Chuyện ở bệnh viện đặc biệt (bài cuối): Kỳ thị có thể khiến HIV lây lan trong cộng đồng
09:07 | 27/05/2019;
HIV là bệnh mạn tính và không dễ lây nhiễm khi tiếp xúc, nó gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi HIV xâm nhập vào cơ thể sẽ phá huỷ hệ thống miễn dịch làm cho cơ thể con người mất khả năng chống lại các bệnh tật.
HIV lây qua 3 đường:
- Lây truyền qua đường máu (do tiếp xúc với máu nhiễm HIV, như truyền máu không an toàn hay sử dụng chung bơm kim tiêm).
- Lây truyền qua đường tình dục (quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm HIV).
- Lây truyền từ mẹ sang con.
Có 5 cách để dự phòng lây nhiễm HIV:
Dự phòng lây nhiễm qua đường máu:
- Chỉ truyền máu khi cần thiết và thực hiện an toàn truyền máu. Xét nghiệm sàng lọc tất cả các mẫu máu, các cơ quan, phủ tạng... của người cho để đảm bảo không bị nhiễm HIV trước khi truyền cấy ghép cho người khác.
- Cô lập và xử lý các dụng cụ sắc nhọn đúng quy cách. Mọi dụng cụ xuyên chích qua da dùng trong tiêm, thủ thuật, phẫu thuật chữa bệnh và sửa sắc đẹp... đều dùng riêng hoặc sau khi đã được tiệt trùng đúng cách.
- Dùng riêng mọi dụng cụ có khả năng dính máu như bàn chải đánh răng, dao cạo râu... phải đeo găng tay, kính bảo vệ mắt, khẩu trang... để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu khi cấp cứu người bệnh có chảy máu.
- Tuyên truyền vận động trong cộng đồng không tiêm chích ma tuý và không dùng chung bơm, kim tiêm.
Dự phòng lây nhiễm qua đường tình dục:
- Quan hệ tình dục lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; các cặp vợ chồng nên tư vấn xét nghiệm HIV trước khi kết hôn.
- Không nên quan hệ tình dục với người bán dâm, mua dâm. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục giúp cho người nhiễm hoặc người nghi ngờ nhiễm HIV tránh lây lan cho bạn tình. Hiểu biết đúng cách về các bệnh lây truyền qua đường tình dục; nên đi khám và điều trị nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh.
- An toàn trong các dịch vụ có liên quan đến dịch sinh dục (thăm khám thai sản, khám phụ khoa, thụ tinh nhân tạo) là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người làm dịch vụ cũng như người sử dụng dịch vụ.
Dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con:
* Dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ tuổi sinh đẻ:
- Nếu phụ nữ không bị nhiễm HIV thì không thể truyền HIV cho con của họ được.
- Để tránh lây truyền HIV, nam và nữ trong tuổi sinh đẻ không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; chung thuỷ một vợ, một chồng. Không quan hệ tình dục với nhiều người, sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
* Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV:
- Phụ nữ nhiễm HIV hãy cùng chồng hoặc bạn tình đến phòng tư vấn sức khoẻ, trạm y tế hoặc các cơ sở sản khoa để được tư vấn và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục; giới thiệu chuyển đến cơ sở chăm sóc, điều trị và hỗ trợ thích hợp
- Tất cả các phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để được khám thai và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.
- Nếu phụ nữ bị HIV vẫn muốn sinh con thì họ được tư vấn và chăm sóc thai nghén; xét nghiệm và dùng thuốc kháng vi rút (ARV) vào thời điểm thích hợp; sinh đẻ an toàn; tư vấn cho cả hai vợ chồng lựa chọn cách nuôi trẻ phù hợp.
- Trẻ mới sinh được uống thuốc kháng vi rút để phòng sự lây truyền HIV từ mẹ, uống càng sớm càng tốt trong vòng 72h đầu sau sinh. Dự phòng và điều trị các nhiễm trùng cơ hội khác. Tư vấn chăm sóc dinh dưỡng và hỗ trợ tinh thần. Được chuyển đến nơi thích hợp để theo dõi, chăm sóc và điều trị cho cả mẹ và con.
- Chồng và bạn tình đều được tư vấn, xét nghiệm, chuyển đến cơ sở chăm sóc và điều trị thích hợp.
Điều trị bằng thuốc ARV:
* Mục đích điều trị:
- Ức chế sự nhân lên của virus và kìm hãm số lượng virus trong máu ở mức độ thấp nhất.
- Phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng khả năng sống sót cho người bệnh.
* Phương pháp điều trị:
- Điều trị kháng vi rút (ARV) là một phần tổng thể các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ y tế, tâm lý và xã hội cho người nhiễm HIV/ADIS.
- Điều trị ARV chủ yếu là điều trị ngoại trú và được chỉ định khi người bệnh có đủ tiêu chuẩn lâm sàng hoặc xét nghiệm. Bất cứ phác đồ điều trị nào cũng phải có ít nhất 3 loại thuốc. Người bệnh phải tuân thủ điều trị tuyệt đối để đảm bảo hiệu quả, tránh kháng thuốc và phải điều trị suốt đời.
- Người bệnh điều trị ARV phải điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khi tình trạng miễn dịch chưa phục hồi.
- Người bệnh điều trị ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác.
Những người có nguy cơ dễ lây nhiễm:
- Ở nước ta, đa số người nhiễm HIV là do lây qua đường tiêm chích ma tuý và mua, bán dâm (quan hệ tình dục không an toàn), dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu...
- Ngoài ra việc không may bị lây nhiễm HIV (bị lây từ chồng/vợ, hay do rủi ro nghề nghiệp...).
- Nếu nghi ngờ bị nhiễm HIV hay không thì cần đến các trung tâm, các cơ sở y tế để được tư vấn và làm xét nghiệm.
- Muỗi đốt không phải là nguồn lây nhiễm HIV.
- Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản lớn cho việc tiếp cận các dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khoẻ, kỳ thị phân biệt đối xử còn khiến HIV lây lan nhiều trong cộng đồng.
- Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu 90-90-90 (là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 thì tất cả chúng ta phải cùng hành động mạnh mẽ hơn, trúng đích hơn, để chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Người nhiễm HIV rất cần chỗ dựa của gia đình và xã hội.