè,... thì các bố mẹ có chịu nổi không?

daycontrai.jpg

Cha mẹ chỉ đáp ứng nhu cầu, không đáp ứng mong muốn của con. Ảnh minh họa
Từ chối triệt để: Khi đã xác định được nhu cầu cấp thiết, các bố mẹ chỉ đáp ứng nhu cầu mà không đáp ứng mong muốn.

 
Ngoài ra, nhu cầu cũng ở mức độ vừa phải chứ không đáp ứng đến mức tuyệt đối. Ví dụ: Con học cấp 2 có thể đi học bằng xe bus thì mọi buổi học đều nên để con tự tìm đường đi bằng xe bus. Cứ kiểu học chính thì đi xe bus, học thêm bố mẹ lại lóc cóc đưa đi thì con sẽ hiểu rằng bố mẹ phải có trách nhiệm đưa con đi học và nếu không đưa thì con không thèm đi học nữa.


Con tự tìm đường đi, tự lên xe và đến lớp sẽ dần dần chủ động hơn trong mọi việc và tự lập tốt hơn.


Khi đã từ chối, đừng để bị con thuyết phục mà thay đổi, chiều theo con: Con sẽ dần dần biết cách để đòi cho bằng được. Khi đó, con sẽ không biết điểm dừng mà liên tục đòi hỏi cho đến kì được. Mọi chuyện ăn vạ, dỗi, phá phách, gây gổ cũng từ đây mà ra. Khi đó, con sẽ không hiểu bố mẹ tại sao tồi tệ đến thế. Còn bố mẹ thì cũng không biết sao con lại hư đến thế. 


Chính vì thế, đã từ chối thì “trời long đất lở” bố mẹ cũng không thay lòng nhé. Các bố mẹ cương quyết vài lần là thành thói quen và con cũng hiểu biết hơn.


TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, đừng để các con nghĩ điều khiển bố mẹ rất dễ dàng. Các con cần có điểm dừng của mọi yêu cầu, đòi hỏi. Các con cũng cần thích nghi với mọi hoàn cảnh. Con người có khả năng thích nghi rất tốt. Đừng để con thui chột hết khả năng thích nghi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn