Chuyên gia tư vấn 5 dấu hiệu nhận biết thực phẩm không an toàn cần dạy cho trẻ

19:37 | 01/11/2018;
Những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với trẻ nhỏ thời gian gần đây khiến không ít phụ huynh lo lắng. 5 dấu hiệu nhận biết mà chuyên gia ẩm thực tư vấn sẽ giúp bạn dạy con từ chối các món ăn không an toàn.
Hàng chục học sinh trường Tiểu học Ninh Xá, Bắc Ninh, bị đau bụng, nôn - nghi do ăn phở chả viên rán - thịt gà; 350 học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện; gần đây nhất là 49 trẻ tại TPHCM bị nhập viện nghi do ngộ độc từ bánh mì chà bông gà…, những vụ ngộ độc thức ăn liên tiếp xảy ra với trẻ nhỏ khiến không ít phụ huynh lo lắng.
 
5 cách nhận biết đơn giản của chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thanh Uyên (bếp trưởng nhà hàng Shinju, Q.Long Biên, Hà Nội) sẽ giúp bạn dạy con nhận biết những loại thức ăn có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và từ chối các món ăn không an toàn.
 
Kiểm tra bao gói
 
Với những loại thực phẩm chế biến sẵn đựng trong bao gói như bánh, kẹo, bánh mì, bánh bao…, trước khi ăn, nên kiểm tra bao gói bên ngoài. Không sử dụng những loại thực phẩm đựng trong bao gói đã bị rách, thủng, đồ ăn bên trong bị vỡ, dập, nát, không còn nguyên vẹn.
 
thuc-an-6.jpg
Phụ huynh nên dạy con con kiểm tra bao gói trước khi ăn. Ảnh minh họa

 

Với những loại đồ uống đựng trong hộp có dấu hiệu phình to bất thường thì không nên uống.
 
Đọc hạn sử dụng
 
Với các bé từ 5 tuổi trở lên, đã bắt đầu biết đọc số, bạn có thể dạy con cách đọc ngày sản xuất và hạn sử dụng. Thông thường, các loại đồ ăn, uống có in ngày, tháng, năm sản xuất phía trên và hạn sử dụng phía dưới để thuận tiện cho người tiêu dùng.
 
thuc-an-3.jpg
Biết cách đọc hạn sử dụng, bé sẽ tránh được nguy cơ ngộ độc do dùng thực phẩm quá hạn 

 

Bạn hãy dạy bé từ chối, trả lại hoặc không sử dụng những món ăn, đồ uống đã quá hạn sử dụng.
 
Quan sát dấu hiệu bên ngoài của thực phẩm
 
Món ăn có đốm đen, đốm trắng, bề mặt ướt, chảy nước, bị nhớt… là những món có dấu hiệu bị hỏng, không nên sử dụng.
 
thuc-an-5.jpg
Nên quan sát kỹ các dấu hiệu bên ngoài của đồ ăn, thức uống

 

Cảnh giác với những món "quá đẹp"
 
Đồ ăn, uống dành cho trẻ em thường có màu sắc bắt mắt và hấp dẫn. Tuy nhiên, đây cũng tiềm ẩn những nguy cơ sử dụng chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu… không tốt cho sức khỏe. Những loại thức ăn sử dụng màu tự nhiên thường có màu xỉn, không đẹp như dùng phẩm màu.
 
thuc-an-2.jpg
Những món ăn nhiều màu sắc có thể tiềm ẩn các nguy cơ gây hại cho sức khỏe

 

Các bé nên hạn chế dùng những món ăn, đồ uống có nhiều màu sắc rực rỡ, những món có hương vị hấp dẫn do tẩm ướp chất phụ gia và hóa chất.
 
Nếm thử trước khi ăn, uống
 
Cùng với cách nhận biết các dấu hiệu bên ngoài, bé cần nếm thử một chút đồ ăn để cảm nhận hương vị. Nếu thức ăn, đồ uống có vị lạ, mùi hắc, chua… thì nên dừng ngay lập tức.
 
thuc-an-4.jpg
Nếm thử đồ trước khi ăn và từ chối những món có hương vị lạ là cách để bé tự bảo vệ mình

 

Ngoài ra, bạn cũng nên dạy bé kỹ năng kiểm tra đồ ăn đã đủ độ chín hay chưa. Đôi khi có những phần ăn đã chín bên ngoài nhưng bên trong vẫn còn sống. Bé nên dùng thìa, đũa, hoặc dùng tay xẻ ra để kiểm tra trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn những miếng thức ăn còn sống hoặc chưa chín hẳn.
 
Khi uống sữa, nước trái cây đựng trong hộp kín, bé nên cắm ống hút, uống thử một ngụm nhỏ để nếm thử mùi vị. Nếu đồ uống có vị chua, lên men, mùi vị bất thường thì nên dừng ngay, không uống nữa.   

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn