Số liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy, 27,7% cặp vợ chồng ly hôn do mâu thuẫn về lối sống; 25,9% đến từ ngoại tình; yếu tố kinh tế chiếm 13%; bạo lực gia đình chiếm 6,7%; sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những vấn đề này dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.
Các chuyên gia cho rằng, bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng gia đình nên các cặp vợ chồng chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe, cách ứng xử. Nhiều người do quá đề cao cái tôi, ít quan tâm đến đối phương nên dẫn đến dễ nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Từ thực trạng tại địa phương (có tới 82% số vụ ly hôn trong năm 2022-2023 là do mâu thuẫn gia đình), ông Nguyễn Đình Triết, Phó Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ly hôn trong giới trẻ ngày càng tăng là do thiếu sự chuẩn bị tâm lý, cũng như chưa được trang bị kiến thức tiền hôn nhân, các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống vợ chồng.
Nhiều cặp đôi yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, khi bắt đầu cuộc sống gia đình, xảy ra khó khăn, mâu thuẫn, họ không biết cách giải quyết, dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Có cặp đôi lấy nhau và sinh con khi chưa có nghề nghiệp ổn định, kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến hụt hẫng, bất mãn, mâu thuẫn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn.
Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, kinh tế khá giả nhưng vợ chồng lại mải mê với công việc, thiếu quan tâm đến nhau nên tình cảm dần phai nhạt, rồi sinh ra nghi kị, ghen tuông, phát sinh mâu thuẫn cũng dẫn đến ly hôn.
Nhằm phân tích quy mô, xu hướng, đặc điểm ly hôn ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đã dành nhiều năm nghiên cứu đề tài và hoàn thành cuốn sách "Ly hôn ở Việt Nam hiện nay: Tính cá nhân, giá trị gia đình và bản sắc văn hóa" (nghiên cứu trường hợp Tây Nam bộ), được xuất bản năm 2023.
Qua nghiên cứu của mình, PGS.TS Trần Thị Minh Thi chỉ ra một số xu hướng liên quan đến ly hôn hiện nay: Người kết hôn sớm dễ ly hôn; tuổi kết hôn trung bình của nhóm ly hôn so với tuổi kết hôn trung bình của người dân sớm hơn từ 2,2 đến 3,5 năm; phụ nữ ly hôn ở độ tuổi trẻ hơn nam giới; người ở nông thôn ly hôn ở độ tuổi trẻ hơn so với thành thị...
Nếu ở các thế hệ trước, quan niệm ly hôn là một điều gì đó khủng khiếp, chỉ có "đàn ông bỏ vợ chứ không có đàn bà bỏ chồng" thì nay, phụ nữ đã chủ động hơn trong việc ra quyết định về hạnh phúc và hôn nhân.
Bởi vậy, khi kết hôn nhưng không hạnh phúc, người phụ nữ sẵn sàng chia tay để có cơ hội sống hạnh phúc hơn. Điều này lý giải vì sao có đến 70% đơn ly hôn là do phụ nữ đứng tên.
Cốt lõi để xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững phụ thuộc vào ý thức của người trong cuộc. Trong đời sống vợ chồng, khi xảy ra xung đột, nếu cả hai đều đề cao cái tôi cá nhân, không chịu "xuống thang", ngồi lại cùng nhau phân tích, tìm nguyên nhân, chỉ ra hạn chế, tồn tại để tìm tiếng nói chung vun đắp gia đình thì ly hôn chỉ là chuyện sớm muộn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn