Chuyển mạng giữ số: Người dùng vẫn ‘méo mặt’ vì cả ‘rừng’ thủ tục

10:14 | 12/12/2018;
Trong khi nhiều chủ thuê bao di động phản ánh dù đã làm theo đúng hướng dẫn của nhà mạng song việc chuyển mạng giữ số vẫn gặp khó khăn thì một số khác lại lo lắng những thủ tục rắc rối “hậu chuyển mạng” sẽ gây rắc rối và thiệt hại cho người dùng
Nhà mạng chưa chủ động gỡ khó cho khách
 
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về dịch vụ chuyển mạng giữ số, điều kiện để các thuê bao được sử dụng dịch vụ là thông tin thuê bao chính xác, không có khiếu nại, tranh chấp, không vi phạm hợp đồng…
 
Tuy nhiên, đến nay, dù đã hơn 3 tuần, song nhiều chủ thuê bao cho biết vẫn chưa thể thực hiện thành công việc chuyển mạng giữ số. Bên cạnh các thủ tục rườm rà, nhiều người còn gặp rắc rối phát sinh từ chính các nhà mạng.
 
chuyenmang.jpg
Hiện nhiều chủ thuê bao di động trả sau cho biết, họ vẫn gặp phải khó khăn trong việc đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Ảnh minh họa

Cụ thể, có chủ thuê bao phản ánh, dù đã đăng ký đến 4 - 5 lần, song vẫn bị báo lỗi, khi thì lỗi về nợ cước, khi thì lỗi vì số CMND đăng ký số thuê bao cũ, trong khi chủ thuê bao lại đăng ký chuyển mạng bằng thẻ căn cước công dân...

 
Khi đã cập nhật được đầy đủ thông tin thì nhà mạng lại thông báo đã hết thời hạn đăng ký, yêu cầu đăng ký lại từ đầu.
 
Ngoài ra, nhiều chủ thuê bao cho biết dù các bước đăng ký sắp hoàn tất, nhưng đến bước cuối cùng lại bị nhà mạng hủy bỏ với lý do “nợ cước nóng” (cước phát sinh tạm tính nhưng chưa được thanh toán do đang trong chu kỳ sử dụng).
 
Điều đáng nói, trước những khó khăn và vướng mắc trên, các nhà mạng lại thường không chủ động tư vấn, hỗ trợ khách hàng mà thường là khách hàng phải tự tìm hiểu thông tin và sau đó hỏi lại nhà mạng. Và, thông thường câu trả lời của nhà mạng là hãy làm theo các bước và... chờ.
 
Theo Bộ TT&TT, chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, các doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của nhà điều hành. Ngoài ra, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số giúp người dùng có thể lựa chọn nhà mạng có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp, tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, gắn kết với một số điện thoại đang sử dụng. Đây sẽ là nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới như thương mại điện tử, ví điện tử...
 
Ngoài ra, việc cá nhân hóa số điện thoại cũng phần nào giải tỏa áp lực về sự cạn kiệt kho số hiện nay. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà mạng thu hút thêm khách hàng, nếu chất lượng dịch vụ của mình được khẳng định là tốt. Bên cạnh đó nếu nhà mạng nào kém chất lượng cũng sẽ có nguy cơ bị khách hàng từ bỏ.
 
Song, có lẽ để những mục tiêu trên được hiện thực hóa, rất cần có sự tham gia hợp tác tích cực hơn nữa từ phía các nhà mạng trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục thay vì chỉ một phía là các chủ thuê bao như hiện nay.
 
Lo ngại rắc rối sau chuyển mạng
 
Sau gần một tháng thực hiện, đến nay vẫn chưa nhà mạng nào công bố chính thức số liệu thống kê chủ thuê bao đã chuyển mạng giữ số (cả chiều đến và đi). Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, chuyển mạng giữ nguyên số cũng đã khiến cho nhiều khách hàng lo lắng về những rắc rối sau này.
 
Cụ thể, khi chuyển mạng giữ nguyên số, việc hiển thị số gọi đi sẽ không xác định được đó là số nội mạng hay ngoại mạng. Điều này có thể khiến khách hàng mất tiền oan, vì hiện nay các cuộc gọi nội mạng có giá cước thấp hơn ngoại mạng và nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mãi khác. Điều này xảy ra, nhà mạng nào sẽ chịu trách nhiệm?
 
chuyen-mang-giu-so-3.jpg
Ảnh minh họa

 

Hiện, nhiều chủ thuê bao di động trả sau cho biết, họ vẫn gặp phải khó khăn trong việc đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Không ít chủ thuê bao di động nhận được thông báo từ chối dịch vụ của trung tâm chuyển mạng. Rắc rối này đến từ việc thuê bao di động đã vi phạm một trong số 11 yêu cầu được đưa ra đối với những người muốn đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số. Các yêu cầu này đặt ra như: Thuê bao không vi phạm hợp đồng, không vi phạm cam kết với nhà mạng chuyển đi và không trong quá trình tranh chấp, chuyển quyền sở hữu, không treo dịch vụ vì lý do pháp lý.
 
Vẫn biết, theo đúng quy trình chuyển mạng giữ số, khách hàng sẽ phải đáp ứng được đầy đủ một serie các bước như thuê bao đang hoạt động hai chiều tại thời điểm đăng ký chuyển mạng; không nợ cước, đặc biệt là “cước nóng” (cước thuê bao, cuộc gọi, SMS, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ giá trị gia tăng, chuyển vùng quốc tế...); thông tin đăng ký tại nhà mạng chuyển đến trùng khớp với thông tin đang lưu tại nhà mạng cũ; thuê bao hòa mạng lần đầu tại nhà mạng gốc có thời gian hoạt động trên 6 tháng; thuê bao không có khiếu nại về việc sử dụng dịch vụ với nhà mạng chuyển đi...
 
Nhưng, hẳn là để đọc và hiểu được hết “mê hồn trận” là các yêu cầu thủ tục này từ phía nhà mạng, quả là điều quá khó đối với khách hàng!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn