Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các địa phương đang tiến hành nhiều biện pháp phòng chống dịch lan rộng ra cộng đồng. Đồng hành cùng với công tác phòng chống dịch của các cấp chính quyền, bà Trần Thị Bích Thủy, chủ một doanh nghiệp (ở Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) đã góp 50 tấn gạo, ủng hộ các đơn vị tuyến đầu chống dịch.
Tấm lòng "bồ tát" của bà Thủy đã nhận được vô vàn lời ca ngợi từ cộng đồng. Thế nhưng, tuổi thơ của bà Thủy phải trải qua chuỗi ngày gian khó mà không phải ai cũng biết.
Chia sẻ với PNVN, bà Thủy cho biết, bà sinh ra trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất xã, học hết lớp 3 thì phải nghỉ học vì gia đình không có điều kiện cho bà học tiếp. Năm 13 tuổi bà đi nhặt rác, thói quen đi chân đất cũng hình thành từ lúc này.
Cũng vào năm đó, bà kết hôn với một người đàn ông cùng huyện. 13 tuổi, cái tuổi mà những đứa trẻ ở thành phố đang còn được bố mẹ nâng niu, chăm bẵm, thì bà Thủy đã phải vận lộn với đời, kiếm sống ở những bãi rác. Chẳng bao giờ có đôi dép để đi. Không chỉ có thế, bà còn phải gánh vác thêm cả trách nhiệm của một người vợ.
Năm 1995, bà Thủy xin vào học nghề tại một đơn vị chế biến rác thải. Sau hơn 5 năm, bà Thủy đã làm chủ được dây chuyền công nghệ này và quyết định xin nghỉ để thành lập công ty riêng. Ngày đó, ai cũng cho rằng quyết định của bà đầy nguy hiểm, một người công nhân học chưa hết lớp 3, thì sao có thể thành công trong vai trò của một bà chủ.
Tròn 20 năm kể từ ngày đưa ra quyết định táo bạo ấy, bà đã trở thành giám đốc của một công ty lớn. Có trong tay hàng chục tỷ đồng, có xe sang đưa đón nhưng vị đại gia này luôn giữ cho mình một hình ảnh không khác xưa là mấy: Quần xắn ống thấp, ống cao. Đôi chân trần của bà không thể quen được với những đôi giày đắt tiền, những đôi dép cao gót.
"Từ nhỏ tôi đã phải lam lũ kiếm sống và thường đi chân đất. Khi lớn lên và cho đến tận bây giờ tôi vẫn thường đi chân đất khi làm việc vì cứ đi giầy dép là đau chân không chịu được. Tôi chỉ đi giày dép trong những cuộc họp hoặc tiếp khách".
Giám đốc Công ty Bích Thủy (Lạng Giang, Bắc Giang) Trần Thị Bích Thủy
Thói quen kì lạ ấy dường như đã ngấm vào máu của nữ doanh nhân này và bà không cho đó là "kì lạ". Do xuất thân bần hàn nên đến khi thành đạt, bà Thủy luôn muốn có những hành động từ thiện thiết thực nhất để giúp đỡ cho những người dân nơi bà sinh sống.
Ngày 10/3, bà Thủy đã ủng hộ 50 tấn gạo cho các đơn vị chống dịch Covid-19. 20 tấn gạo được phân bổ về hai cụm cách ly của tỉnh Bắc Giang ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang.
20 tấn gạo được tặng cho khu vực cách ly theo dõi sức khoẻ tập trung của tỉnh Lạng Sơn và 10 tấn gạo cho Bệnh viện Quân y 5- Cục Hậu cần (Quân khu 3) ở TP Ninh Bình.
Bà Thủy cho biết, hiện nay có một số thông tin chia sẻ trên mạng xã hội là chưa chính xác. Bởi việc bà ủng hộ 50 tấn gạo là việc làm xuất phát từ lương tâm của bà và bà bỏ tiền túi ra ủng hộ các đơn vị chứ không phải là quyên góp các cá nhân, đơn vị khác để ủng hộ.
"Từ khi dịch bắt đầu vào đỉnh điểm, tôi xem trên tivi thấy các bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội vô cùng vất vả phải nhường cả nơi ở, sẵn sàng nằm ngoài trời để kiểm soát dịch bệnh không cho tràn vào nước ta.
Nhìn những hình ảnh đó tôi đau xót lắm và quyết định mình phải làm gì đó để giúp đỡ họ. Từ đó, tôi quyết định trích tiền ra mua 50 tấn gạo ủng hộ công tác phòng chống dịch. Số gạo này được mua từ nguồn trích lợi nhuận kinh doanh của Công ty với tổng trị giá 600 triệu đồng. Hiện đã được chuyển đến các nơi phòng dịch", bà Thuỷ chia sẻ.
Hành động ý nghĩa của nữ đại gia chân đất giữa mùa dịch đã khiến nhiều người cảm thấy ấm áp và ngưỡng mộ. Hy vọng dịch Covid-19 sẽ chóng qua để người dân có cuộc sống ổn định trở lại.
Ngoài việc ủng hộ 50 tấn gạo, nữ đại gia này cũng từng có nhiều hành động thiết thực khác ở địa phương. Bà Thủy từng quyên góp hơn 6 tỷ đồng xây dựng trường mẫu giáo tại xã Tân Dĩnh để giúp cho trẻ em nghèo có cơ hội được đến trường học tập, vui chơi.
"Bà Thủy là một nữ doanh nhân thành đạt và có tâm, có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế của địa phương, giúp đỡ nhiều chị em có công ăn việc làm. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đều được bà Thủy đến hỏi thăm, hỗ trợ".
Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPH tỉnh Bắc Giang Vũ Thị An
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn