Tự tin hơn khi cảm nhận được sự chân tình
Vào ngày thu Hà Nội, tại sân bay Nội Bài đang nhộn nhịp khách du lịch đặt chân đến vùng đất nhiệt đới nên thơ này, Bế Thị Băng khi ấy đang tiễn một người bạn thân lên đường đi du học. khi quay lại, cô bất chợt gặp Oturak Be, một khách du lịch, giáo sư toán học người Đức vừa đặt chân lần đầu đến Việt Nam. Như định mệnh, anh chọn cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn ấy để hỏi đôi chút về Hà Nội. Câu chuyện trở nên gần gũi hơn khi cô say sưa nói với anh về vẻ đẹp của đất nước mình. Nghe xong, anh chàng thốt lên quả quyết. tôi sẽ đi khắp đất nước xinh đẹp này. Thế rồi họ chia tay.
Tưởng rằng đó chỉ là một cuộc gặp thoáng qua, thế nhưng đó lại là cuộc gặp làm thay đổi cuộc đời cô gái Bế Thị Băng. Mấy ngày sau, tình cờ cô gặp lại anh ở Hồ Tây. Bất ngờ vì gặp lại cô, anh nấn ná ở lại nói chuyện nhiều hơn. Điều khiến Băng ngạc nhiên và ấn tượng nhất từ người đàn ông này chính là anh coi như không có gì ngạc nhiên khi thấy cô đi tập tễnh trên một chiếc chân giả.
“Anh ở Việt Nam bao lâu?”, cô hỏi anh. “Anh ở đây một tháng, em có thể đưa anh thăm quan cảnh đẹp Việt Nam không?”. Đề nghị thẳng thắn của anh khiến cô xao xuyến. Cô nhận lời làm “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” của anh.
Kỷ niệm mà cô không thể nào quên chính là một lần cô và anh đi bơi. Khi cô tháo chiếc chân giả để xuống nước, cô luôn nghĩ, anh sẽ thấy cô xấu, anh sẽ thất vọng, sẽ ngạc nhiên, sẽ bỏ đi... Nhưng anh không nói gì, chỉ ở trên bờ quay lại cảnh cô đang bơi dưới nước. Khi cô quay lại bờ, anh bảo cô: “Anh thật sự ấn tượng với em. Này cô gái, ngoài bơi ra, em còn biết làm gì nữa?”. Cảm nhận được sự chân thành qua ánh mắt anh, cô nói với anh: “Em còn biết nhảy múa nữa”.
Nếu là người khác, họ sẽ hỏi: “Em nhảy với một chân ư? Hay với chiếc nạng?”, nhưng anh đã không hỏi thế. Anh hỏi: “Ai đã dạy em nhảy?”. Câu hỏi này ngoài suy nghĩ của cô, khiến cô thật sự nghĩ về người đàn ông này theo một cách khác. “Em tự học. Em thích persian dance”. Anh mở to đôi mắt nâu nhìn cô không chớp: “Thật kỳ lạ, anh cũng thích persian dance”.
“Anh muốn về quê em!”. Đề nghị của anh vào một ngày anh với cô ngồi bên Hồ Tây lộng gió khiến cô xúc động. Cô đồng ý đưa anh về. Trên chuyến xe đêm lên Cao Bằng vào một ngày mưa, anh và cô đã thật sự không còn khoảng cách, thật sự nhận ra hai đất nước cách xa nửa vòng trái đất không hẳn là quá dài bởi tâm hồn đã thật sự đồng điệu. Nhìn đôi chân lấm bùn của anh khi lội trong mưa trên đường toàn cỏ may để về căn nhà lụp xụp của cô, Băng cảm nhận được sự ân tình cũng như chân thành của anh với gia đình mình, những điều khó nói bằng lời. Sau đó, anh cũng chưa bao giờ nghĩ và nói với Băng về sự nghèo nàn đó, chính Oturak Be khiến cô tự tin hơn rất nhiều.
Một tháng thấm thoát trôi đi, anh gửi cho cô những dòng lưu luyến khi anh sắp phải về nước. “Anh đã yêu em mất rồi. Anh hứa sẽ trở lại Việt Nam”.
Đó là những ngày cô gái Bế Thị Băng cảm nhận được những nhịp khác thường trong trái tim mình khi nghĩ về anh. Nhưng cô mặc cảm bản thân không tròn vẹn, cô lại không biết tiếng Đức hay văn hóa quê hương anh.
Thế nhưng, người đàn ông này đã xóa tan suy nghĩ tự ti đó của Băng: “Chỉ cần chúng ta muốn và luôn cố gắng thì mọi điều đều có thể. Hãy để anh yêu em, bởi trong anh, em là một cô gái đặc biệt...”.
Để chăm chút cho tình yêu của mình, ít lâu sau, Oturak Be đã trở lại Việt Nam. Tình yêu của họ cũng như bao đôi lứa khác, có những lúc anh lăn xả vì cô, cùng cô trải qua những ngày tháng ngọt ngào hay những trận say xe vật vã khi về quê. Cũng có những lúc giận hờn rồi để lại yêu nhau hơn, cần nhau hơn.
Đến lần thứ ba, anh trở lại Việt Nam và cầu hôn cô. Và cô đã đồng ý, đến lúc này cô mới biết chồng mình là Giáo sư toán học chứ không đơn thuần là anh chàng “tây balo”.
Cô và anh chọn cách tin tưởng tuyệt đối. Khi cô đưa ra “luật rừng” với anh: “Phải giữ liên lạc 24/24 giờ, dù chúng ta có đi bất kỳ đâu, kể cả đi ngủ, em cũng muốn ở trong giấc mơ của anh”. Anh đã thực hiện điều đó khi hai người phải tạm xa nhau, anh bảo: “Cả thế giới không ai làm được điều này, chỉ có em” và anh chấp nhận “luật rừng” của cô trong hạnh phúc.
Trước khi cưới, anh thường bảo cô là một phụ nữ thanh lịch và nhiều năng lượng, mạnh mẽ, xinh đẹp. sau khi cưới anh bảo cô: bên ngoài là một phụ nữ dịu dàng, nhỏ nhẹ nhưng bên trong giống như 20 người cộng lại. Cô cảm nhận được tình yêu của anh qua từng lời nói, ánh mắt, cử chỉ yêu thương.
Không bị áp lực phải sinh con
Điều cô cảm động nhất khi yêu anh đó chính là việc anh không bắt cô phải sinh con cho anh. “Em không cần làm bất cứ việc gì vì trách nhiệm, em hãy làm vì em muốn. Không phải cứ sinh con mới hạnh phúc”. Anh nói thế và mong muốn cô hãy yêu bản thân mình để được anh yêu. Anh ủng hộ cô những công việc từ thiện, anh vui vì cô có thể giúp đỡ cộng đồng và tỏ ra bực tức khi có ai đó nhìn cô bằng ánh mắt kỳ thị. Khi có người tỏ thái độ không tin rằng cô lấy chồng, anh cằn nhằn: “Tại sao họ nghĩ em có một chân thì không thể lấy chồng? Đó là một suy nghĩ ngu ngốc”.
Sau khi cưới đến nay, cứ 3 tháng thì Oturak Be được nghỉ một tháng để về Việt Nam. khoảng thời gian này, Băng dành hoàn toàn cho chồng, cô thể hiện tài nấu ăn của mình, đưa chồng đi du lịch những điểm gần bởi anh rất say xe và không chịu được nóng.
Với Băng, tình yêu và hạnh phúc đã tiếp thêm cho cô nhiều nhiệt huyết và niềm tin vào cuộc sống. Băng tiếp tục dùng tiếng hát và bước nhảy của mình để tiếp thêm động lực cho những hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật. cô tích cực tham gia các chương trình xã hội để gây quỹ tình thương...