Chuyên gia ‘mách nước’ cách nhận biết trẻ khiếm thính

05:00 | 13/07/2016;
Việc phát hiện mất thính lực muộn (từ 2-3 tuổi), có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường, thậm chí bị điếc vĩnh viễn.
Mất thính lực là khi trẻ mất khả năng nghe một tai hoặc hai tai từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Nhiều nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có đến 3-4 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh. Đặc biệt, đối với trẻ có nguy cơ cao như: Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân; trẻ bị dị dạng ở đầu, tai, mặt; trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não; trẻ bị vàng da nặng phải truyền máu; mẹ bị nhiễm một số siêu vi khuẩn trong thời kỳ mang thai (như bị rubella, cúm, sởi…); trong gia đình trẻ có người bị giảm thính lực… thì nguy cơ giảm thính lực ở trẻ sẽ cao hơn 4-5 lần.

Việc sàng lọc thính lực ở trẻ sơ sinh được thực hiện càng sớm càng tốt. Khoảng 'thời gian vàng' để kiểm tra thính lực cho trẻ là trước 6 tháng tuổi, bởi trẻ bị giảm thính lực nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ có khả năng hồi phục, có thể nghe, nói và phát triển như trẻ bình thường.
thinh-luc.jpg
Giảm thính lực được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có thể nghe, nói bình thường
Theo PGS.TS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai, để nhận biết bệnh khiếm thính ở trẻ nhỏ, gia đình có thể quan sát những dấu hiệu sau:
  • Trẻ sơ sinh: Dựa trên phản xạ nghe, cử động của trẻ. Bình thường trẻ chớp mắt, cử động chân tay, khóc, hoặc giật mình khi có tiếng động. Trẻ bị khiếm thính sẽ không có các đáp ứng trên.
  • Trẻ vài tháng đến 1 tuổi: Độ tuổi này, trẻ đã biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... trẻ sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc. Trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này.
  • Trẻ từ 1- 3 tuổi: Trẻ đã biết nói theo, nói được các từ thông thường như bà, mẹ, ăn... Nếu khiếm thính, trẻ biểu hiện chậm nói, nói ngọng, hay không nói được. Trẻ không phản ứng khi người lớn hỏi, gọi hoặc chỉ đáp ứng trước các âm thanh có cường độ lớn.
  • Trẻ trên 3 tuổi: Các dấu hiệu như trên ngày càng rõ rệt như nói quá ngọng, chỉ nói được một số phụ âm hay nguyên âm nào đó.
  • Trẻ ở lứa tuổi học đường: Trẻ nghe kém, tiếp thu bài chậm, học kém so với các bạn cùng lớp, không tập trung, dễ cáu, không muốn tiếp xúc, trò chuyện, không muốn tham gia các hoạt động tập thể ...
Đáng lưu ý, do nhìn bề ngoài trẻ sơ sinh, sẽ không thể biết được trẻ có bị giảm thính lực hay không, hoặc cũng có trẻ trong thời gian mới sinh không bộc lộ rõ những phản xạ đó, khi lớn lên thấy con mình chậm chạp so với các bạn đồng lứa, cha mẹ cho con đi khám thì đã lỡ cơ hội điều trị. Vì vậy, tốt nhất ngay khi trẻ sinh ra, gia đình nên cho trẻ kiểm tra thính lực để có thể sớm phát hiện tình trạng giảm thính lực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn