Chuyện ít biết sau tấm huy chương của thủ khoa quốc tế Nguyễn Phương Thảo

11:55 | 24/07/2018;
Ít ai biết Nguyễn Phương Thảo (lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT chuyên KHTN-ĐHQG Hà Nội) – thủ khoa Olympic Sinh học quốc tế năm 2018, dẫn đầu trong tổng số 261 thí sinh dự thi, đã ngất ngay sau kỳ thi vì kiệt sức.
phuong-thao-4.jpg
Nguyễn Phương Thảo (thứ 3, từ trái sang)- đạt điểm cao nhất trong Olympic Sinh học quốc tế, dẫn đầu trong tổng số 261 thí sinh dự thi

Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 29 diễn ra tại Iran, Nguyễn Phương Thảo, cô gái từng giành học bổng của Chương trình nuôi dưỡng nhân tài do Báo PNVN và các tổ chức, cá nhân tâm huyết với giáo dục đồng tổ chức đã để lại dấu ấn khi em là thí sinh Việt Nam đầu tiên giành điểm thi cao nhất thế giới ở một kỳ thi Olympic. Tại kỳ thi này, em còn có một kỷ niệm “hi hữu”, khó quên. Phương Thảo cho biết, suốt những ngày diễn ra kỳ thi, do đồ ăn không hợp, đêm nào trước ngày thi, em cũng bị tiêu chảy. Thậm chí, có những đêm, lúc 3 rưỡi, 4 giờ sáng, bị tiêu chảy khiến em kiệt sức và ngủ gục tại toilet. Thế nhưng, vào ban ngày, khi diễn ra cuộc thi, nội lực trong em đã chiến thắng, mang đến cho em sức mạnh khó ngờ để em có tinh thần tỉnh táo khi làm bài.

“Lúc đó, em luôn nghĩ, mình phải cố gắng để không ảnh hưởng đến kết quả, vì đây là kỳ thi cuối cùng trong cuộc đời học sinh của mình. Do mấy hôm thi, đêm nào cũng bị tiêu chảy, ban ngày thì nỗ lực hết sức nên vừa thi xong em bị kiệt sức và ngất. Em đã phải truyền 2 chai nước sau đó”, Phương Thảo kể về kỷ niệm vừa diễn ra ở đấu trường quốc tế.

Việc giành được HCV không khiến Phương Thảo bất ngờ, nhưng trở thành người chiến thắng cuộc thi (The First Winer) là điều em không dám nghĩ đến. “Khi biết điểm, em đã biết mình được HCV, em cảm thấy rất vui vì kế hoạch đổi màu huy chương đã thành hiện thực (năm ngoái em đạt HCB Olympic quốc tế năm lớp 11). Thế nhưng, khi top 3 được vinh danh cuối cùng, sau khi người thứ 3, thứ 2 được gọi tên thì họ hô vang Việt Nam. Lúc đó, trong đầu em hiện lên hành trình đi đến ngày hôm nay của em. Đó là do các thầy cô giáo định hướng, dạy dỗ, do gia đình động viên và do nỗ lực của bản thân. Em đã trả lời phỏng vấn ngay buổi trao giải đó: Giải này thuộc về đất nước của tôi chứ không phải của tôi”, Phương Thảo chia sẻ.

phuong-thao-5.JPG
Người dẫn đầu Nguyễn Phương Thảo, thí sinh Việt Nam được vinh danh tại Olympic sinh học quốc tế 2018

Có được thành tích không thể cao hơn ở cuộc thi quốc tế, thế nhưng khi biết điểm và biết mình sẽ được HCV, Phương Thảo cũng không dám gọi điện về cho bố mẹ để thông báo. Người gọi điện về cho bố mẹ em lại là cô giáo. Phương Thảo cho biết, em run và hơi ngại, chỉ khi nào biết chắc chắn thì em mới thông báo. Trong lúc hồi hộp chờ kết quả, thói quen của em là… im lặng.

Năm ngoái, được HCB quốc tế Olympic Sinh học với số điểm gần đạt HCV càng khiến Phương Thảo đề ra kế hoạch phải đạt HCV trong kỳ thi năm nay. Với nhiều người, đây là áp lực rất lớn và ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến việc thi cử. Nhưng Phương Thảo luôn tâm niệm, biến kỳ vọng thành động lực chứ không ép mình thành áp lực đè nặng trên vai.

phuong-thao-va-me.jpg
Nguyễn Phương Thảo và mẹ, người luôn động viên em trong hành trình học tập

Chính vì vậy mà nữ thủ khoa quốc tế đã học tập bằng niềm đam mê rất lớn với phương pháp học tập rất khoa học. Ngoài việc em học qua hình ảnh giúp em có cái nhìn tổng quan và dễ nhớ thì em luôn có kế hoạch thật dài hơi và chi tiết, đặc biệt em không bao giờ bỏ cuộc khi thực hiện kế hoạch của mình. “Đọc sách, em biết rằng con người sẽ bị quên ở thời điểm 1 tuần- 1 tháng- 2 tháng- 6 tháng. Thế nên, em luôn tạo thói quen đúng thời điểm ấy em phải ôn lại kiến thức đã học. Trong điện thoại, trong sổ ghi chép, luôn nhắc em phải học những kiến thức ở ngày này tháng trước. Không chỉ ôn lại mà em phải mở rộng kiến thức. Từ đó, em sẽ nhớ lâu, tạo ra trí nhớ dài hạn, rất tốt cho việc suy luận kiến thức của em”, Phương Thảo chia sẻ về kinh nghiệm học tập.

thumb-nguyen-phuong-thao.jpg
Nguyễn Phương Thảo luôn nhắc đến cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền với tình cảm trân trọng, yêu thương

 

Vừa trở về từ đất nước Iran, cô gái Vàng Sinh học còn lâng lâng cảm xúc và em luôn nhắc đến cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền, (Trưởng Bộ môn Sinh học Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), người đã khiến em có thành tích như ngày hôm nay. “Cô Huyền không chỉ định hướng cho em trong việc học tập mà cô luôn động viên, ở bên em. Những khi tinh thần em bất ổn, nản nhất, cảm thấy bị bão hòa và không muốn cố gắng, cô chính là người vực em dậy. Năm ngoái, khi được giải nhì cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, không đạt được kỳ vọng của em, em đã muốn buông xuôi. Thế nhưng, câu nói “Cô không thích những ai vừa vấp ngã mà đã bỏ cuộc. Cần phải biết đứng dậy và vượt lên thì mới thành công được” đã khiến em phải thay đổi. Nếu không vì câu nói của cô, chắc bây giờ em chỉ giậm chân tại chỗ. Em thấy mình may mắn khi có duyên với cô, khi được cô đối xử với mình bằng tình yêu thương chân thành chứ không bằng lời ngọt ngào sáo rỗng”, Phương Thảo dành rất nhiều tình cảm khi nói về cô giáo mà em vô cùng yêu quý.

phuong-thao-1.jpg
Cô gái Vàng Sinh học cho biết, sẽ theo đuổi lĩnh vực y sinh mà em ấp ủ từ lâu

 

Để có thành tích như ngày hôm nay, theo Phương Thảo, ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự động viên của gia đình thì không thể kể đến môi trường học tập rất tuyệt vời ở trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên vì ở đây học sinh được nghiên cứu như những nhà khoa học. Điều đó rất có ý nghĩa, thúc đẩy được niềm đam mê học tập của em.

Dù trải qua hành trình học tập vất vả và đã đạt được thành tích mang về niềm tự hào cho Việt Nam nhưng nữ thủ khoa quốc tế chỉ cho phép mình xả hơi 1 tuần để hồi sức và lâp kèo với bạn bè. Cô bạn cầu toàn, không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng cho biết, sẽ tập trung vào học tiếng Anh, Hóa và Sinh. “Ngày trước em học Sinh vì thích và vì kỳ thi. Còn bây giờ em học theo cách khác, học vì niềm đam mê của mình. Em vẫn sẽ đi theo lĩnh vực y sinh, lĩnh vực mà em ấp ủ từ lâu”. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn