Với sự tiến bộ của thời đại, tiêu dùng trả trước đã dần đi sâu vào cuộc sống của mọi người và trở thành 1 điều quen thuộc, đặc biệt là lứa 9x. Thẻ tín dụng hiện giờ không còn là 1 khái niệm xa lạ với mọi người. Chúng ta có lẽ cũng đã nghe được nhiều câu chuyện về việc dùng thẻ tín dụng, những tình huống dở khóc dở cười do không hiểu rõ bản chất và cách hoạt động của nó và cả những quan điểm trái chiều về việc có sẵn 1 khoản tiền đòn bẩy...
Tuy vậy, có khi nào mọi người tò mò lần đầu tiên quẹt thẻ tín dụng của hội chị em như thế nào không? Liệu có phải chỉ vì chăm chăm muốn giải quyết những khoản nợ to nợ nhỏ khi cần hay không?
Cùng lắng nghe những người trong cuộc nói sao về điều này nhé!
***
Thời 4.0, những chiếc thẻ ngân hàng đã trở thành 1 phần rất quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người tỏ ra thận trọng và dè dặt trước khi quyết định sử dụng. Đó cũng là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng phải cần tiền lắm thì mới sử dụng thẻ tín dụng.
Nhật Linh (sinh năm 1993, Quảng Ninh), đã đi làm được 7 năm và tiết kiệm được 1 khoản không nhỏ nhưng vẫn dùng thẻ tín dụng. Cô cũng cho biết vẫn sẽ tiếp tục thẻ tín dụng.
5 năm trước, nhận ra nhu cầu mua sắm của mình ngày càng cao, Nhật Linh lập tức nghe lời khuyên của những người bạn, đi mở thẻ tín dụng.
"Mở thẻ vì bạn rủ nhưng may mắn là mình chưa gặp phải vấn đề gì trong quãng thời gian dùng thẻ tín dụng đến nay" - Nhật Linh nói.
Khác với mọi người, lúc stress thì muốn đi du lịch hay shopping, Nhật Linh lại thích đi siêu thị.
Ngày trước, khi chưa có thẻ tín dụng, mỗi lần đi siêu thị, Nhật Linh đều phải tính toán rất kỹ chứ không thể "thả phanh" được, nhất là sau khi nhìn số dư trong tài khoản.
"Đỉnh điểm, có 1 lần, mình thấy stress quá nên muốn đi siêu thị. Thế nhưng hôm đó, trong tài khoản ngân hàng của mình lại không còn nhiều tiền, chỉ dư khoảng 1 triệu mà lúc đó mới là giữa tháng. Đắn đo một hồi, mình quyết định dùng thẻ tín dụng và mua tất cả những món đồ mà mình thích. Chứ như trước đây, gọi là đi mua để xả stress nhưng mình cũng chỉ giới hạn mọi thứ ở mức 1 triệu thôi" - Nhật Linh chia sẻ.
Trong khi đó, Lâm Quỳnh (sinh năm 1999, TP HCM) lần đầu tiên dùng thẻ tín dụng để mua robot hút bụi:
Vốn đam mê đồ gia dụng nhưng vì giá thành cao nên cô bạn luôn phải tiết kiệm khá lâu mới mua được một món đồ.
"Thường xuyên lau dọn nhà cửa sạch sẽ nên mình rất muốn mua robot hút bụi. Thực sự có nó tụi con gái chúng mình sẽ nhàn hơn rất nhiều.
Mình còn nhớ hôm đó đi siêu thị, thấy món đồ mình rất thích mà cảm giác không mua được thì rất bứt rứt, nên sẵn tiện có thẻ tín dụng mình đã làm từ lâu nhưng chưa dám dùng, mình quẹt mua luôn. Có một điều là, lần quẹt thẻ đó khiến mình thấy vui vẻ và hài lòng chứ không run sợ vì khoản nợ chút nào cả" - Lâm Quỳnh chia sẻ.
Quỳnh cũng chia sẻ thêm, vì dùng thẻ tín dụng để mua robot hút bụi nên tháng sau đó cô bạn phải trả số tiền 7 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay từ lúc mua robot, cô cũng lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm luôn nên đến lúc thanh toán không còn phải lo lắng gì nữa.
Còn Hồng Ngọc (sinh năm 1993, Hòa Bình) cho biết, thất bại sau lần đầu tiên kinh doanh quán cà phê vào năm 2018 đã khiến cô rất vất vả mệt mỏi để có thể trang trải hết các khoản nợ cũng như làm lại từ đầu.
"Thất bại sau lần kinh doanh đầu tiên khiến mình phải thanh lý toàn bộ cửa hàng và bù lỗ thêm 200 triệu đồng. Tuy nhiên, vì không đủ tiền nên mình đã phải rút thẻ tín dụng ra để trang trải.
Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng phải chịu lãi suất rất cao, mình biết nhưng ở thời điểm đó mình cũng không còn cách nào khác" - Ngọc nói.
Lần đó, Ngọc rút số tiền là 50 triệu đồng để bù phần nào cho khoản nợ.
"Hồi đó rút tiền từ thẻ mà mình xót ruột kinh khủng. Càng nhẩm tính tiền lãi càng lo. Lúc đứng rút tiền mà mình toát mồ hôi vì sợ dùng rồi thì cứ phải phụ thuộc mãi. Lo lắm nhưng ít nhất lúc đó nó giúp mình giải quyết được vướng mắc mình đang gặp phải" - Ngọc chia sẻ.
Thế mới thấy, mỗi người dùng thẻ tín dụng với 1 mục đích, 1 lý do và trong 1 hoàn cảnh khác nhau. Và vì vậy, chắc chắn cảm giác và cách xử lý, nhìn nhận vấn đề của mỗi người cũng không giống nhau. Có người cho rằng dùng thẻ tín dụng có mặt lợi là có sẵn 1 khoản tiền đỡ cho bản thân khi cần, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc mình đang mắc thêm một khoản nợ. Nhưng có phải ai cũng lo lắng, sợ hãi hay không?
Phải thừa nhận một điều, lúc mua thì mát tay, mua được thứ mình thích ngay lúc mình muốn lại càng sung sướng, nhất là đối với những người có đam mê với việc mua sắm.
Lâm Quỳnh cho biết: "Mình không rõ mọi người thế nào nhưng với mình, cảm giác mua được ngay thứ mình thích thực sự rất tuyệt. Hôm đó mình vui lắm! Mình nghĩ chỉ cần tính toán kỹ một chút trước khi quyết định mua là được. Có thêm 1 chiếc thẻ tín dụng mình thấy cũng bớt lo lắng về việc giữa tháng đã hết tiền mà không biết vay ai".
Trong khi đó, Nhật Linh cũng khẳng định, tuy phải vay mượn tiền, nhưng đến các đợt khuyến mãi lớn trong năm như 11/11, 12/12, Black Friday..., cô ấy vẫn hồn nhiên thanh toán giỏ hàng mà không cần suy nghĩ nhiều.
"Mình thường tận dụng những dịp này để mua những món đồ mà mình thích hoặc dùng nhiều. Các bạn cứ thử tính mà xem, 1 món đồ thường xuyên dùng sẽ hết rất nhanh, nên thay vì mua đi mua lại nhiều lần 1 món đồ thì mua nhiều món vào lúc đang được giảm giá sẽ giúp các bạn tiết kiệm được kha khá đấy!".
Tuy nhiên, đa số mọi người đều thừa nhận, đã dùng thẻ tín dụng thì sau đó rất khó bỏ, ngay cả khi chúng ta luôn mang trong mình cảm giác sợ các khoản nợ.
"Dùng thẻ tín dụng đúng là rất tiện. Bây giờ, có những hôm đi ra ngoài, mình chỉ mang đúng 1 chiếc thẻ tín dụng và thường kẹp ngay phía sau ốp điện thoại. Trong người chẳng có lấy 1 đồng tiền nào luôn. Nhưng cũng không cảm thấy lo lắng chút nào như khi chưa sử dụng thẻ tín dụng" - Nhật Linh nói thêm.
Trên thực tế, đối với những người không có tiền, việc làm được thẻ tín dụng với họ ban đầu như là tìm được kho báu. Có tiền mà không cần phải đi vay thêm từ bạn bè, người thân càng khiến họ ham dùng thẻ. Tuy nhiên, dù thế nào cũng hãy nhớ rằng, về cơ bản thì tín dụng mãi là một khoản vay bắt buộc phải trả. Vì vậy, hãy tính toán thật kỹ trước mỗi lần quẹt thẻ nhé!
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn