Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ

15:55 | 13/12/2023;
Làm thế nào để trở thành một môi giới bất động sản? Làm môi giới bất động sản tại Mỹ có gì khác biệt, làm sao để trụ vững trong một môi trường đầy cạnh tranh? Những điều này có thể thấy được qua câu chuyện của Huỳnh Ngọc - một phụ nữ Việt làm nghề môi giới bất động sản ở Mỹ.

Môi giới bất động sản tại Mỹ - nhiều thách thức, cạnh tranh cao

"Khách xem chục cái nhà chưa ưng, chưa chốt, sắp chốt được rồi thì hụt là những chuyện rất bình thường" là chia sẻ của Ngoc Cindie Huynh, tên thường gọi là Huỳnh Ngọc - nữ môi giới người gốc Việt đang làm việc tại Texas (Mỹ). Tại Mỹ, môi giới bất động sản là một nghề khá vất vả, nhiều thử thách, có tính cạnh tranh cao. 

Huỳnh Ngọc sinh năm 1986, quê gốc An Giang. Ngọc có thời gian sinh sống, học tập tại TP Hồ Chí Minh rồi chuyển sang định cư tại Mỹ. 

Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ- Ảnh 1.

Huỳnh Ngọc - nữ môi giới bất động sản tại Texas (Mỹ)

Ngọc chia sẻ cô chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một môi giới bất động sản, bởi ước mơ của Ngọc là được theo ngành designer, trở thành nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, Ngọc lại theo học về đầu tư tài chính và chứng khoán, sau đó thì vì cơ duyên mới đi vào lĩnh vực bất động sản. Những kiến thức về đầu tư tài chính đã giúp ích rất nhiều cho Ngọc, bởi tại Mỹ, môi giới còn kiêm người mặc cả, thương lương về giá và tư vấn đầu tư bất động sản. 

Ban đầu, Ngọc tiến hành mua nhà cũ rồi sửa lại, để cho thuê và bán lại, việc này sinh lời khá tốt. Việc đầu tư này được vài năm thì Ngọc quyết định học lấy bằng cấp theo đuổi ngành môi giới bất động sản

Tại Mỹ, qui định ở mỗi bang là khác nhau. Ở Texas, muốn làm môi giới bất động sản, bạn phải hoàn thành một chương trình đào tạo bắt buộc. Đầu tiên, bạn sẽ phải tìm một nhà môi giới đứng ra giới thiệu. Sau đó, bạn sẽ gửi các biểu mẫu đăng kí và lệ phí cho Ủy ban Bất động sản Texas.

Sau khi xong chương trình đào tạo, bạn sẽ phải tham gia và vượt qua được kỳ thi cấp giấy phép làm đại lý môi giới bất động sản. Vượt được qua kỳ thi và được cấp phép rồi, bạn cần có một công ty môi giới bất động sản ở Texas đang có giấy phép hoạt động chấp nhận bạn với tư cách là một đại lý bán hàng. Ngọc hiện đang hoạt động với công ty B&W Realty Group.

Môi giới bất động sản tại Mỹ hoạt động mang tính cá nhân cao. Bên cạnh website bán hàng, giới thiệu bất động sản, cá nhân Ngọc thường xuyên sử dụng những trang mạng xã hội như Instagram, YouTube, Facebook, Zillow, Har... để bán hàng. Khách hàng của Ngọc có thể ở các tiểu bang khác hay ở các nước khác trên thế giới, nên chuyện khách hàng xem bất động sản qua hình ảnh, video trên các nền tảng mạng xã hội là thường xuyên. Tại Mỹ, môi giới sẽ trở thành người đại diện sau khi khách hàng kí hợp đồng bán hay mua nhà. Với việc trở thành người đại diện, môi giới sẽ chủ động làm hầu hết các khâu mua bán sao cho đảm bảo được tốt nhất quyền lợi và các yêu cầu từ khách hàng. 

Ở Mỹ thì các bước cơ bản để mua bán nhà, môi giới kết nối bán nhà về cơ bản có nhiều điểm tương tự ở Việt Nam. Khách hàng có nhu cầu mua bất động sản sẽ đưa ra những yếu tố, điều kiện để môi giới nắm rõ: tìm nhà ở khu vực nào, tầm tài chính bao nhiêu, các yêu cầu về diện tích, số phòng ngủ, yêu cầu về gần trường học, cơ sở hạ tầng đi kèm, đặc biệt là có cần vay ngân hàng hay không (đa phần sẽ là có). Với các bất động sản để bán, môi giới sẽ tìm hiểu về pháp lý, giá, đến và thực hiện quay phim chụp ảnh bất động sản đó, rồi đăng lên để tìm kiếm khách hàng. 

Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ- Ảnh 2.
Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ- Ảnh 3.
Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ- Ảnh 4.
Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ- Ảnh 5.

Hình ảnh một bất động sản mà Huỳnh Ngọc đang rao bán. Môi giới tại Mỹ đều sử dụng các nền tảng online để tìm kiếm khách hàng, bán bất động sản

Với các yêu cầu mua nhà của khách hàng mà môi giới không có sẵn nguồn hàng, môi giới sẽ tìm các bất động sản phù hợp rồi giới thiệu, nếu khách hàng cơ bản ưng ý thì môi giới giống như người trực tiếp đi mua. Môi giới sẽ đưa ra đề xuất mức giá, các điều kiện mua để gửi đến phía bán nhà. Nếu bên phía bán cũng ưng ý thì sẽ tiếp tục làm việc, nếu không thì sẽ phải chuyển hướng sang bất động sản khác. Trường hợp mức giá đề xuất gần sát với mức giá phía bán chấp nhận thì sẽ có thương lượng, môi giới sẽ là người làm việc này. Với một ngôi nhà bán có nhiều đặc điểm và mức giá chào bán tốt, sẽ có nhiều đề xuất giá của các môi giới đại diện phía người mua gửi đến. Các "cuộc đấu" này đôi khi rất căng thẳng và hồi hộp, chưa ai biết được trước liệu mình có thắng, có thành công ở thương vụ này hay không.

Đa phần khách hàng mua bất động sản tại Mỹ đều sẽ vay ngân hàng, và môi giới sẽ là người dựa trên thông tin khách hàng để tư vấn, tìm được các bên cho vay sao cho thuận lợi nhất cho người mua. 

Chăm chỉ, đam mê, nữ môi giới bất động sản Việt đứng vững và thành công

Môi giới bất động sản là nghề vất vả nhưng cũng có nhiều thú vị. Ngọc có một kỉ niệm rất đáng nhớ khi mới vào nghề. Một gia đình đã chuyển từ nơi khác tới và đưa ra yêu cầu cho Ngọc tìm mua nhà. Sau một thời gian tìm kiếm, gia đình này đã rất ưng ý một ngôi nhà. Ngôi nhà đã có rất nhiều người muốn mua. Qua quá trình thương lượng, Ngọc đã mua được ngôi nhà đó với giá tốt, giữ lại được nội thất. Việc mua bán đem đến niềm vui, sự ưng ý cho cả bên bán lẫn bên mua, Ngọc nhận được khoản hoa hồng và còn có thưởng thêm. 

Chuyện khách xem nhiều nhà mà chưa ưng, chuyện sắp khớp được một thương vụ mua bán tới nơi rồi mà hụt là chuyện thường xuyên của môi giới bất động sản tại Mỹ. Sau nhiều năm gắn bó, Ngọc nhận thấy rằng nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, không ngừng trau dồi kiến thức và duy trì những mối quan hệ xã hội tốt để có thể có hợp đồng với tất cả các đối tác. Với lĩnh vực bất động sản, nguồn khách hàng luôn là quan trọng nhất. Để khách hàng, nhà đầu tư tin tưởng, môi giới luôn cần phải có kiến thức, kinh nghiệm, uy tín. Tại Mỹ,  tên tuổi, thương hiệu của môi giới được tạo ra sau nhiều năm tích cực làm việc, khách hàng Mỹ có xu hướng gắn bó lâu dài với một cá nhân mà mình đã tin tưởng.

Huỳnh Ngọc chia sẻ rằng khách hàng có được căn nhà ưng ý hoặc có khoản đầu tư bất động sản tốt, sinh lời chính là niềm vui, hạnh phúc, là sự thành công của môi giới. Người Việt mình cũng hay có câu "phải chăm chỉ, chịu khó", và thực sự thì theo Ngọc làm gì cũng cần sự đam mê và liên tục nỗ lực. 

Chuyện nghề của một nữ môi giới bất động sản người Việt trên đất Mỹ- Ảnh 6.

Huỳnh Ngọc là người rất thích mặc áo dài và luôn mong chờ Tết đến

Tại Mỹ, mỗi bất động sản giao dịch thành công, thì tùy từng loại hình bất động sản mà mức phí hoa hồng sẽ từ 2 đến 2,5 % giá trị giao dịch. Người môi giới sẽ phải đóng thuế 30% số tiền hoa hồng này, nếu làm với công ty bất động sản thì sẽ có những mức ăn chia của môi giới và công ty. Không tiết lộ cụ thể về thu nhập, nghề môi giới là nghề có tháng rất tốt, cũng có tháng kém đi tùy giao dịch, nhưng cá nhân nữ mỗi giới khẳng định "thu nhập từ nghề này là khá ổn so với mức thu nhập trung bình tại Mỹ".

Ngọc cho biết, do hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nên căn nhà đầu tiên mà cô mua tại Mỹ là khoảng 10 năm trước. Nhà có 5 phòng ngủ, 4,5 phòng tắm (các căn hộ tại nước ngoài có phòng vệ sinh nhỏ, được tính là 0,5), 2 tầng, 4 chỗ đậu xe và gần trường học rất tốt. Cô đã bán căn nhà này và có được một khoản lợi nhuận tương đối so với giá trị khi mua.

Sau đó, cô mua ngôi nhà thứ 2 vào năm 2020 với giá 490.000 USD. Nhà có 4 phòng ngủ, 1 phòng làm văn phòng làm việc và 1 phòng thư giãn, giải trí, xem phim. Hiện nay giá căn nhà này đã lên gấp đôi, rơi vào mức khoảng 1 triệu USD. Kỹ năng, kinh nghiệm, các thông tin nắm rõ từ nghề môi giới giúp Ngọc luôn mua được nhà với mức giá và tiện nghi tốt, đồng thời trở thành nhà đầu tư thông thái cho tài sản của chính mình.

Xa Việt Nam nhiều năm, Huỳnh Ngọc cho biết cô vẫn luôn rất thích Tết. Ở bên này, cộng đồng người Việt luôn đón Tết rất lớn, các chợ của người Việt bán không thiếu thứ gì. Bánh chưng, bánh tét, dưa muối, mứt... đủ cả, y như ở bên nhà mình. Ngọc vẫn giữ thói quen đi lễ chùa, đi chúc Tết, lì xì trẻ em, gửi lời chúc tốt đẹp đến mọi người mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn