Năm mới đến cũng là thời điểm nhiều người trẻ suy nghĩ đến câu chuyện công việc. Mong thu nhập năm nay tăng hơn so năm ngoái hẳn là điều nhiều người trẻ đang hướng tới. Tuy nhiên, có một số điều cần cân nhắc trên bàn câu chuyện công việc và lương thưởng này.
Biết giá trị của bản thân và kiên định với lập trường của mình. Đừng để mọi người nói rằng bạn không xứng đáng với số tiền lương nào đó. Nếu nhà tuyển dụng cho rằng bạn phù hợp với 1 khung lương nhất định, trong khi những người khác nói bạn không thể chạm tới con số đó, đừng quan tâm. Hãy luôn phấn đấu nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, luôn thương lượng về mức lương mong muốn một cách có cân nhắc và hiểu biết. Đừng để bản thân chịu thiệt, tìm hiểu mức lương trung bình trên thị trường dựa trên kinh nghiệm và công việc bạn đang muốn ứng tuyển. Bên cạnh đó, điều này giúp bạn không đưa ra 1 mức quá cao khiến nhà tuyển dụng e ngại khi phải thương lượng lương.
Hãy tuân theo các giá trị của bạn, không phải con số “ting ting" về tài khoản mỗi tháng. Khi tốt nghiệp đại học, mọi người thường cuốn vào quan niệm rằng bản thân nên chấp nhận lời mời công việc được trả lương cao nhất. Đồng thời, không dành đủ thời gian để suy nghĩ xem liệu công việc đó có thực sự phù hợp với mình hay không.
“Nhìn lại, tôi không thích kỳ thực tập mùa hè của mình, khoảng thời gian mà tôi đã bỏ sức khỏe của bản thân chỉ để tập trung vào những con số. Với lượng kinh nghiệm ít ỏi, để đạt được mức lương nhiều người mong muốn ở tuổi 22 trong kỳ thực tập, tôi đã thật sự làm việc đến “trầy da tróc vảy”, chịu đựng sự lo lắng và áp lực hàng ngày. Thành thật, không có mức lương nào xứng đáng với sức khỏe tinh thần của bạn", một giám đốc cấp cao tại công ty công nghệ chia sẻ.
Hiện nay, nhiều người trẻ cho rằng “văn hoá hối hả" là một phần không tách rời của cuộc sống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn nên đánh đổi sức khoẻ của mình để nhận được mức thu nhập cao hơn, bởi vì đó là có thể một khoản đầu tư tồi. Số tiền bạn phải chi trả để giữ sức khoẻ sau những ngày làm mệt nhoài có thể lớn hơn nhiều với mức lương bạn nhận được.
Nghiên cứu cho thấy rằng các công ty luôn có một mức lương cho 1 công việc hay những vị trí theo mức độ kinh nghiệm. Trong 1 vài trường hợp, có thể bạn sẽ hài lòng với mức lương của mình, bởi vì nó đã cao hơn so với công việc cũ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng mức lương ấy phù hợp với khối lượng công việc bạn đang làm.
Ngoài ra, đừng ngại rời bỏ việc nếu bạn chỉ mới làm trong 1 khoảng thời gian ngắn. Nhiều người trẻ đã dành quá nhiều thời gian để lo lắng về việc CV của mình trông sẽ kém cạnh tranh hơn người khác nếu không ở 1 công ty được 9 tháng. Nếu bạn sẵn sàng chia sẻ trong 1 cuộc phỏng vấn về lý do tại sao bạn muốn chuyển đi và vị trí trước đây không phù hợp với bạn, thật sự chẳng ai quá quan tâm về thời gian bạn đã làm ở công ty cũ.
“Tôi phỏng vấn thường xuyên, nhưng chỉ với những vị trí bản thân quan tâm. Điều này giúp tôi giữ vững các kỹ năng trao đổi và theo dõi những gì đang diễn ra trong ngành. Tất cả bạn bè của tôi đều nghĩ điều này thật vô nghĩa nhưng với tôi, nó sẽ hiệu quả”, một trưởng nhóm Marketing chia sẻ.
Bên cạnh đó, đừng ngại thay đổi miễn là nó hợp lý. Có những người chưa bao giờ dành hơn 3 năm cho 1 doanh nghiệp và luôn thay đổi sau 1 năm trong 2 công việc đầu tiên của mình, để thăng chức hoặc chuyển sang các doanh nghiệp lớn hơn. Chuyển sang 1 công ty mới là thách thức nhưng cũng rất thú vị, và điều đó nghĩa là bạn sẽ phát triển. Và nó thường đi kèm với việc tăng lương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn