Mong muốn sang nước ngoài làm việc để kiếm được nhiều tiền, ‘đổi đời’ cho mình và gia đình, nhiều người lao động đã tin theo những lời dụ dỗ, hứa hẹn sẽ có một công việc như mong muốn của các tổ chức môi giới, đường dây ‘cò mồi’ xuất khẩu lao động….
Dù tự nguyện hay bị ép buộc tham gia vào những chuyến đi bất hợp pháp, để sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Canada… để tìm kiếm việc làm, người lao động cũng phải đối diện với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu có ý định ra nước ngoài làm việc, tìm kiếm cơ hội đổi đời, bạn cần tham khảo 10 điều lưu ý dưới đây của chuyên gia Nguyễn Mạnh Dũng (Trưởng phòng Chính sách lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động, mất cả gia tài mà không có được việc làm như mong đợi.
1. Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là phải biết tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động đưa bạn đi làm việc ở nước ngoài, tránh thông qua trung gian mập mờ.
2. Bạn cần biết và tìm hiểu kỹ thông tin về nơi bạn sẽ đến, công ty nước ngoài sẽ tiếp nhận bạn, việc làm cụ thể như thế nào, thời gian, thu nhập ra sao, các chế độ phúc lợi,... ghi trong các hợp đồng của công ty xuất khẩu lao động.
Bạn cũng cần yêu cầu công ty đó cung cấp các giấy tờ pháp lý chứng tỏ họ kinh doanh hợp pháp và được phép tuyển dụng theo quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
3. Không nên giao tiền hoặc tài sản cho người của doanh nghiệp xuất khẩu lao động hay người giúp bạn đi xuất khẩu lao động khi chưa ký hợp đồng dịch vụ. Khi đóng phải tiền, phải yêu cầu được cung cấp phiếu thu.
4. Bạn cần tìm hiểu và nắm rõ mọi khoản tiền cần phải nộp cho công ty xuất khẩu lao động từ khi đăng kí tham gia đến lúc xuất cảnh gồm tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đóng quỹ hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài, tiền vé máy bay. Ngoài ra còn có các khoản phí như tiền đặt cọc, tiền học nghề, đồng phục,…
5. Nếu cần phải vay tiền ngân hàng để chi trả cho các khoản chi phí khi đi xuất khẩu lao động, cần nhớ: Chỉ vay tiền ngân hàng và trả các khoản chi phí sau khi đã ký bản hợp đồng với công ty môi giới xuất khẩu lao động.
6. Khi ký hợp đồng lao động, cần lưu ý ngày tháng, các nguồn tin trong hợp đồng, chữ ký và dấu. Có thể yêu cầu một bên thứ 3 am hiểu về pháp luật đứng ra làm chứng về hợp đồng và các điều khoản hợp đồng. Phải giữ 1 bản Hợp đồng gốc và sao lưu nhiều bản để sử dụng.
7. Yêu cầu bên tuyển dụng lao động cung cấp số điện thoại, địa chỉ của người đại diện công ty xuất khẩu lao động tại nước bạn sẽ đến làm việc, người trực tiếp trợ giúp bạn khi cần.
Đồng thời, phải tìm hiểu và ghi nhớ cách thức liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ lao động,… để lên tiếng khi có trường hợp xấu xảy ra.
8. Khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động, cần gọi điện thoại, gửi thư, email, fax cho công ty môi giới xuất khẩu yêu cầu can thiệp và ghi chép lại nội dung và ngày tháng năm của những trao đổi đó.
9. Với các công ty xuất khẩu lao động uy tín, bạn sẽ được tham gia các khóa học nghề, học tiếng cũng như tìm hiểu về phong tục, văn hóa nước sẽ đến làm việc từ 3-4 tháng trước khi bay.
10. Không nên tin những lời hứa hẹn thực tế sẽ tốt hơn quy định trong hợp đồng. Luôn yêu cầu công ty xuất khẩu phải tuân thủ mọi việc theo đúng như hợp đồng và phải được thể hiện trong hợp đồng.
Bạn nên tỉnh táo trước mỗi sự lựa chọn của mình, tránh để trở thành nạn nhân của những đường dây môi giới lao động bất hợp pháp, là nạn nhân của nạn buôn bán người.