Công ty tôi có một cô đồng nghiệp sinh năm 1995, quần áo ăn vận hằng ngày chỉ mua ở sạp bán ngoài chợ, nhưng quyên góp ủng hộ lại hào phóng cho đi 500 nghìn NDT (hơn 1,7 tỷ đồng), khiến sếp cũng phải há hốc mồm, đồng nghiệp ai ai cũng kinh ngạc.
Đồng nghiệp của tôi là một cô gái có vẻ ngoài hết sức bình thường, cao hơn 1m60, dáng người gầy gầy, lại còn không thích trang điểm. Điện thoại cũng không phải chạy theo xu hướng của giới trẻ. Cô thuê trọ ở gần công ty, di chuyển bằng xe điện, thích nấu ăn mang cơm trưa đi làm. Trong công ty, ai cũng nghĩ cô xuất thân từ nông thôn, lên thành phố học đại học rồi đi làm kiếm tiền.
Trong công việc, cô gái không quá xuất sắc, hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của cấp trên. Cô chỉ làm những việc khá bình thường, hầu như không hề có thử thách. Đồng thời, cô cũng hiếm khi tham gia những bữa tiệc nên quan hệ giữa đồng nghiệp cũng chỉ ở mức xã giao, không mấy thân thiết.
Có một ngày, con trai nhỏ của một chị đồng nghiệp bị bệnh ung thư máu. Thế là công ty cùng nhau mở một quỹ quyên góp làm chi phí phẫu thuật cho bé. Chị đồng nghiệp đã chạy vạy khắp nơi, thậm chí còn bán nhà lấy tiền trị bệnh cho con, nhưng vẫn không đủ.
Chúng tôi đa số quyên góp mỗi người 100 NDT (gần 150 nghìn đồng) hoặc 200 NDT (gần 300 nghìn đồng). Có người chỉ góp thêm mấy chục NDT. Thế nhưng khi kiểm tra kết quả dòng tiền, tài khoản quỹ có người góp đến 500 nghìn NDT. Chị đồng nghiệp có con mắc bệnh cho rằng có người chuyển nhầm nên đã lập tức đến làm việc với sếp lớn.
Kết quả là ngay cả sếp cũng có chút xấu hổ, vì bản thân ông cũng chỉ góp 50 nghìn NDT (170 triệu đồng), không hề biết trong công ty có người quyên nhiều hơn con số đó. Cuối cùng phải nhờ đến bộ phận hành chính, chúng tôi mới biết là cô gái sinh năm 1995 đã hào phóng quyên góp số tiền "khủng".
Sếp hỏi cô gái vì sao lại quyên góp nhiều tiền như vậy? Cô đã trả lời:
"Sếp Trương, em quyên 500 nghìn tệ vì trước đây em làm mất chiếc đồng hồ giá trị 100 nghìn tệ ở công ty mà bố tặng cho em. Sau đó, chị Tuệ (đồng nghiệp có con mắc bệnh hiểm nghèo) đã nhặt được và trả lại. Em cảm thấy chị ấy rất tốt nên quyết định giúp chị. Bố em đã kinh doanh hơn 30 năm. Ông luôn dạy em nhân phẩm là thứ quan trọng nhất. Năm xưa ông cũng rất nghèo, cuối cùng có được cơ ngơi ngày hôm nay vì được ông chủ khác giúp đỡ. Từ đó, ông luôn hứa rằng phải giữ thói quen giúp đỡ người khác. Như vậy, hạnh phúc mới đi theo mình đến cuối đời".
Sếp nghe xong thì vừa thán phục vừa đổ mồ hôi hột, vì không ngờ trong công ty lại có "phú nhị đại" (thế hệ thứ hai của gia đình giàu có) khiêm tốn như vậy.
Sau đó, sếp hỏi tiếp: "Bố cô kinh doanh lớn như vậy, vì sao cô lại đi làm công ăn lương?".
Cô gái đáp: "Em không thích làm công việc suốt ngày ở bên cạnh bố. Em chỉ muốn tự đi làm kiếm tiền mà thôi".
Về sau, chúng tôi mới biết bố của cô gái sở hữu tài sản khổng lồ, thế nhưng cô lại khiêm nhường đến không thể tin được. Đồng nghiệp đều thở phào vì chưa ai làm gì có lỗi với cô gái.
Thật ra, nhiều người xuất thân từ gia đình giàu có không hề khoe khoang, sống xa xỉ trong tưởng tượng của chúng ta. Ngược lại, họ còn rất khiêm tốn và có giáo dục.
Con người càng thiếu thứ gì thì càng thích khoe khoang cái đó; càng có thứ gì lại càng thích ẩn giấu đi. Con cái nhà giàu từ nhỏ đã nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ của người khác. Sau khi bước chân vào xã hội, họ lắm lúc chỉ thích cuộc sống bình thường, khiêm nhường đến mức khiến người xung quanh hầu như không cảm nhận được sự tồn tại.
Nhiều khi, những cô gái tay phải cầm túi xách hàng hiệu, tay trái cầm điện thoại đời mới cũng chỉ là con cái xuất thân từ gia đình bình thường, thậm chí là nghèo khó. Vì bản thân họ luôn thiếu thốn tiền bạc nên họ sẽ thích khoe sự giàu có giả tạo ra bên ngoài hơn. Đối với họ, đồ xa xỉ có thể mang lại cảm giác hư vinh phù phiếm.
Nói tóm lại, con nhà giàu hay con nhà nghèo sống như thế nào còn tùy thuộc vào tư tưởng và hệ giáo dục mà họ được truyền dạy. Chỉ chắc chắn một điều rằng: Không phải con cái nhà giàu nào cũng sống xa hoa!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn