Chuyên gia Mỹ: Phòng tránh bệnh vi khuẩn ăn mòn cơ thể không quá khó

16:00 | 18/09/2019;
Bệnh Whitmore được mệnh danh là “người bắt chước vĩ đại” do không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu. Hơn nữa, các triệu chứng lâm sàng thường rất giống với các bệnh khác như bệnh lao phổi, bệnh cúm, sốt nên nhiều trường hợp đã không phát hiện bệnh này sớm mà nhầm lẫn với các bệnh khác.

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại Việt Nam đang rất lo lắng khi một số BV phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn mòn cơ thể). Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cho biết, vi khuẩn gây bệnh Whitmore là B. pseudomalleis. Vi khuẩn này có thể gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bởi vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại chúng một cách hữu hiệu.

 

Vi khuẩn này đã được trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC – Centers for Disease Control and Prevention) liệt kê vào đối tượng có nguy cơ sử dụng như khủng bố sinh học (Bioterrorism) vì tính nguy hiểm của chúng. Theo số liệu thống kê CDC cho biết, người nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei nếu không được điều trị, cứ 10 người thì có tới 9 người chết. Trong khi đó, những người được điều trị đúng kháng sinh, thì 4/10 người tử vong. Còn nếu được chăm sóc tích cực thì tỷ lệ tử vong giảm còn 2/10 trường hợp.

 

vi_khuan_whitmore.jpg
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore

 

T.S Vũ cũng cho biết, bệnh Whitmore thường xảy ra ở miền bắc Australia, Papua New Guinea, Đông Nam Á, ở hầu hết các tiểu lục địa Ấn Độ và ở miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh Whitmore là do hít phải bụi bẩn, giọt nước hoặc uống phải nước bị ô nhiễm chứa vi khuẩn này và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm chứa vi khuẩn, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da. Việc lây nhiễm giữa người với người rất khó xảy ra trong quan hệ thường ngày, chỉ có thể xảy ra qua quan hệ tình dục, hoặc sử dụng chung kim chích.

 

Theo TS. Vũ, bệnh Whitmore  được mệnh danh là “người bắt chước vĩ đại” do không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu. Hơn nữa, các triệu chứng lâm sàng thường rất giống với các bệnh khác như bệnh lao phổi, bệnh cúm, sốt nên nhiều trường hợp đã không phát hiện bệnh này sớm mà nhầm lẫn với các bệnh khác.

 

Thời gian ủ bệnh Whitmore thường từ 1 đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng cục bộ, bệnh nhân có biểu hiện đau hoặc sưng cục bộ; sốt, loét, áp xe. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi, sẽ có biểu hiện ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn. Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng máu có biểu hiện sốt, đau đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp.

 

Trường hợp bị bệnh whitmore, bệnh nhân phải điều trị kháng sinh kéo dài, thường bao gồm 10 đến 14 ngày dùng ceftazidime, meropenem hoặc dùng imipenem trong 3-6 tháng. Trong quá trình điều trị, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng nghiêm trọng.

 

Do vi khuẩn có khả năng tồn tại trong tế bào nên khả năng bệnh tái phát sau một khoảng thời gian sau điều trị là có thể xảy ra. Tỷ lệ tái phát của bệnh là từ 5% đến 25% trường hợp.

 

Hiện nay, chưa có vaccine để chủng ngừa cho bệnh này. Tuy nhiên, việc phòng tránh không quá khó khăn, mọi người chỉ cần cẩn thận là có thể an toàn. Nếu bị nhiễm thì cần được điều trị đúng cách và phải theo suốt quá trình điều trị, không được bỏ ngang. Ngoài ra, người dân trong vùng nhiễm nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước tù. Trường hợp phải tiếp xúc với đất và nước nên sử dụng ủng cao su, găng tay cao su để tránh tiếp xúc trực tiếp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn