Tay chân miệng là căn bệnh phổ biến ở trẻ em, bệnh rất dễ lây lan ở các khu vui chơi, lớp học và nhà trẻ. Tuy rằng 90% các trường hợp mắc bệnh đều tự khỏi nhưng trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn bệnh toàn phát. Dưới đây là tất cả những gì phụ huynh cần biết, bao gồm cả cách tự kiểm tra bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ.
Sarah Kohl, MD, phó giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Đại học Y Pittsburgh, đồng thời là người sáng lập của TravelReadyMD, giải thích: "Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh nhiễm trùng. Cái tên nghe có vẻ hài hước này bắt nguồn từ phát ban thường xuất hiện trên bàn tay, bàn chân và miệng (cũng như mụn nước nổi lên trong miệng) của những người bị nhiễm bệnh. Virus này thường biểu hiện bằng một cơn sốt; người bệnh có thể sốt rất cao trước khi phát ban".
>> Phát ban đỏ là gì và có nguy hiểm không?
Adam Spanier, MD, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Maryland, cho biết việc chẩn đoán chính xác bệnh tay chân miệng thường thông qua xét nghiệm phân. Tuy nhiên, bác sĩ nhi khoa thường chỉ cần xác định dựa trên các triệu chứng của bệnh tay chân miệng. Dưới đây là những gì phó giáo sư Adam Spanier lưu ý về cách tự kiểm tra bệnh tay chân miệng tại nhà.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng là phát ban đỏ, nhưng mọi người không phải lúc nào cũng dựa vào đó làm dấu hiệu xác định bệnh. Đôi khi, phát ban có thể khá nhỏ hoặc bạn có thể không nhìn thấy phát ban trước khi bị sốt. Cha mẹ cũng có thể không phát hiện ra phát ban vì nó có thể ở dạng vết loét ẩn bên trong miệng hoặc cổ họng của trẻ.
Dưới đây là các triệu chứng cần theo dõi khi tự kiểm tra bệnh tay chân miệng tại nhà:
Sốt: Sốt cao thường là dấu hiệu đầu tiên của virus, sốt có thể kèm theo phát ban hoặc không.
Phát ban: Các nốt đỏ có thể xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và quanh miệng; cũng như trên đầu gối, khuỷu tay, thân mình, mông và vùng sinh dục của trẻ.
Khó chịu: Con bạn có thể sẽ cáu kỉnh hoặc khó chịu hơn bình thường rất nhiều, ngay cả khi bé không bị phát ban hoặc sốt.
Chán ăn, bỏ ăn: Nếu con bạn đột nhiên không ăn hoặc không muốn uống, đó có thể là dấu hiệu cho thấy những vết phồng rộp trong miệng và họng đang làm trẻ khó chịu.
Đau họng: Nếu con bạn kêu đau họng thì những chứng tỏ nốt phồng rộp trong cổ họng đã làm trẻ bị đau.
Phó giáo sư Adam Spanier cho biết, nếu quan sát thấy trẻ có các dấu hiệu trên, rất có thể trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn về phương án điều trị. Nếu bệnh tay chân miệng cấp độ nhẹ, trẻ sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà.
Tiếp theo đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu tiếp theo của trẻ. Nên cho trẻ uống đủ nước, đề phòng mất nước do sốt cao. Nếu thấy các triệu chứng trẻ sốt cao kéo dài, cơ thể mệt mỏi, tay chân yếu thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị sớm và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, những bà mẹ mang thai đã tiếp xúc với trẻ mắc tay chân miệng và gặp một trong số các triệu chứng trên, hãy cho bác sĩ sản khoa của bạn biết ngay lập tức. Bởi sốt trong thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi, đặc biệt là trong ba tháng đầu.
Thông qua việc tự kiểm tra bệnh tay chân miệng tại nhà, nếu phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên thực hiện theo các bước dưới đây:
Thăm khám kịp thời là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa các biến chứng xấu do bệnh tay chân miệng gây nên.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhà để được thăm khám. Hãy cung cấp cho bác sĩ triệu chứng mà trẻ gặp phải cũng như diễn tiến bệnh của trẻ từ khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng.
Ngoài ra, nên cung cấp rõ cho bác sĩ thông tin về các bệnh lý mà bé đang mắc (nếu có) hoặc các loại thuốc mà bé đã hoặc đang sử dụng.
2.2. Cho trẻ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh nếu được chỉ định
Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa nhi sẽ xác định được bệnh tay chân miệng thông qua các triệu chứng lâm sàng mà không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài và các phát ban trên da không rõ ràng, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tay chân miệng.
Xét nghiệm cơ bản bao gồm: xét nghiệm CRP, điện giải, công thức máu, khí máu, đường huyết…
Ngoài ra, các xét nghiệm chẩn đoán khác bao gồm:
- Enterovirus 71 IgM: Thông qua bệnh phẩm huyết thanh và huyết tương, xét nghiệm phát hiện và định tính kháng thể IgM gây bệnh tay chân miệng kháng Enterovirus type 71.
- Enterovirus 71-PCR: Xét nghiệm bằng kỹ thuật Real time PCR với mẫu bệnh phẩm từ phết dịch tiết hầu, họng, nước bọt, hoặc dịch tiết từ các phát ban dạng phỏng trên da.
Sau khi được các bác sĩ xác định bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên tuân thủ theo phác đồ điều trị hoặc hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà.
Theo dõi bệnh trạng của trẻ thường xuyên để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện nếu bệnh chuyển cấp độ nặng hơn.
Nguồn dịch: https://www.choc.org/news/how-to-prevent-and-treat-hand-foot-and-mouth-disease/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn