Hoàn cảnh gia đình của chúng tôi hiện tại:
- Hai vợ chồng, 2 con nhỏ (đều dưới 3 tuổi).
- Hiện đang sống tại 1 căn hộ hai phòng ngủ ở Hà Nội.
Hoàn cảnh kinh tế:
- Thu nhập trung bình mỗi tháng từ 50 đến 60 triệu.
- Có 1 miếng đất ở quê trị giá 1,3 tỷ
- Căn hộ thuộc sở hữu của gia đình, định giá trên thị trường khoảng 2,5 tỷ.
- Không có nợ nần.
- Tiết kiệm được 400 triệu.
Hai vợ chồng tôi đang băn khoăn 2 phương án như sau:
Phương án 1:
Bán chung cư đang ở (2,5 tỷ) + 400 triệu tiết kiệm + 1,3 tỷ miếng đất ở quê => Tổng: 4,2 tỷ. Dùng số tiền này mua nhà đất vì lâu dài thấy giữ giá tốt hơn căn hộ chung cư.
Phương án 2:
Không bán chung cư và nhà đất ở quê. Tích cóp tiếp, chờ đủ sẽ mua thêm nhà đất ở Hà Nội.
Với hai phương án này, nhờ chuyên gia tư vấn giúp nên chọn phương án nào, hoặc có lựa chọn nào tốt hơn thì gợi ý giúp gia đình tôi. Xin cảm ơn!
Độc giả giấu tên
Chúng tôi đã chuyển câu hỏi của bạn tới Chuyên gia tài chính Trần Mạnh Hoàng Việt. Anh hiện đang là Founder của TrustLife, Financial planner (Chuyên gia tài chính) của FiDT và là 1 Youtuber tư vấn tài chính được nhiều người biết đến trên mạng xã hội. Chuyên gia Trần Mạnh Hoàng Việt sẽ giải đáp.
Chào bạn, đối với cả hai phương án bạn đưa ra, ở thời điểm hiện tại, tôi không khuyến nghị bạn thực hiện theo cả hai phương án trên vì một số lý do sau đây:
Đối với phương án 1, bạn sẽ thực hiện hoạt động tái cơ cấu toàn bộ tài sản vào bất động sản, điều này dẫn đến rủi ro tập trung vào một lớp tài sản duy nhất. Việc không đa dạng hóa các lớp tài sản sẽ dẫn đến việc "bỏ hết trứng vào một rỏ".
Đối với phương án 2, bạn không thực hiện bất kỳ hoạt động cơ cấu danh mục nào sẽ dẫn đến việc ngồi trên tài sản nhưng lại không biết làm nó sinh sôi nảy nở. Tiền gửi tiết kiệm có thể đem đến lãi suất từ khoảng 5 - 6% trong giai đoạn kinh tế ổn định, có thể cao hơn vài phần trăm trong điều kiện kinh tế lạm phát hoặc suy thoái. Tuy vậy, trong dài hạn thì tiền gửi chỉ là nơi giữ tiền và đảm bảo tính thanh khoản của tiền chứ không giúp bạn có mức lợi nhuận tốt.
Lời khuyên của tôi như sau:
- Trước tiên, cần rà soát và đánh giá lại các chất lượng tài sản.
- Xác định dòng tiền tiết kiệm hàng tháng sau chi tiêu và phân bổ hợp lý đa dạng hóa các lớp tài sản.
- Đảm bảo tài chính an toàn trước mọi rủi ro.
Hiện tại, gia đình bạn có hai tài sản chính cần thực hiện rà soát và đánh giá trước khi đưa ra quyết định. Cụ thể:
Một, căn chung cư 2 phòng ngủ trị giá 2.5 tỷ đã đưa vào sử dụng được bao nhiêu năm, bạn mua mới hay mua cũ. Một thông tin bạn cần nắm là trong khoảng 4 - 6 năm đầu sau khi bàn giao thì giá chung cư có xu hướng tăng từ năm 2, nhưng sau đó sẽ có xu hướng chững lại và không tăng giá. Nếu như căn hộ của bạn đã trên 5 năm thì việc cơ cấu là cần thiết.
Hai, tài sản ở quê của bạn là một mảnh đất trị giá 1.3 tỷ là loại đất gì, có tiềm năng tăng giá hay không? Để thực hiện điều này bạn có thể đánh giá biến động giá đất trong 5 năm qua và đọc các báo cáo tình hình bất động sản để xác định số lượng giao dịch, hoặc xem quy hoạch để có thể đánh giá chính xác. Sau khi đánh giá kỹ càng thì khi đó mới quyết định.
Bạn có thể xem xét:
Một, tích sản cổ phiếu là một hình thức lựa chọn những doanh nghiệp có tăng trưởng đều đặn và được duy trì trong thời gian dài, có lợi thế cạnh tranh bền vững và tình hình tài chính lành mạnh. Viêc tích sản sẽ được thực hiện đều đặn, kỷ luật và trong thời gian dài. Những chuyên gia về hoạch định tài chính cá nhân sẽ tư vấn cho bạn được về danh mục tích sản.
Hai, ủy thác qua quỹ mở (quỹ chủ động) hoặc quỹ ETF (Quỹ thụ động), việc ủy thác cho các quỹ chính là việc hợp tác cùng các chuyên gia để họ có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thực hiện việc đầu tư. Tuy vậy, bạn cần lưu ý đến phí quản lý quỹ và các loại phí đi kèm trước khi quyết định
Ba, đầu tư vàng là một hình thức tích trữ tài sản để đa dạng hóa danh mục phòng khi nền kinh tế có những biến động mạnh thì việc đa dạng hóa sẽ giảm thiểu rủi ro. Vàng từ xưa đến nay được coi là một loại tài sản phòng thủ, trú ẩn khi có những biến động về kinh tế như khủng hoảng, suy thoái.
Hai vợ chồng bạn một tháng thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, giả sử mức chi tiêu ở thành phố khoảng 30 - 40 triệu đồng, như vậy mỗi tháng bạn có thể để riêng ra một khoản là 20 - 30 triệu đồng. Với số tiền này, thì sau khi xác định khẩu vị rủi ro của bạn có thể phân bổ vào các kênh sau đây: Cổ phiếu - Quỹ mở - Quỹ ETF - Trái phiếu hoặc Quỹ trái phiếu - Vàng theo tỷ lệ phù hợp.
Đối với khoản tiết kiệm của hai vợ chồng, căn cứ theo tình hình thị trường cụ thể sẽ có lời khuyên chính xác cho từng thời điểm. Tuy vậy, bạn có thể thực hiện việc phân bổ tài sản qua các kênh sau:
Về tỷ lệ phân bổ sao cho phù hợp, thì như đã nói ở trên cần căn cứ vào mức độ chấp nhận rủi ro của hai vợ chồng và bối cảnh thị trường khi đó để ra quyết định. Sau khi đã thực hiện việc phân bổ tài sản, đến một thời điểm số tiền đạt đủ mức độ có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính để sở hữu bất động sản nhà đất ở Hà Nội như mong muốn của gia đình.
Điều cuối cùng mà chuyên gia tài chính Trần Mạnh Hoàng Việt khuyên bạn là nên dành 8 - 10% thu nhập để tham gia bảo hiểm nhân thọ. Điều này giúp đảm bảo dự phòng trước những bất trắc và biến cố trong cuộc sống. Bởi để thực hiện được dự định trước hết mình cần thực hiện bảo vệ chắc chắn những tài sản đang có.
Bài viết được ghi lại từ lời chia sẻ của chuyên gia tài chính Trần Mạnh Hoàng Việt
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn