Bên cạnh kiến thức chuyên môn, điều làm nên thành công của dân công sở chính là những kỹ năng mềm. Người khôn khéo sử dụng những kỹ năng mềm một cách thuần thục để bù đắp và những khuyết thiếu mà bản thân mình chưa kịp trau dồi, qua đó làm chủ công việc cũng như mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp và đối tác.
Và một trong những kỹ năng mềm tối quan trọng, được dân công sở sử dụng từng giây, từng phút trong công việc, nhiều phen “cứu thua” trong những tình huống ngặt nghèo đó chính là giao tiếp. Biết cách giao tiếp, những giây phút khó khăn dường như trở nên nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Không biết cách giao tiếp, những tình huống tưởng chừng như chẳng có gì quá nghiêm trọng lại trở nên cực kỳ khó xử lý.
Bàn về câu chuyện giao tiếp, vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đã có dịp đăng tải một bài viết, chia sẻ về 7 cách tiếp cận của người giao tiếp giỏi. Cụ thể, chị viết:
Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người lãnh đạo. Không có lãnh đạo giỏi nhưng lại giao tiếp tồi. Người giao tiếp tốt truyền cảm hứng cho người khác, xây dựng những kết nối thật sự, nhiều cảm xúc, và rất cá nhân.
Họ làm được điều này nhờ vào sự thông hiểu người khác, nhờ khả năng nói những điều người khác muốn nghe, theo cách diễn đạt mà người nghe tiếp thu dễ nhất. Hôm nay, chia sẻ với các bạn 7 cách tiếp cận giúp bạn trở thành người giao tiếp tốt, hỗ trợ cho bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Người lãnh đạo thường hay phải nói chuyện trước đám đông. Tuy nhiên, cho dù là đám đông lớn hay nhóm nhỏ, người giao tiếp giỏi luôn làm cho từng người trong nhóm, trong đám đông đó cảm thấy như đang được nói chuyện riêng.
Cách tiếp cận là bạn đừng bị đám đông làm sao nhãng. Cứ nói chuyện như đang nói với một cá nhân. Giữ cho cảm xúc của mình thật, diễn tả những cảm xúc khác nhau của riêng mình khi đối thoại, giữ năng lượng và sự quan tâm như khi đối thoại với một cá nhân.
Người giao tiếp giỏi đọc được khán giả của mình, dù là đám đông hay cá nhân. Vì đọc được đám đông nên họ có thể đến phút cuối vẫn thay đổi bài nói hay cách nói khi bắt đầu tương tác với khán giả.
Vấn đề không phải là bạn cần phải nói gì. Vấn đề là bạn cần tương tác với đám đông và chia sẻ những điều mà đám đông đó quan tâm. Khi nhận được những câu hỏi hay, bạn biết rằng bài chia sẻ của mình đã chạm vào khán giả.
Sai lầm lớn nhất của người lãnh đạo là tạo ra giao tiếp một chiều. Khi giao tiếp, ta cần cho người khác cơ hội được nói ra những gì mình suy nghĩ. Nghe không phải là nghe từ nghe chữ. Nghe là nghe giọng nói, âm điệu, tốc độ nói. Hỏi mình người đối diện đang cố gắng nói điều gì, có gì họ muốn nhưng chưa nói được không, có ý gì lồng vào lời nói nhưng không diễn tả thẳng ra không.
Khi có ai đó nói chuyện với mình, hãy ngưng tất cả mọi hoạt động khác và tập trung lắng nghe họ nói. Chỉ có khi tâm trí ta ở trong hiện tại, tập trung lắng nghe, ta mới thật sự hấp thụ hết được những gì người khác nói. Đừng để cho tiếng ồn, sự mất tập trung vì điện thoại, email làm ta sao nhãng.
Maya Angelou từng nói “Người khác sẽ quên những gì bạn nói, nhưng họ sẽ luôn nhớ cảm xúc mà bạn tạo ra”. Dù bạn nói gì, chia sẻ nội dung gì, nếu khán giả không có cảm xúc thì những gì bạn nói cũng như là nước đổ lá môn.
Muốn kết nối cảm xúc với người khác, bạn cần minh bạch, thả cho cảm xúc rất người của bạn dâng lên, cho người khác cảm được điều gì đã thúc đẩy bạn, điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn, điều gì bạn luôn đau đáu, luôn đam mê, điều gì làm cho trái tin bạn hát.
Người có quyền uy thường làm người khác sợ, không dám nói lên suy nghĩ thật của mình. Do đó, người lãnh đạo cần phải học cách hiểu những thông điệp không lời nằm trong ngôn ngữ hình thể của người đối diện.
Không chỉ nghe những gì người khác nói. Hãy quan sát cử chỉ, tâm trạng, điệu bộ của họ khi nói. Khi chú ý đến những điều không nói, kết hợp với những điều được nói, bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn thông điệp của người đối diện.
Khi cần trình bày một điều gì, bao giờ sự chuẩn bị trước về nội dung và cách trình bày cũng giúp bạn giao tiếp tốt nhất. Có điều, đừng bao giờ viết bài diễn văn rồi đứng đọc. Chỉ cần viết ra những ý chính, những thông điệp chính. Còn việc trình bày thế nào thì hiệu chỉnh tùy vào tâm trạng và sự sẵn sàng của đám đông, của đối tượng khi bạn bắt đầu tương tác.
Lắng nghe tích cực là một kỹ năng quan trọng để hiểu đúng, hiểu rõ thông điệp của người khác. Để luyện tập lắng nghe tích cực, các bạn lưu ý:
- Dành thời gian lắng nghe nhiều hơn nói
- Đừng trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác
- Đừng kết thúc câu nói của người khác giùm người khác
- Tập trung vào người đối diện. Đừng tập trung vào bản thân
- Tập trung nghe điều người khác đang nói. Đừng nghĩ về những điều họ muốn
- Lặp lại điều người khác nói bằng một cách diễn giải khác để chắc chắn là bạn đang hiểu đúng
- Lắng nghe xong rồi mới nghĩ về điều mình cần phản hồi. Đừng suy nghĩ cách trả lời khi người ta đang nói
- Hỏi thật nhiều
- Đừng bao giờ cắt ngang
- Đừng ghi chú khi người khác đang chuyển tải xúc cảm
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn