Chuyện tình của bà Aung San Suu Kyi

17:42 | 13/11/2015;
Để chiến đấu cho tự do và dân chủ của Myanmar, bà Suu Kyi đã nuốt nước mắt không về Anh nói lời vĩnh biệt với người chồng lúc lâm chung.
Bà Aung San Suu Kyi từng theo học tại đại học Oxford (Anh). Với trang phục truyền thống Myanmar và bông hoa cài duyên dáng trên tóc, Suu Kyi đã gây ấn tượng mạnh với người đàn ông châu Âu yêu vẻ đẹp phương Đông. Một kết thúc có hậu đã diễn ra sau câu chuyện tình đẹp của chàng sử gia người Anh và người phụ nữ sau này trở thành biểu tượng của nền dân chủ Myanmar.

Michael Aris và Aung San Suu Kyi kết hôn vào năm 1972. Tuy nhiên, lớn lên với nỗi đau đáu về di sản còn dang dở của cha nên khi nhận lời cầu hôn của ông Michael, bà Suu đã giao ước rằng nếu đất nước cần, bà sẽ trở về. Và ông Michael đồng ý.
Bức hình bà chụp cùng chồng trong cuốn album gia đình tại Anh
Suốt 16 năm, bà ở nhà nội trợ

Suu Kyi bên cậu con trai nhỏ, người sau này phải xa cách mẹ tới gần 20 năm

Trong suốt 16 năm sau đó, vợ chồng bà sống êm đềm hạnh phúc và có hai cậu con trai. Bà ở nhà nội trợ. Thậm chí bà còn khiến những người bạn nữ bực bội khi khăng khăng đòi ủi tất cho chồng và tự mình lau dọn nhà cửa.

Năm 1988, bà về nước để chăm sóc mẹ bị đột quỵ. Lúc này, đất nước trong tình trạng hỗn loạn. Nhiều cuộc đối đầu bạo lực với quân đội đã khiến cả đất nước rơi vào tình trạng tê liệt.

Thông tin con gái vị tướng anh hùng Aung San trở về nước đã nhanh chóng lan đi. Khi một đoàn học giả đề nghị bà Suu Kyi lãnh đạo phong trào dân chủ, bà đồng ý và nghĩ rằng một khi cuộc bầu cử đã diễn ra xong, bà sẽ được tự do để quay trở lại Oxford. Ông Michael chỉ biết lo lắng dõi theo tin tức của vợ.

Suốt nhiều năm sau, bà bị quân đội quản thúc nên không thể trở về Anh cùng gia đình.

Ông Michael đã âm thầm phát động một chiến dịch vận động để giúp bà trở thành một biểu tượng quốc tế. Suốt thời gian đó, ông Michael chỉ được thăm vợ hai lần.

Ông Michael đã âm thầm phát động một chiến dịch vận động để giúp bà trở thành một biểu tượng quốc tế

Phe quân đội nắm quyền cho phép bà cứ lúc nào cũng có thể yêu cầu được đưa tới sân bay và bay về với gia đình, chấm dứt mọi hoạt động chính trị tại đất nước, nhưng cả bà và chồng đều không muốn làm vậy.

Ông Michael rất đau khổ vì nhớ vợ. Ông giữ nguyên trang sách mà bà đọc khi nhận được cuộc gọi trở về quê hương. Ông trang trí các bức tường trong nhà bằng những chứng chỉ giải thưởng của vợ, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1991. Trên giường ngủ, ông treo một bức ảnh lớn của vợ.

Năm 1995, bà được thả tự do. Đây cũng là lần cuối cùng vợ chồng bà Suu được gặp nhau. Ba năm sau, ông Michael biết tin mình đang bị ung thư giai đoạn cuối. Ông đã xin visa đến Myanmar tới 30 lần để được nói lời từ biệt bà, nhưng không lần nào thành công.

Thời điểm đó, bà Suu Kyi có thể được bay về Anh nói lời vĩnh biệt chồng, với điều kiện chấp nhận không bao giờ được trở về Myanmar nữa. Phải chọn giữa gia đình và tổ quốc, bà vô cùng đau đớn. Bà gọi cho Michael và ông kiên quyết nói với bà đừng bao giờ nghĩ đến việc đó.
Bà từng nói, tình yêu mà chồng dành cho bà chính là điểm tựa, là sức mạnh cho bà bao nhiêu năm qua

Khi nhận ra mình sẽ không thể gặp lại chồng nữa, bà mặc một chiếc váy màu ông yêu thích, cài một bông hồng lên mái tóc, đến Đại sứ quán Anh để quay một đoạn video nói lời chia tay chồng.

Trong video, bà nói tình yêu mà ông dành cho bà chính là điểm tựa, là sức mạnh cho bà bao nhiêu năm qua. Đoạn video được chuyển lậu ra khỏi Myanmar và đến được nước Anh năm 1999. Nhưng ông Michael mất hai ngày trước khi video tới nơi.

Từ sau khi được trả tự do năm 2010, bà Suu Kyi đã gặp lại các con trai và các cháu. Bà phát biểu với giới truyền thông: "Tôi ân hận vì đã không thể dành nhiều thời gian cho gia đình. Một sự ân hận cá nhân. Nhưng tôi không hề nghi ngờ gì về sự lựa chọn, là ở lại cùng với đồng bào tôi".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn