"Tôi với bà Ngô Thị Tuyết An cảm mến nhau trong thời bom đạn. Trải qua bao trắc trở, chúng tôi vẫn kiên định đến với nhau bằng tinh thần của những chiến sĩ Điện Biên”, cụ Đạc mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Ở "tuổi xưa nay hiếm", cụ Dương Đình Đạc vẫn còn rất minh mẫn, đôi mắt tinh tường không cần đeo kính lão mà vẫn đọc được báo, xem ti vi bình thường. Cho đến bây giờ, cụ không nhớ được đã bao lần kể cho con cháu nghe về kỷ niệm ở các chiến trường mà cụ đã tham gia chiến đấu. Riêng về chuyện tình với cụ bà Ngô Thị Tuyết An thì cụ Đạc đã viết thành văn, thành tập thơ gần 300 câu để con cháu đọc là hiểu, là nhớ.
Cụ Dương Đình Đạc quê ở xứ Đoài (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Còn cụ bà Ngô Thị Tuyết An sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Nón (Hà Nội). Ở tuổi 13, Ngô Thị Tuyết An đã đi theo Cách mạng. Còn chàng trai Dương Đình Đạc lúc đó đang là sinh viên trường Y, cũng quyết định gác chuyện học hành để ra tiền tuyến.
Một ánh mắt chạm nhau ngày nhập ngũ đã mở đầu cho chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở của hai người sau này.
Cùng về công tác tại một trạm của bệnh viện quân y đóng tại Phú Thọ, họ là đồng đội ở Đội điều trị số 2, cùng nhau tham gia từ chiến dịch Tây Bắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ. "Công tác cùng một đơn vị, thực hiện cùng một nhiệm vụ là chăm sóc, điều trị thương binh, bệnh binh ở chiến trường nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng ở cạnh nhau.
Thời chiến tranh, chúng tôi hành quân bất kể giờ giấc. Mỗi chiến sĩ ngày ấy phải vác trên vai hơn 20kg, nào gạo, nào bi đông, màn, võng… Bà An phải mang ba lô rất nặng nên thường hay bị tụt lại phía sau. Tôi khi ấy là chính trị viên, phải đi cuối cùng để đôn đốc toàn đội.
Thấy bà An như vậy, tôi ngỏ ý muốn mang ba lô giúp. Sự cảm mến trên đường hành quân ra mặt trận của chúng tôi đã nảy nở từ những việc rất đỗi bình thường như vậy", cụ Đạc hồi tưởng.
Khi đến chiến trường Điện Biên Phủ, hai người được phân công ở hai đội điều trị cách nhau hơn 10 km. Mỗi lần bà An cáng thương binh về tuyến sau để điều trị, bà An đều nhận được sự hỗ trợ của ông Đạc.
"Thời chiến tranh, ăn uống kham khổ, chiến trường lại vô cùng khốc liệt. Nhìn bà ấy mệt mỏi sau một chặng đường xa làm nhiệm vụ, tôi lại tìm cách nhường đồ ăn của mình cho bà ấy. Tình cảm của chúng tôi không một lời hẹn ước mà chỉ thể hiện qua ánh mắt, những cử chỉ rất nhỏ", cụ Đạc kể.
Trước khi gặp thiếu nữ Hà thành Tuyết An, chàng trai Dương Đình Đạc đã hứa hôn với Dung, em gái của một người bạn thân, ở Hà Nội. Trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều gia đình ở Hà Nội phải đi sơ tán. Mỗi khi có dịp, Đạc lại về tìm hôn thê của mình và gia đình cô ấy nhưng đều không có tin tức, tình cảm sau nhiều năm mất liên lạc vì thế cũng bị phai nhạt.
Sau khi gặp và quyết định đến với Tuyết An, Đình Đạc đã báo cáo với đơn vị về chuyện hứa hôn của mình trước đây, nay mong được đơn vị ủng hộ và cho phép hai người tổ chức đám cưới cùng 4 cặp đôi khác, vào cuối năm 1953.
Tuy nhiên, sát ngày cưới, bà An bị cho là thuộc thành phần gia đình tiểu tư sản (bố mẹ bà An buôn bán tại phố cổ Hà Nội). Đơn vị đã ra chỉ thị ông Đạc và bà An không được đến với nhau. Sau đó, ông Đạc được chuyển sang Đội điều trị số 1. Với những quy định nghiêm ngặt của thời ấy, tưởng như nhân duyên của hai người phải chấm dứt.
"Lúc ấy, chiến tranh ác liệt nhưng tôi vẫn nói với đơn vị, nếu phía bà An còn thiếu sót gì, chúng tôi sẽ tiếp tục ở đơn vị phấn đấu đến khi nào đủ điều kiện thì thôi", cụ Đạc nhớ lại.
Dự định tổ chức đám cưới không thành khiến cả hai hụt hẫng. Dù bị ngăn cản nhưng hai người vẫn kiên định, động viên nhau vững tâm chờ đợi. Những khi không gặp nhau, ông Đạc lại hỏi thăm tin tức về bà An qua những đồng chí khác. Bà An cũng ngóng tin tức người yêu qua những đồng đội trong đơn vị.
Niềm tin và tình yêu của 2 chiến sĩ Điện Biên cuối cùng cũng giúp họ vượt qua được thử thách. Năm 1955, một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi cả hai đang thực hiện nhiệm vụ tại Nghệ An, đơn vị đã tổ chức một đám cưới đơn giản nhưng ấm áp cho họ.
Sau này, cả ông Dương Đình Đạc và bà Ngô Thị Tuyết An đều về công tác tại Công an nhân dân vũ trang Việt Nam (nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu.
Lúc ông Đạc và bà An đã là vợ chồng và có con đầu lòng, ông Đạc gặp lại bà Dung, mối tình đầu của mình. Không làm con rể nhưng ông Đạc vẫn được bố mẹ bà Dung quý mến, nhận làm con nuôi. Thấu hiểu chuyện cũ của chồng, bà An luôn đối xử tốt với gia đình bà Dung. Hai gia đình đến nay vẫn giữ được mối quan hệ thân tình như người một nhà.
"Bà An đã về với tổ tiên cách đây 6 năm. Ngẫm lại cuộc đời mình, tôi luôn cảm ơn bà ấy, một người đồng đội - một người bạn đời đầy sâu sắc, trọn nghĩa, vẹn tình", cụ Đạc nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn