Chuyện tình đáng ngưỡng mộ của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản

10:33 | 24/02/2017;
Sau 6 thập kỷ bên nhau, tình cảm giữa vợ chồng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn luôn đầy ắp hạnh phúc. Ngày qua ngày, họ vẫn giữ vẹn nguyên những tình cảm nồng nàn, sắt son như thuở ban đầu.
Ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản

Thái Tử Akihito sinh ngày 23/12/1933, là con trai của Nhà vua Hirohito và Hoàng hậu Nagako. Bà Michiko là con gái cả của ông Shoda Hidesaburo - Chủ tịch danh dự của Công ty Xay bột Nisshin tại Tokyo. Tuy là tiểu thư đài các của một nhà tư bản giàu có nhưng bà vẫn chỉ mang thân phận thường dân. Năm 1957, bà Michiko đã bất ngờ gặp Thái tử Akihito tại một sân tennis. Cuộc gặp gỡ khiến Thái tử Akihito đem lòng yêu mến cô gái duyên dáng, xinh đẹp này.
Sân tennis - nơi chứng kiến mối tình của Nhà vua và Hoàng hậu thuở xưa
Rất nhiều người từng phản đối đám cưới của họ, trong đó có những cận thần thân tín và Hoàng hậu Nagako bởi mọi người hy vọng ông Akihito sẽ kết hôn với một cô gái xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc để có thể đường hoàng bước vào Hoàng gia Nhật Bản. Tuy vậy, tình yêu giữa Nhật hoàng Akihito và “cô gái thường dân” Michiko đã vượt qua mọi thử thách và đi đến hôn nhân năm 1959. Thái tử Akihito là người đầu tiên trong Hoàng gia Nhật Bản phá lệ để kết hôn với một “thường dân”. Cả nước vui mừng với lễ cưới truyền thống được tổ chức cùng dàn xe ngựa kéo lộng lẫy ngày 10/4/1959. Hơn 500.000 người đổ ra đường để chào mừng sự kiện này. Đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản.
Đám cưới hoàng gia ngày 10/4/1959
Trở thành Công nương và sau đó là Hoàng hậu, bà Michiko đã rất vất vả để theo kịp những quy định khắt khe của Hoàng gia. Dần dần, bà lấy được sự tin tưởng và lòng yêu mến của các thành viên Hoàng gia. 
Ngày đăng quang của Nhà vua và Hoàng hậu
Ông Akihito lên ngôi hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản và lễ đăng quang của Nhà vua Akihito được tổ chức ngày 12/11/1990 tại Hoàng cung. Nhà vua Akihito đã làm hết sức mình để trở thành một vị “hoàng đế quốc dân”. Nhật Bản là một đất nước phải hứng chịu nhiều thiên tai và thảm họa. Qua trận động đất Hanshin-Awaj năm 1995, 3 thảm họa động đất, sóng thần, khủng hoảng hạt nhân năm 2011 và gần đây nhất là trận động đất lớn ở Kumamoto tháng 5/2016 có thể thấy rằng, bất cứ khi nào Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thiên tai lớn, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đều cố gắng để an ủi, chia sẻ nỗi đau của người dân.
Nhà vua và Hoàng hậu thăm hỏi nạn nhân của trận động đất năm 2011
Năm 2011, khi nhiều nơi tại Tokyo mất điện sau động đất, Nhật hoàng đã ra lệnh tắt điện tại cung điện của mình để có thể san sẻ sự khó khăn với người dân. Ngoài ra, vợ chồng Nhà vua còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề phúc lợi và đã đi thăm hơn 400 cơ sở phúc lợi dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp nước Nhật. Với một tinh thần trách nhiệm, tình cảm nồng ấm và sự ân cần với người dân, Nhà vua và Hoàng hậu đã làm cho Hoàng gia trở nên gần gũi hơn với nhân dân. Trong suốt thời gian trị vì cho đến nay, Nhà vua và Hoàng hậu đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước và luôn hướng tới tinh thần hòa bình của nước Nhật Bản.
Biểu tượng cho sự đoàn kết và hòa bình
Hai tâm hồn đồng điệu
Cùng khiêu vũ
Sau 6 thập kỷ ở bên nhau, tình cảm giữa cặp vợ chồng Nhật hoàng Akihito vẫn luôn đầy ắp hạnh phúc. Nhà vua và Hoàng hậu sáng nào cũng dậy sớm, đi bộ trong rừng và vườn thượng uyển của Hoàng cung, nơi họ có thể chứng kiến sự đổi mùa, gần gũi thiên nhiên mà cả hai đều rất yêu thích. Những lúc rảnh rỗi, họ vẫn cùng nhau chơi tennis, môn thể thao đã đưa hai người đến với nhau từ 60 năm về trước. Đặc biệt, vợ chồng Nhật hoàng có sự quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục cho tầng lớp trẻ em ở Nhật Bản. Họ thường đến thăm các trẻ nhỏ mỗi khi có dịp tham gia sự kiện từ thiện nào đó.
Cùng đi dạo
Cả hai là đôi tri kỷ, đồng điệu trong từng giai điệu âm nhạc, nghệ thuật… Hoàng hậu rất yêu thích âm nhạc. Bà chơi piano và là người đệm đàn rất ăn ý cho Nhà vua.
Đồng điệu trong tiếng đàn
Nhà vua và Hoàng hậu cũng sáng tác waka (một thể loại thơ cổ có xuất xứ từ Hợp tuyển thơ ca Manyoshu có từ thế kỷ thứ 8), một truyền thống lâu đời trong gia đinh hoàng tộc. Nhà vua và Hoàng hậu lần đầu tiên cho ra mắt tập Tomoshibi (Ánh sáng), một tuyển tập waka, khi mà họ còn là Hoàng Thái tử và Công nương vào năm 1986 và để đáp lại yêu cầu tha thiết của người dân, tập Se-oto (Tiếng suối), một tuyển tập thơ waka của Hoàng hậu được xuất bản năm 1997. Cứ tháng 1 hàng năm, Nhà vua cho tổ chức Lễ hội đọc thơ năm mới trong Hoàng cung.
Nhà vua trồng lúa
Hàng năm, noi theo gương vua cha - Người đã khởi xướng việc này từ năm 1927, Nhà vua Akihito tự mình trồng và thu hoạch lúa, một loại cây truyền thống và chủ yếu ở Nhật Bản tại cánh đồng lúa trong Hoàng cung.
Hoàng hậu nuôi tằm
Hoàng hậu nuôi tằm tại trung tâm nuôi tằm Hoàng cung bằng lá dâu, noi theo gương của tiền nhân là Hoàng hậu Dowager Shoken, là cụ cố của Nhà vua hiện nay. Mỗi mùa xuân, Hoàng hậu bắt đầu nuôi từ 120.000 đến 130.000 con tằm, chăm sóc chúng trong suốt hơn 2 tháng và thu hoạch khoảng 150 kg kén tằm vào đầu mùa hè. Một số tơ này được dùng để phục hồi lại những trang phục cổ có giá trị lịch sử được Hoàng gia giữ gìn từ thể kỷ thứ 8.
 
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2 đến 5/3/2017.

Trong thời gian lưu lại tại Hà Nội từ ngày 28/2 đến 3/3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Việt Nam; đặt vòng hoa viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giao lưu với các cựu lưu học sinh tại Nhật Bản…

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ rời Hà Nội để đi thăm Huế vào chiều ngày 3/3. Tại đây, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ thăm Đại Nội Huế và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế. Nhà vua và Hoàng hậu cũng tới thăm nhà tưởng niệm nhà văn hóa Phan Bội Châu, một trong những người có đóng góp nổi bật cho việc thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn